WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu dịch virus corona

Sau khi điều trị thành công một trường hợp không còn dương tính với virus corona, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đang tiếp tục điều trị tích cực cho bệnh nhân còn lại. Ảnh: TTXVN
Sau khi điều trị thành công một trường hợp không còn dương tính với virus corona, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đang tiếp tục điều trị tích cực cho bệnh nhân còn lại. Ảnh: TTXVN
TP - WHO vừa ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc.

Cảnh báo khẩn cấp toàn cầu trên được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) hôm 30/1, theo giờ Geveva.

Tại cuộc họp này, 16 chuyên gia độc lập thuộc Ủy ban Khẩn cấp của WHO cố vấn cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus để đưa ra quyết định và khuyến cáo các biện pháp quản lý đại dịch. 

Tuần trước, WHO không tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, cho rằng vẫn còn “quá sớm”, khiến nhiều chuyên gia lo ngại virus corona có thể vượt tầm kiểm soát nếu không có hành động nhanh. “Trong mấy ngày qua, trước đà tiến triển của virus corona, đặc biệt là những trường hợp lây từ người sang người ở các nước, khiến chúng tôi lo ngại”, ông Ghebreyesus nói hôm 29/1.

Ông nêu tên các nước Đức, Việt Nam và Nhật Bản, nơi có trường hợp nhiễm virus từ những người từng đến Trung Quốc. “Dù số người mắc bệnh ngoài Trung Quốc vẫn tương đối nhỏ, nhưng có họ nguy cơ tạo thành đợt bùng phát lớn hơn nhiều”, ông Ghebreyesus nói. 

Lây lan chóng mặt 

Ông Hitoshi Oshitani, cựu cố vấn khu vực về kiểm soát dịch bệnh lây lan tại Văn phòng Tây Thái Bình Dương của WHO, cho rằng, việc virus corona gây ra đại dịch toàn cầu là “nguy cơ ngay trước mắt”. “Tôi nghĩ WHO nên tuyên bố PHEIC. Họ đáng ra phải tuyên bố PHEIC rồi vì nguy cơ đó đã xuất hiện từ 1 tuần trước”, báo  SCMP (Hong Kong-Trung Quốc) dẫn lời ông Oshitani. Chuyên gia này cho rằng, đại dịch lần này khó xử lý hơn dịch SARS những năm 2002-2003 vì người mang virus corona có thể lây cho người khác trước khi biểu hiện triệu chứng, nghĩa là các biện pháp áp dụng hiện này có thể không đủ để ngăn virus lan ra.

“Đối với SARS, bệnh nhân chỉ lây cho người khác khi họ đã ốm nặng. Nhưng với virus lần này, bệnh nhân có thể lây cho người khác ngay trong thời gian ủ bệnh. Vì thế, cách ly có thể chưa đủ để kiểm soát virus”, ông Oshitani nói. 

Một  nghiên cứu mới do các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện xác định thời gian từ lúc phơi nhiễm virus corona đến lúc biểu hiện triệu chứng là 5,2 ngày, nhưng còn tùy thuộc từng người. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, virus corona lây từ giai đoạn ủ bệnh, và giai đoạn này có thể kéo dài 14 ngày. 

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu sẽ mở rộng quyền của WHO để phối hợp phản ứng toàn cầu, trong đó có việc đưa ra khuyến cáo các nước có nên hạn chế đi lại và thương mại hay không. Điều  này có thể làm chậm trao đổi thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng giới chức y tế thế giới gặp phải thách thức chưa từng có tiền lệ khi cân nhắc có tuyên bố PHEIC hay không. Chưa bao giờ một nền kinh tế quan trọng như Trung Quốc lại trở thành trung tâm của đại dịch toàn cầu như lần này, kể từ khi WHO đưa ra hướng dẫn về PHEIC năm 2005. 

Ông Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu ở Geneva, nói rằng trước tình trạng virus tiến hóa, việc tuyên bố đại dịch virus corona lần này là vấn đề khẩn cấp toàn cầu chỉ còn là vấn đề thời gian. “Vì lây lan từ người sang người giờ đã được xác nhận bên ngoài Trung Quốc, nên ngay sau khi nó được khẳng định là chuỗi lây lan bền vững, WHO sẽ tuyên bố PHEIC”, ông Flahault nói.

Giới chức y tế Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 29/1, đã có 7.711 trường hợp mắc bệnh được xác nhận, trong đó có 1.370 ca nặng. Virus corona đã lan ra ít nhất 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hôm qua, Philippines và Ấn Độ là 2 quốc gia mới nhất xác nhận có trường hợp đầu tiên nhiễm virus này, BBC đưa tin.

Với số lượng bệnh nhân khắp thế giới sắp chạm mốc 8.000 và số người chết lên đến 170 người, dịch coronavirus mới lần này được đánh giá sẽ sớm vượt mặt đại dịch SARS. Dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc khiến 5.327 người mắc, 349 người chết. 

Trong tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia kêu gọi Trung Quốc tăng cường hợp tác quốc tế để kiểm soát virus. “Đại dịch nCoV 2019 còn xa mới kiểm soát được. Trung Quốc nên mời các chuyên gia của Chương trình khẩn cấp y tế WHO đến phối hợp với Bộ Y tế tại thực địa”, ông Lawrence Gostin, giáo sư ngành luật y tế cộng đồng tại ĐH Georgetown ở Washington, nói với báo SCMP.

Theo chuyên gia này, Trung Quốc cũng nên mời chuyên gia của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh của Mỹ hợp tác để kiểm soát dịch ở Trung Quốc và cả châu Á. “Cộng đồng quốc tế cần huy động nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển vắc-xin và các thuốc điều trị virus corona mới”, ông Gostin nói. 

Nga đóng cửa biên giới với Trung Quốc
Khoảng 6.000 người đang bị giữ trên chiếc du thuyền Costa Cruises ở Ý vì một phụ nữ 54 tuổi cùng chồng đến từ Hong Kong đang bị xét nghiệm virus corona mới. Trong khi đó, Nga đang đóng cửa biên giới với Trung Quốc, CNN đưa tin ngày 30/1.

MỚI - NÓNG