So với những ngày lắp cột thu phát sóng trên thành phố thì việc đi tỉnh vất vả hơn nhiều, ngay từ những ngày đầu làm hợp đồng thuê đất, đào móng đóng cừ giữa những vùng sình lầy heo hút đến khâu nghiệm thu trạm. Dũng chấp nhận tất cả những điều ấy vì có nhiều khoản phải lo, hai đứa em không thể dở dang đại học, mẹ thì tháng nào cũng cần thuốc cho nhưng cơn đau gai cột sống bao nhiêu năm nay.
Gió lại tràn về, thốc từng cơn gai gai cột sống, lớp mồ hôi vừa vã ra như tắm như đang keo lại thấm vào từng lỗ chân lông. Mưa tới nơi, cuốn vội võng và mùng, anh chui vào nhà chứa thiết bị, mùi hồ mới xộc vào mũi đến là khó chịu, anh loay hoay tìm chỗ nằm, người hâm hấp dấp dính như lên cơn sốt.
Có tiếng lội bì bõm ngang qua lớp đất hất lên từ móng trạm mới đào, và giọng đàn ông nghêu ngao hát, rõ là giọng của người say. Dũng biết lão chủ nhà đã về, có ngày nào lão không say nhưng hôm nay lão hát, vừa hát một bài nhạc chế tục tĩu vừa nhảy bom bom trên lớp bùn nhão quánh chiều nay đám thợ vừa hất lên. Dũng lẩm bẩm
- Rõ điên
Và chắc mẩm mấy triệu tiền thuê đất chiều nay Dũng trả cho lão đã bị đám em út ở quán hát cho nhau nghe lột sạch. Anh nhắm mắt, cố ru mình vào giấc ngủ nạp năng lượng cho bao nhiêu việc ngày mai. Hai mí mắt anh chực đổ vào nhau, mưa bắt đầu nặng hạt, mưa đập xuống mái tôn ầm ĩ như bàn tay ai giận dữ muốn xô ập vào nhà, anh xoay người nằm nghiêng, lão chủ nhà vẫn nghêu ngao hát, vẫn nhảy bom bom trên nền đất nhão. Bỗng anh nghe đánh huỵch, hẳn lão ngã rồi, mưa thì lớn thế này, anh tặc lưỡi:
- Cho chết cha đi, chắc không tự mình dậy được, khéo mai làm ma cũng nên.
Anh bật đèn pin, với tấm áo mưa trùm vội lên người rồi mở cửa, gió xô vào như hất anh trở lại, rùng mình bước ra quét một đường đèn pin lên nền đất ẩm, anh thấy lão nằm cò quăm, người rung bần bật từng hồi. Xốc lão vào nhà chứa thiết bị, đóng vội cửa lại ngăn nước mưa, anh lại rọi đèn sang nhà lão, cất tiếng gọi cô con gái lão rang ít muối để xát chân tay và bộ quần áo mà thay cho cha. Cô đội cái nón lá lên đầu riu ríu làm theo lời Dũng bảo.
Nhìn cái dáng bé nhỏ, đầu nghẹo vào một bên vai, hai tay xoa xoa muối vào chân cha cho rã rượu, Dũng nhớ những ngày bé thơ, mỗi khi bố đi đám nào trong làng về là hôm ấy mâm bát bị quẳng xuống ao, phích nước văng tung tóe, những vết tím bầm trên lưng mẹ và đôi mắt ầng ầng nước của hai đứa em gái bé nhỏ ngồi xép nép xó nhà.
Cô con gái lão chủ tên Ngọc Ngà, hẳn khi sinh em mẹ đã ước ao con gái mình sau này sống trong nhung lụa, nhưng mẹ em đã phó mặc điều đó cho rủi may. Buổi đầu nhận mặt bằng xây trạm phát sóng ở đây Dũng đã bị lão chủ nhà yêu cầu làm bữa nhậu mời mấy ông bạn tạc thù hàng xóm. Lão hả hê khi nhà mình là nơi đặt trạm phát sóng, bà con có nghe điện thoại sướng tai thì cũng nhờ lão mà ra. Dũng cũng phải nâng lên đặt xuống, anh biết nếu không đáp lại cái "tình” của lão thì công trình cũng chẳng thể suôn sẻ thi công. Hôm ấy anh nghe loáng thoáng lão bảo: Vợ lão theo trai, lão còn đứa con gái chắc dăm ba hôm cũng theo trai nốt, theo ai thì theo chứ lão không cho theo cánh thợ đánh công trình, lão giơ quả đấm ra trước mặt anh dư dứ: Cậu cứ liều liệu…
Dũng trở mình, xoay người vào phía trong kéo tấm chăn mỏng quá đầu cố dỗ dành giấc ngủ, Ngọc Ngà vẫn ngồi nghẹo đầu vào một bên vai mà xoa xoa muối cho cha. Thi thoảng lão lại thót bụng mà thổ ra những bầy hầy chua lợm giọng, thổ đến khi chỉ còn lớp dịch vàng trong bụng cũng cứ vặn mình như muốn lôi hết cả ruột gan phèo phổi ném ra ngoài. Ngọc Ngà đã quen với những cơn say, quen với những ngày cha nằm liệt giường chỉ đòi húp lưng cháo loãng và uống nước dừa cho họng thôi bỏng rát. Ở xứ này người ta có thể thiếu xe đi, thiếu cánh cửa nhà giữ trộm, thiếu cái nhà tắm xây tươm tất cho những cô con gái vừa nhú ngực phổng phao nhưng không bao giờ thiếu rượu. Rượu ê hề tràn cả xuống cổ khi lúa trúng mùa, dù chỉ được nửa tháng đám đàn ông lại phải đi chặt cừ tràm mướn, rượu tắm đẫm lớp áo trong áo ngoài của những cô nàng lả lơi trong quán nhậu hát cho nhau nghe ngả ngún dù ở nhà đứa chị bồng đứa em đi tìm bầu sữa mẹ khát cháy cổ khóc chẳng ra hơi…
Những ngày ở bên mẹ cuối cùng lúc nào cũng day qua dứt lại không thôi, ấy là những ngày chăm em trai bé bỏng trên bệnh viện. Ấy là lần đầu Ngà bước qua hết cánh đồng, con mương với những hàng dừa mươn mướt chạy theo mẹ bắt xe đò lên Sài Gòn. Mẹ gục đầu vào lồng ngực em, nước mắt cứ rơi theo vũng ngực đứa em trai bé bỏng từng cơn co lõm, Ngọc Ngà chỉ biết ngồi bó gối ở hành lang bệnh viện nườm nượp người, mẹ con em không có tiền mà thuê phòng dịch vụ, một cái ghế xếp phủ lớp ga trắng kê sát hành lang là chỗ em trai bé bỏng nằm truyền nước. Ngọc Ngà giương đôi mắt nhìn dòng người hối hả đi ngang, đêm đến hàng me tây thật mềm, vuốt ve giấc em say ngủ, khi tỉnh dậy thì không thấy mẹ và em đâu nữa, Ngà nghe loáng thoáng em đã về trời. Em đã về trời. Có người đàn bà nói câu ấy còn đưa tay lau nước mắt, còn mẹ em không ai biết đã đi đâu.
Cha đón em về khi còn chưa tỉnh cơn say, đồ đạc trong nhà vỡ tan như vừa động đất, cái lu nước trước nhà mẹ hay ngồi gội đầu chải tóc vỡ một mảnh nhọn hoăn hoắt mỗi lần em múc nước gội đầu chỉ chờ chực cứa đứt cổ tay. Cha chỉ trở về sau những cơn say, giấc ngủ mê man ông gọi tên mẹ em đay nghiến. Những giấc ngủ chập chờn mắt chong chong ngó ra đường lớn chờ bóng cha liêu xiêu cứ xếp chồng lên nhau nén tuổi thơ em vào dĩ vãng. Nước mắt không ngăn em thành thiếu nữ xuân thì. Những gã trai mới lớn lảng vảng qua nhà chưa bao giờ khiến em hình dung về giấc mơ làm cô Tấm, em biết đôi hài ngọc em chẳng dám ướm bao giờ. Em cũng thôi không khóc, nước mắt có giúp được gì em đâu, vả lại làm gì có Bụt ở trên đời.
Em nhận tách hạt điều, khi cắm cúi bên nong nia rổ rá cái cổ ngó câu trắng ngần như trăng non vừa nhú khiến trống ngực Dũng nhoi nhói lên từng hồi, khi em xắn quần bắt ốc bươu vàng dưới đìa đem về nấu chuối, đôi chân bé thon bì bõm trong bùn với cái dáng liêu xiêu bươn chải khiến anh muốn bế bổng em mà đặt lên vạt cỏ mềm…
Mẹ đã giục anh lấy vợ nhiều lần, bao nhiêu năm đắp đổi những mùa nắng cháy da, những mùa lênh đênh lũ, những mâm bát niêu nồi vỡ tan mà bố quăng ra ngõ, những phi thóc đầy vơi cho mấy anh em ăn học. Mẹ vẫn bảo “cứ cưới đi, mẹ lo được đám cưới cho mày”.
Năm này năm qua nối tiếp, anh biết tuổi trẻ dần vơi, những xuyến xao ngày mới vỡ tiếng dậy thì bây giờ mang dáng vẻ khác. Anh ghét cái cảm giác ơn ớn lạnh không chiếu chăn nào ủ ấm được sau những buổi tiếp khách chi nhánh, sau những môi son má phấn đậm đặc mùi đàn bà đẫm đượi hơi men. Những người đàn bà không bao giờ cần phải nhớ tên mắt lúc nào cũng hau háu vào những đồng xanh đỏ, những người đàn bà đã bị điều gì làm cho dúm dó không bao giờ anh tin chỉ vì cơm áo gạo tiền. Những đêm ấy khi trở mình trên sàn, bụng cồn cào thèm một tô cháo loãng, mơ hồ nghĩ dưới lưng mình là tấm nệm nồng mùi khai nước tiểu của trẻ thơ, có bàn tay man mát đặt lên trán khi mình hâm hấp sốt, lần nào cũng tự hỏi khi ấy là bao giờ? Nơi nào cho anh bắt tay xây cái gọi là tổ ấm?
Đã có những đêm nằm trong bóng tối, ôm cái chăn con công cũ, anh nằm nghĩ về những cô gái mà mình từng gặp mặt và hình dung ra các kiểu vợ mà họ sẽ làm, trong số họ không ai mang dáng hình của mẹ, anh cũng không muốn họ mang dáng hình của mẹ nhưng cũng vì thế mà họ nhanh chóng nhòa đi như những hạt mưa trên khung cửa kính. Họ tan vào nhau đơn điệu một màu, anh thôi không nghĩ về họ nữa, anh tin khi nghiệm thu trạm xong và dời đi nơi khác, Ngọc Ngà cũng sẽ tan vào những cô gái anh từng quen.
Qua đêm mưa, nắng mới lên thật mềm, dưới móng đất mới đào những tổ trứng ốc bươu vàng mới đẻ đã quấn hồng thân cỏ, nước dềnh lên mấp mé khu vườn. Đám thợ hồ, người cho thuê máy bơm đã lục tục kéo đến, những lão già tợp vội ngụm rượu trong khi chờ máy bơm xả nước, đám thợ hồ trẻ láo liên đảo mắt tìm Ngà. Dũng cắm cúi trên bản vẽ, vừa trả lời điện thoại báo cáo tiến độ vừa bao quát mặt bằng. Anh vẫn biết rằng từ trong bậu cửa có đôi mắt lúc nào cũng ôm trọn lưng anh…
Trời nắng nóng dần, đám thợ vẫn nhô vai vươn cổ choãi chân. Dũng bù đầu với điện thoại, hiện trường và bản vẽ, tạm quên đi đôi mắt sau bậu cửa dẫu biết thứ tình cảm trong trẻo ấy cứ ỉ âm ủ nụ ươm mầm. Bao nhiêu năm rong ruổi từ miền xuôi miền ngược, lặn lội hết vùng lõm sóng này đến vùng lõm sóng khác, đây có phải lần đầu anh muốn dừng lại dùng đôi tay mình vuốt ve một mái tóc…
Xây trạm lần này, công trình vượt tiến độ. Ngày đi, anh lấy xi măng vá lại cái chum vỡ, chỗ mái tôn thủng bung vít cũng được anh bắn lại cho những đêm mưa thôi khỏi lành phành, tấm cửa lếch xếch vá chằng vá đụp cũng được anh tạo khung lắp vít.
Khi anh nói anh đi, Ngọc Ngà chỉ nhìn xuống rồi quay đi. Cũng chẳng có gì để hứa hẹn với nhau.
Còn bao nhiêu vùng lõm sóng, xây mỗi trạm chỉ trong vòng một tháng, ngắn ngủi thế thôi nên hợp với những cuộc tình chóng vánh chứ cái gọi là duyên nợ yêu đương chắc chưa kịp bung mình. Thôi hãy cứ nằm trong kén và tự ru mình bằng những giấc ấm êm, chưa đủ tháng ngày thì không thể nào xe được những sợi tơ vàng óng.
Dũng lại phải vác ba lô lên và đến những vùng lõm sóng, qua những vùng đất đường xa lem luốc. Khi nghỉ mệt, anh ngồi xuống vạt cỏ mềm ngắm đầm sen mênh mông phía trước, thứ kén nụ thơm như hương sen ngan ngát vấn vít vỗ về tất cả các giác quan bằng sự tinh khôi gom góp cả mùa dài.
Bằng lát cắt cuộc sống với một người cha say xỉn, một cô con gái cam chịu và một chàng trai nay đây mai đó, những số phận cứ dần đồng hiện trong bối cảnh miền quê nghèo khổ và bế tắc. Từ đó, những hành vi mà tôi muốn gọi là “tẩu thoát” ở truyện ngắn này lại càng ám ảnh: Cuộc bỏ trốn của người mẹ, và sự ra đi của chàng trai. Tất cả đều diễn ra không lời.Hoàng Hiền quê Hải Dương, hiện sống tại Bình Dương.
L.A.H