WHO nói nhiều quốc gia tích trữ vắc-xin khiến đại dịch kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: AP
Ảnh minh hoạ: AP
TPO - Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên gia về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thẳng thừng chỉ trích các quốc gia tích trữ vắc-xin trong bối cảnh bất bình đẳng nguồn cung trên toàn cầu.

“Việc này không chỉ không công bằng, vô đạo đức, mà còn làm kéo dài đại dịch và gây ra thiệt hại về nhân mạng”, bà Maria Van Kerkhove nói hôm thứ Ba, 7/9. “Nếu chúng ta tận dụng những liều vắc-xin có sẵn thì tình hình toàn cầu lúc này đã khác.”

Nữ chuyên gia khẳng định việc một số quốc gia tích trữ vắc-xin đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến số người chết vì COVID-19. Tình trạng này không khác gì việc một số quốc gia tích trữ các thiết bị bảo hộ cá nhân hồi đầu dịch.

Bà Kerkhove cũng cho rằng các quốc gia lựa chọn chia sẻ vắc-xin COVID-19 với các quốc gia khác không nên tự coi hành động của mình là “từ thiện”, vì “đây là việc mà chúng ta phải cùng nhau phối hợp”.

Trước đó tại cuộc họp, ông Mike Ryan - người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO - lưu ý rằng "mỗi quốc gia đang gặp khó khăn riêng" liên quan đến việc phân phối vắc-xin.

“Một số quốc gia có rất nhiều vắc-xin nhưng họ không thể kêu gọi người dân đi tiêm. Nhiều quốc gia khác khao khát được chủng ngừa nhưng lại không thể tiếp cận với vắc-xin”, Ryan nói.

Dữ liệu của WHO được công bố vào đầu tháng này cho thấy 42 quốc gia châu Phi đang bỏ lỡ mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho 10% dân số chống lại COVID-19.

Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi cho biết: “Mặc dù làn sóng thứ ba của châu Phi đạt đỉnh vào tháng Bảy, nhưng đại dịch vẫn đang hoành hành ở khu vực này và chúng ta không được mất cảnh giác. Cứ mỗi giờ lại có 26 người châu Phi chết vì COVID-19.”

Moeti nói rằng trong khi sự bất bình đẳng hiện nay là "đáng lo ngại sâu sắc", thì đã có những dấu hiệu tích cực trong việc cam kết và bàn giao vắc-xin, "cho thấy việc phân phối vắc-xin toàn cầu đang trở nên công bằng hơn”.

Theo Sputnik
MỚI - NÓNG