Vườn đào gốc cổ rót tiền tỷ, thu bạc cắc của lão nông Hà Nội

Vườn đào rộng 10.000 m2 của gia đình ông Nguyễn Nhân Đạo tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh:Diệp Sa.
Vườn đào rộng 10.000 m2 của gia đình ông Nguyễn Nhân Đạo tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh:Diệp Sa.
Tự nhận mình là "lão nông đồng bóng", ông Đạo đầu tư nhiều tỷ đồng cho vườn đào gốc cổ rộng 10.000 m2 vừa để chơi, vừa kinh doanh, đón khách với giá vé vào cửa 35.000 đồng.

Vườn hoa cảnh của ông Nguyễn Nhân Đạo (50 tuổi) rộng 10.000 m2 ở tổ 2, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Nơi đây tập trung hàng trăm gốc đào thế lẫn đào gốc cổ cùng rất nhiều loại hoa đẹp. Ông chủ cho biết, đây vừa là "thế giới giải trí" vừa là cơ ngơi kinh doanh gây dựng trong nhiều năm của gia đình.

Vườn cảnh mở cửa quanh năm với giá vé ngày thường là 25.000-30.000 đồng/người. Vào mùa đào nở, vé tham quan vườn tăng lên 35.000 đồng/người. Riêng đối với những đoàn chụp ảnh cưới, mức giá trọn gói cho một buổi chụp là 250.000 đồng và bị nhiều người đến chơi lần đầu cho là đắt. Ông Đạo chia sẻ, so với vốn đầu tư lớn và công sức vợ chồng ông đã bỏ ra trong nhiều năm để tạo dựng nên khu vườn này, đây là mức giá hợp lý.

Vườn đào gốc cổ rót tiền tỷ, thu bạc cắc của lão nông Hà Nội ảnh 1

Chậu đào ghép khủng gồm 5 gốc giống như trong hình từng được ông Đạo cho một doanh nghiệp tại Hà Nội thuê cách đây 3 năm với giá hơn 200 triệu đồng. Ảnh: Diệp Sa

Khách tới vườn có người vãn cảnh, người xem và mua hoa, mẫu chụp ảnh, cô dâu chú rể chụp ảnh cưới, các đoàn làm phim tới mượn cảnh quay... Theo chủ vườn, trung bình mỗi ngày ông đón khoảng hơn 200 khách. Cao điểm vào dịp cuối tuần, cận Tết, lượng khách tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần bình thường. "Cuối tuần vừa rồi, khách tới vườn và ra bãi đá đông quá làm tắc nghẹt con đường dài hơn 1 km dẫn vào đây đấy", ông chủ cười sảng khoái.

Trong gần 3 tiếng đồng hồ trò chuyện với Zing.vn, ông Đạo kể lại quãng thời gian mấy chục năm vất vả trồng đào, tạo thế, rồi lại lên rừng săn gốc đào cổ về ghép với đào vườn để bán và cho thuê. Phóng mắt nhìn ra xa hết vườn đào trị giá thị trường lên tới nhiều tỷ đồng, ông tâm sự, đào vườn ghép vào gốc đào rừng cổ cho thuê từ vài năm trước đã có giá tới vài chục triệu đồng/gốc. Đang làm ăn được thì ông nổi hứng mở vườn cảnh này. Đào thế, đào ghép gốc cổ vô giá lên tới vài trăm cây được ông tập trung hết về vườn để đón khách tới tham quan với giá vé 25.000-30.000 đồng.

"Nhiều người bảo tôi hâm đấy, đầu tư tiền tỷ rồi ngồi nhặt bạc lẻ từng ngày. Nhưng tính tôi đồng bóng, thích là làm thôi!". Tập kết thành quả trồng đào mấy chục năm về 5.000 m2 vườn "tổ tiên để lại", thuê thêm 5.000 m2 của nhà kế bên, ông Đạo tự mình thiết kế, tạo phong cách cho khu vườn. Đồng thời, ông thuê thêm 6 nhân công cố định, làm quanh năm với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng để phụ giúp mình chăm cây, bảo vệ vườn và cùng thực hiện những ý tưởng mới.

Trên diện tích lớn, chủ vườn chia thành nhiều bối cảnh khác nhau để thu hút khách tới vãn cảnh, chụp hình. Ngoài đào là cây lâu năm, rất nhiều loại hoa theo mùa được nhà vườn cập nhật liên tục và đổi mới sau 1-1,5 tháng trưng bày. Không chỉ vậy, để "chống ế khách" trong thời điểm trái vụ, đồng thời tạo thêm nhiều tiểu cảnh mang hơi hướng nước ngoài phù hợp với thị hiếu khách tham quan.

Chủ vườn tiết lộ, mỗi nhành hoa có giá mua buôn là 5.000 đồng, một cặp cây mai trắng của ông phải tốn tới 1.000 cành để trang trí. Còn những cặp cây hồng vàng, hồng đỏ giả có giá 35 triệu đồng. Để có đường hoa giả như thật gồm 10 cặp cây, chủ vườn phải đầu tư tới 350 triệu đồng.

6 nhân viên của ông Đạo bận bịu quanh năm với việc chăm hoa, thay hoa và cả làm sạch hoa. Mỗi khi ông chủ nảy ra ý tưởng mới, mọi người trong gia đình và các nhân viên của ông cùng tham gia góp ý, cùng thực hiện. Ngay trong những ngày cao điểm đón khách, việc làm mới khu vườn vẫn không bị đình trệ. Các khung sắt thép, chậu gốm, hoa tươi lẫn hoa giả được tận dụng để chuẩn bị làm nên phối cảnh mới.

"Không ngừng tư duy, liên tục đổi mới giúp tôi đón ngày càng nhiều khách. Đây cũng là thử thách lớn khiến nhiều nhà vườn trong khu vực không trụ được sau thời gian ngắn tồn tại", ông Đạo chia sẻ. Ngoài bán vé cho khách vào vườn vãn cảnh, ông Đạo vẫn duy trì nghề cũ là trồng, ghép và tạo thế cho đào.

Anh Hùng, một khách chơi đào sành sỏi nhiều năm tại Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc chơi đào thế, hiện xu hướng chơi đào vườn ghép gốc đào rừng cổ đang được nhiều người chuộng. "Và nhắc tới đào ghép kiểu này là phải tìm tới đào nhà ông Đạo. Trong khi các vườn khác mới ghép được vài năm nay thì ông ấy đã ghép và bán, cho thuê từ cả chục năm trước", anh chia sẻ.

Giá bán và cho thuê đào vườn ghép gốc cổ không hề rẻ. Một cây ghép 3 năm tuổi có giá cho thuê dao động 30-700 triệu đồng. Chậu đào ghép gồm 5 gốc cổ khủng được ông Đạo cho thuê cách đây 3 năm với giá hơn 200 triệu đồng. Dân chơi đào rất mê những gốc đào cổ mốc, sần sùi, thế đẹp nhưng lại thích hoa cánh kép Nhật Tân hơn là hoa đào rừng 5 cánh mỏng manh.

Vườn đào gốc cổ rót tiền tỷ, thu bạc cắc của lão nông Hà Nội ảnh 2

Ông Nguyễn Nhân Đạo bên cây đào cổ Nhật Tân 40 năm tuổi. Ảnh: Diệp Sa

Ông chủ vườn kể lại, từ hơn chục năm trước, theo gợi ý của cậu em họ, ông đã nảy ra ý định lên vùng cao lùng mua những gốc đào rừng cổ thế đẹp về ghép với đào vườn nhà. Thành công, ông bán và cho thuê không biết bao nhiêu chậu đào ghép khủng như vậy. Mỗi gốc đào chở về tới Hà Nội bỏ ra khoảng 5 triệu đồng thì cho thuê tới 30-50 triệu đồng, cá biệt lên tới trên dưới trăm triệu. "Hàng này chỉ có cho thuê chứ không ai bán đâu nhé. Mà giờ muốn mua gốc đào rừng đẹp cũng khó vì người ta càn quét hết rồi", ông Đạo khẳng định.

Nhấp ngụm rượu ngâm đào xanh hái trong vườn nhà từ mùa trước, ông chủ chia sẻ, để có được một gốc đào ghép ra hoa đẹp, ngoài kỹ thuật ghép phải chuẩn, người trồng cũng phải đợi từ 3 năm trở ra để cành ghép cứng cỏi, hoa thắm màu. Cũng có khi ngay năm ghép đầu cây đã trổ hoa nhưng hoa lúc ấy còn non, cành cũng chưa thuận với gốc nên khách mua tinh sẽ dễ dàng phát hiện chất lượng cây.

Làm kinh doanh, bán vé thu tiền nhưng ông Đạo luôn tự nhận mình là "lão nông đồng bóng". Chủ vườn đào kế bên nhờ vườn cảnh của nhà ông Đạo mà thu hàng triệu đồng mỗi ngày nhờ dịch vụ trông xe cho biết: "Tính ông ấy đồng bóng thật đấy. Nhiều khách trẻ đến ăn nói không lễ độ, ông ta từ chối nguây nguẩy, khách tha thiết xin vào vườn cũng chịu. Nhưng được cái tâm ông ấy tốt, lại giỏi nên cũng nhiều thanh niên, bạn bè và người chơi hoa tìm đến, yêu mến".

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.