The Age đưa tin, việc công bố các tài liệu mật của Ả rập Xê út diễn ra sau khi trang web này đã công bố các điện tín bí mật của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2010. Hiện, chưa có cách nào kiểm chứng ngay lập tức độ chân thực của thông tin và đại sứ quán Ả rập Xê út tại Washington chưa bình luận gì về thông tin được tung lên mạng vào hôm 19/6.
WikiLeaks tiết lộ, Ả rập Xê út đã bí mật tác động lên truyền thông Ả rập và các nhóm tôn giáo Hồi giáo ở Australia cũng như ngầm theo dõi các sinh viên Ả rập Xê út học tập tại các trường đại học Australia.
Theo thông báo ngày 20/6 của Julia Assange, người điều hành WikiLeaks, tài liệu rò rỉ của chính quyền Ả rập Xê út bao gồm các thư từ giữa Bộ Ngoại giao nước này với đại sứ quán tại Canberra. Việc trao đổi thông tin này cho thấy Ả rập Xê út vẫn duy trì những nỗ lực gây ảnh hưởng chính trị và tôn giáo với các cộng đồng Hồi giáo và Ả rập ở Australia.
Các tài liệu này bao gồm cả chỉ dẫn của chính phủ Ả rập Xê út cho đại sứ quán tại Canberra, liên quan tới việc Bộ Văn hóa và thông tin Ả rập Xê út chi tiền cho các báo và tổ chức truyền thông Ả rập có tiếng ở Australia. Số tiền được chi từ 10.000 tới 40.000 USD.
Ngoài ra, đại sứ quán Ả rập Xê út tại Australia cũng được chỉ thị, chú ý tới niềm tin chính trị và tôn giáo của các sinh viên nước này đang học tại Australia, sau đó gửi báo cáo cho Mabahith - Tổng cục điều tra của Bộ Nội vụ Ả rập Xê út. Tổng cục này cũng là nơi đưa ra các gợi ý để chính phủ Ả rập Xê út đổ tiền cho việc xây dựng các thánh đường và hỗ trợ hoạt động của các cộng đồng Hồi giáo ở Australia.
WikiLeaks cho biết, các tin điện bị rò rỉ giữa chính phủ Ả rập Xê út và các đại sứ quán của vương quốc này trên toàn cầu đã cung cấp cái nhìn thấu vào các hoạt động của Ả rập Xê út cũng như cách nước này đối xử với các nước liên minh và khẳng định vị trí là một siêu cường ở khu vực Trung Đông.
Tài liệu bị rò rỉ cũng tiết lộ những nỗ lực lớn của Ả rập Xê út trong việc tác động và trung hòa các quan điểm cực đoan trên truyền thông nước ngoài, thông qua việc góp tiền và thuê bao.
"Đa phần các chính phủ trên thế giới đều có các chiến dịch truyền thông để đẩy lùi chỉ trích và xây dựng quan hệ ở những nơi có ảnh hưởng. Ả rập Xê út kiểm soát hình ảnh của mình bằng giám sát truyền thông và mua sự trung thành từ Australia tới Canada và nhiều nơi khác", WikiLeaks cho biết.
Trang web WikiLeaks cũng nhấn mạnh việc Bộ Ngoại giao Ả rập Xê út thừa nhận mạng máy tính của chính phủ nước này bị đột nhập vào tháng trước. Lỗ hổng an ninh mạng của vương quốc tại Trung Đông này do một nhóm gọi là Đội quân mạng Yemeni gây ra. Ả rập Xê út hiện cũng can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến của Yemen.
Theo WikiLeaks, các tài liệu bị rò rỉ gồm hàng trăm nghìn ảnh scan tài liệu bằng tiếng Ả rập, hàng chục nghìn file dữ liệu bằng chữ, các bảng biểu và thư điện tử. Tất cả hiện đã được đặt vào một dữ liệu rất dễ tìm kiếm.