Vướng mắc, bất cập trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về quyền sở hữu trí tuệ

0:00 / 0:00
0:00
Với tính chất đặc thù là một loại tài sản vô hình, vấn đề yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với quyền sở hữu trí tuệ mang những khác biệt nhất định so với bồi thường thiệt hại nói chung. Trên thực tế vẫn có cách tiếp cận và áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thống nhất gây khó cho các bên.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.Vương Thanh Thúy – Trưởng Bộ môn Luật Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Vướng mắc, bất cập trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về quyền sở hữu trí tuệ ảnh 1

Xin chào TS.Vương Thanh Thúy!

PV: Thưa Bà, thực tiễn cho thấy, với tính chất đặc thù là một loại tài sản vô hình, việc xác định và chứng minh được thiệt hại xảy ra đối với quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bà nghĩ sao về thực trạng này?

Đây là một thực trạng rất phổ biến hiện nay. Theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ (“SHTT”) nói riêng và quy định của Bộ luật tố tụng dân sự nói chung, nếu muốn xác định và chứng minh được thiệt hại thì phải có các chứng cứ, tài liệu cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền SHTT là một loại tài sản đặc thù, các chủ sở hữu chưa nhận thức đúng đắn về loại tài sản này, do đó, nhiều khi, chính bản thân các chủ thể chưa rõ về vấn đề bị gây thiệt hại đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình.

Ngoài ra, với tính chất vô hình của tài sản trí tuệ và cơ chế để xác định thiệt hại đối với loại tài sản này chưa thực sự hoàn thiện và minh thị, do đó, trên thực tế, nhiều trường hợp rất khó khăn trong tập hợp các minh chứng, tài liệu làm căn cứ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu của pháp luật.

PV: Theo quy định, trong trường hợp không thể định được mức bồi thường về vật chất của nguyên đơn do nguyên đơn không thể chứng minh được thiệt hại thì mức bồi thường được giới hạn tối đa không quá 500 triệu đồng. Quan điểm của Bà như thế nào về quy định này, thưa Bà?

Có thể thấy rằng quy định nêu trên chưa thực sự bao quát được thực trạng vi phạm và bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực SHTT, cụ thể:

- Pháp luật không quy định rõ ràng về việc mức bồi thường nêu trên áp dụng với hành vi vi phạm cụ thể nào, áp dụng với một hành vi hay nhiều hành vi.

- Trên thực tế hiện nay, thiệt hại về SHTT trong nhiều trường hợp lớn hơn rất nhiều so với mức bồi thường thiệt hại 500.000.000 đồng nêu trên.

Xuất phát từ đặc điểm nêu trên, có rất nhiều các chủ thể tiến hành trục lợi, bất chấp vi phạm bởi so với khoản lợi nhuận mà các chủ thể này thu được từ hành vi xâm phạm quyền SHTT của người khác thì khoản bồi thường thiệt hại 500.000.000 đồng này là không đáng kể.

Chính vì vậy, pháp luật cần đưa ra quy định rõ ràng về loại hành vi vi phạm nào sẽ áp dụng mức bồi thường nêu trên cũng như mô tả rõ hơn nguyên tắc áp dụng. Qua đó nhằm tăng mức độ răn đe, đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, giảm thiểu gánh nặng của nguyên đơn trong việc chứng minh thiệt hại.

Vướng mắc, bất cập trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về quyền sở hữu trí tuệ ảnh 2

PV: Vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đòi bồi thường thiệt hại về sở hữu trí tuệ, Bà có đề xuất, kiến nghị gì?

Trong chế định về bồi thường thiệt hại về SHTT có rất nhiều nội dung khác nhau, tuy nhiên nội dung được trao đổi nhiều nhất là về việc xác định, chứng minh được thiệt hại. Vì vậy, tôi cũng xin đưa ra các đề xuất có thể khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến nội dung này, cụ thể:

Thứ nhất, mỗi chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ cần nâng cao ý thức quản lý, sử dụng đối với tài sản thuộc sở hữu của mình. Theo đó, tiến hành xác lập các quyền SHTT theo đúng các quy định của pháp luật, lưu trữ hồ sơ, theo dõi tình hình quản lý và sử dụng loại tài sản này.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế pháp luật về xác định thiệt hại. Quy định pháp luật hiện hành về xác định thiệt hại là chưa thực sự rõ ràng và chưa phù hợp với thực tiễn. Từ đó tạo ra rất nhiều bất cập khi áp dụng trên thực tế, các chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ/bồi thường thỏa đáng, còn các chủ thể có hành vi vi phạm lại sẵn sàng vi phạm pháp luật để trục lợi.

Thứ ba, nâng cao chất lượng xét xử các vụ án BTTH về SHTT tại Tòa án nhân dân. Tòa án nhân dân là chủ thể có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, Tòa án cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại để có được phán quyết chính xác, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên. Từ đó bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật thì cũng cần nâng cao hiệu quả xét xử tại Tòa án, có như vậy thì việc xử lý các vụ việc về SHTT tại Tòa án mới hiệu quả.

PV: Vậy, khi quyền SHTT của mình bị xâm phạm, các chủ thể quyền cần lưu ý trong việc thu thập tài liệu, chứng minh thiệt hại cũng như yêu cầu mức bồi thường thiệt hại phù hợp, theo Bà?

Bản thân mỗi chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ, dù là có tranh chấp hay không có tranh chấp, cũng cần có thu thập và lưu trữ hệ thống hồ sơ, tài liệu đối với quyền SHTT thuộc sở hữu của mình.

Chủ thể quyền phải lưu ý đến tính chất của chứng cứ. Khi yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại, không phải hồ sơ, tài liệu nào cũng được xác định là chứng cứ chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại. Theo đó, một chứng cứ được chấp thuận khi có đầy đủ thuộc tính là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Chủ sở hữu cần căn cứ vào các tính chất này để lựa chọn chứng cứ phù hợp.

Chủ sở hữu cũng cần phải nghiên cứu rất kỹ và lên được phương án tổng thể yêu cầu bồi thường thiệt hại phù hợp nhất với tình hình thực tế, có nghĩa là phải xác định được yêu cầu bồi thường thiệt hại là gì, vì sao lại đưa ra yêu cầu đó. Chỉ khi đương sự xác định được các nội dung này thì mới có thể tiến hành thu thập, tìm kiếm các tài liệu một cách phù hợp, nhanh chóng.

Xin cảm ơn !

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG