Cần thêm quy định bảo vệ bác sỹ, nhân viên y tế
Sáng 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Điều 109, dự thảo luật bổ sung quy định về các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh là rất cần thiết. Bởi thực tế có những người gây mất trật tự, thậm chí đánh, gây thương tích đối với cán bộ, nhân viên y tế và gây mất an toàn đối với người bệnh ở các cơ sở khám, chữa bệnh. “Đây là vấn đề rất bức xúc, chúng tôi tán thành với việc cần phải có những giải pháp hiệu quả để xử lý được vấn đề này”, ông Tùng nói.
Hệ thống robot y tế tại Bệnh viện Bình Dân TPHCM. Ảnh: Vân Sơn |
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, rất cần có thêm những quy định để bảo vệ các nhân viên y tế, vì bác sỹ hy sinh rất nhiều, có khi bố, mẹ mình còn đang ốm mà không chăm sóc được, lại phải chăm sóc cho người bệnh, do đó, phải tôn vinh, bảo vệ họ. Luật này rất cấp bách, nhân dân mong ngóng từng ngày, từng giờ. Ngành Y tế đóng góp rất lớn trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân và rất hy sinh, nên cần một khuôn khổ pháp lý tốt để đóng góp cho tốt hơn.
“Qua chống dịch có những sự hy sinh không thể đếm được, không thể sánh được, hy sinh gian khổ không kém gì ở chiến trường. Đội ngũ y tế rất kỳ vọng vào dự án luật này, ra được sớm ngày nào hay ngày ấy”, ông Định nêu quan điểm.
Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định cụ thể thêm, có thể phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp để quy định cụ thể việc bảo vệ cán bộ y tế, tránh những tình trạng như thời gian vừa qua.
Tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng
Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Chính phủ dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội, tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khuyến khích thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nên thiết kế nội hàm xã hội hóa thay vì bỏ khái niệm này như một số ý kiến đã nêu trước đó. Ông Định nhấn mạnh, khối y tế tư nhân làm việc rất hiệu quả, đội ngũ y tế cả công và tư đều có nhiều đóng góp cho xã hội.
Trước nhận định đội ngũ y tế chạy từ khu vực công sang tư là chảy máu chất xám, ông Định cho rằng, họ vẫn ở trong nước, nhân dân vẫn được hưởng dịch vụ. “Công sử dụng không tốt thì anh em chạy sang tư, vẫn đóng góp cho đất nước này chứ có chạy sang Tây đâu mà sợ”, ông Định nêu.
Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, khai thác tốt xã hội hóa sẽ góp phần giảm tải rất lớn trong công tác khám chữa bệnh của bệnh viện công, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, ông Vinh lưu ý, một số địa phương tự chủ bước đầu thành công, gần đây, đã xuất hiện sai phạm và nhiều yếu tố khác nên có xu hướng xin dừng triển khai tự chủ.
Giải trình sau đó, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng, vừa góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực khám chữa bệnh, vừa nâng cao năng lực đổi mới của các bệnh viện. Theo bà Lan, Nghị quyết 33 của Chính phủ chỉ cho thí điểm trong 2 năm và sẽ chuyển đổi khi pháp luật về tự chủ được quy định.
“Thời điểm này, chúng ta đã có Nghị định 60 quy định về tự chủ cho nên vấn đề xin dừng thí điểm tự chủ để chuyển sang thực hiện theo pháp luật là hoàn toàn phù hợp, vì đã được Chính phủ cho phép”, bà Lan cho hay.
Về xã hội hóa, bà Lan khẳng định, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn vì nguồn lực Nhà nước dành cho lĩnh vực y tế chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Mặc dù xã hội hóa nhưng y tế công lập vẫn là chủ yếu vì hiện nay vai trò của Nhà nước trong đầu tư cho y tế vẫn là trọng tâm.
Đề xuất Bộ Công an cấp, thu hồi giấy phép hành nghề bác sĩ
Giải trình, tiếp thu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước gồm 3 Bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng và UBND cấp tỉnh. Qua đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Công an có quyền đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề với người hành nghề làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thuý Anh, một số ý kiến băn khoăn và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành. Nếu giao Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề với đối tượng thuộc thẩm quyền thì cần quy định lộ trình. Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế với thẩm quyền của 2 Bộ trưởng Công an và Quốc phòng khi xử lý vấn đề này.