Những buổi mai lích chích tiếng chim. Không gian thoang thoảng mùi hương rất riêng, tỏa ra từ thân cây với những bông hoa xinh xinh màu trắng nơi góc sân. Những bản nhạc Romantic thoát ra từ chiếc đài nhỏ kê nơi góc tường và những ngày tháng của Nguyên trôi qua yên ả, bình lặng như một trăm linh chín nghìn năm trăm ngày qua. Những nỗi buồn cũ kĩ, những niềm vui nho nhỏ…Cả ánh mắt nữa, ánh mắt suốt ba mươi năm mang theo vẻ suy tư không rõ nguyên cớ. Nguyên không e dè, không lầm lụi, cũng không thuộc tuýp người sôi nổi, không dễ khóc, chẳng dễ cười, không già nua nhưng cũng ít trẻ trung. Nguyên giống hệt như một cô gái nào đó vừa bước ra từ những điều mơ mộng. Những cô gái lí thuyết và ít va chạm. Nguyên cũng giống cả một người phụ nữ cả đời lo chuyện bếp núc, gặm nhấm những ước mơ chưa bao giờ được bắt đầu. Những người phụ nữ ấp ủ mơ ước rồi làm hoá hơi nó ngay trong căn bếp nhà mình. Rồi trong chuỗi ngày nhàn nhạt ấy, họ viết ra đôi ba dòng cảm xúc và hí hửng gọi nó là thơ.
Vũ đến! Sau tám năm. Nghĩa là hai nghìn chín trăm hai mươi ngày xa cách bỗng dưng Vũ xuất hiện. Gương mặt rám nắng, trên tay cầm một chậu hoa xương rồng nho nhỏ và nói tặng Nguyên. Thể như từ dưới biển, ào lên cột sóng khổng lồ. Nguyên bụm miệng lại. Sau màn lãng mạn từa tựa giống tiểu thuyết ba xu, thế nào rồi Vũ cũng sẽ có những câu chẳng dễ chịu gì.
Y chang vậy. Vũ bảo: Cây xương rồng này không nở hoa đâu. Nhưng nó sẽ nở ra những cây xương rồng con. Tha hồ cho Nguyên ươm ra rồi đem bán. Không cần phải bán tâm trạng lên trang giấy. Vừa bèo bọt, vừa chẳng chiếm được bao nhiêu sự hào hứng từ người mua. Nhà có một người như vậy là cũng thừa rồi. Lâu lâu, Vũ vẫn đọc được một vài bài viết của Nguyên. Xin lỗi nếu như Vũ không thể khen được. Chúng cũng được nhào nặn nhọc tâm nhưng thật tiếc là người viết chưa dám viết ra cho hết những gì mình đang suy nghĩ. Rốt cuộc là mọi thứ tưởng được giải thoát hóa vẫn đọng cả lại trong đầu. Điều đó có sai không? Chi bằng Nguyên thay đổi góc nhìn của mình xem sao? Về quê Vũ, cùng ngắm bầu trời lồng lộng phía trên đầu mà ánh mắt không phải va vấp bởi một cành cây, phiến lá nào…
Vậy là Vũ bắt đầu bày tỏ tình cảm của mình bằng cách bình phẩm trái chiều như thế. Bao nhiêu năm rồi mà giọng điệu ấy chẳng hề đổi khác. Không cay nghiệt hơn, cũng chẳng êm dịu đi chút nào. Cái giọng quan tâm một cách thẳng thắn, pha chút chế giễu, khó nghe. Vậy mà hình như Nguyên đã đi tìm bản sao của kiểu nói ấy, gương mặt ấy suốt hai nghìn chín trăm hai mươi ngày không thấy. Tưởng đâu nó đã tuyệt chủng rồi? Con người đi từ biển về ấy mang hơi nước đến gây mưa hay mang cái gió, cái mặn mòi đến để làm khô cây héo lá? Dù thế nào, sự xuất hiện của con người ấy hình như đang đánh thức những mơ ước tuổi hai mươi ở trong cô. Ước mơ được cầm bút, được sinh nghề, tử nghiệp với cây bút.
Nguyên mở to đôi mắt ra nhìn rồi từ từ quay lưng đi vào trong nhà. Vũ dừng lại ở sân. Chọn một nơi nhiều ánh sáng nhất, đặt bồn cây xuống. Rồi khẽ lôi ra từ chiếc túi khoác một dúm linon nho nhỏ, gói những viên đá li ti màu trắng, cho vào bồn cây. Dưới ánh sáng mặt trời, được những viên đá nhỏ làm nền, cây xương rồng Vũ mang đến bừng xanh. Lạ lắm! Vũ thao tác bấy nhiêu hành động trong yên lặng. Khuôn miệng khẽ mỉm cười. Vũ đi từ biển đến hay từ đâu về? Hành trang mà Vũ mang theo không chứng tỏ chủ nhân vừa có một chuyến đi dài. Nguyên nhắm mắt lại. Hương chè thanh tao và mùi thơm của cây hoa Mộc quện lại với nhau. Trong những mảnh kí ức đặc quánh hay nhợt nhạt của đám đông lấp lóa bóng hình của Vũ.
Có tiếng nước chảy vào chậu. Là Vũ đấy. Vũ lấy chiếc khăn trong túi và tự đi tìm nước rửa mặt. Nguyên đứng lên, đi ra sân. Bỗng nhiên thấy tiếng nước chảy sao mà thiết tha, ấm áp. Nguyên chạm nhẹ bàn tay vào cái cây vừa được mang đến. Những chiếc gai nhỏ khẽ châm vào tay. Cái cây được mang từ biển tới xoe tròn và xanh mướt. Nhìn chậu cây, Nguyên lại tưởng ra hình hài những sinh vật trong lòng đại dương, thấy tiếng sóng biển, thấy buổi bình minh rạng rỡ với vầng mặt trời to và đỏ lựng. Cô cũng thấy cả cánh đồng muối và những con người miệt mài cào san đời mình trên những cánh đồng ấy. Ngày xưa Vũ bảo cánh đồng mặn chát chẳng trồng nổi một loại cây gì ấy vậy mà ươm được Vũ lớn lên. Hơn ai hết,Vũ biết có gắng nói cho mĩ miều thì quê Vũ cũng không tránh khỏi bốn từ lam lũ, vất vả. Vì thế nên biết mình đang yêu sâu sắc mà phải kìm nén lại vì biết đâu sẽ khiến người ta khổ? Đợi bao giờ bốn từ ấy nhạt bớt đi trong cảm nhận, người mà Vũ muốn được mời về quê đầu tiên là Nguyên. Nhưng nếu về quê với Vũ, biết đâu Nguyên sẽ chỉ nhận được một dúm hạt mặn mòi. Biết đâu nó lại chẳng xát xót lòng? Vũ nói vậy, rồi họ ra trường, chia tay. Không có câu trả lời, không có thêm một tiếng mời gọi.
Rồi bất chợt Vũ xuất hiện. Quen thuộc và cũng khó nắm bắt như xưa.
- Vũ đi tìm và nếu còn có cơ hội, Vũ mời Nguyên về quê cùng. Những cánh đồng muối ngày xưa chết bớt rồi. Vì thế muối không có cơ hội mà xát xót lòng người đâu.
Vũ nói trôi chảy như là họ vừa xa nhau ngày hôm qua rồi reo lên:
- Đây rồi! Cái cây này trồng ở quê Vũ chắc là hợp lắm đây. Tìm cả vùng biển mà không thấy nó. Vũ sẽ xin bố cho được chiết một cành như thế rồi mang về quê trồng. Kẻo đâu có người sau này nhớ nhà, thấy nó cũng đỡ buồn hơn.
Bố về. Hai người đàn ông có vẻ nói chuyện cởi mở lắm. Bố còn đem thứ rượu táo mèo ngâm từ đầu mùa đông năm trước ra tiếp. Vũ ở lại một đêm. Hai người đàn ông ngồi khề khà bên chén rượu. Nguyên nhìn qua cửa sổ, ánh trăng cong cong lấp loá sau những tán cây. Ngắm trăng trên biển không như vậy đâu. Chẳng có gì ngăn cản tầm mắt. Nhưng về biển rồi liệu có còn mùi hương nào như mùi hương đang tỏa quện không gian thế này? Đêm, càng cảm rõ mùi hương hoa Mộc. Rất đậm mà không ngào ngạt. Gió nổi to thế nào cũng không cuốn nó theo được. Nó nương níu vào không gian, bám quện vào tâm thức con người. Về biển, nó có sống nổi không nhỉ? Vũ ngồi xoay lưng lại phía cửa sổ ánh trăng lấp lóa phía sau. Mái tóc, bờ vai, cả khuôn người bừng lên trong làn ánh sáng ấy. Lúc này, nom Vũ tựa như các tráng sĩ trong sử thi.
Vũ xin bố chiết cho một cành hoa Mộc thật. Nói chuyện suốt từ đầu buổi rôm rả là thế nhưng khi thấy Vũ nói chuyện này, ông cụ có ý lảng sang chuyện khác. Rồi khi Vũ nói rõ ràng hơn thì ông cụ không ra từ chối cũng chẳng ra nhận lời. Ngồi nghe câu chuyện giữa họ, Nguyên đâm hoang mang. Có thể về biển rồi, cây hoa Mộc biết đâu lại không sống được?
Kê lại cây Xương Rồng vào chỗ tthích hợp nhất, Vũ vừa nói chờ đến ngày cành hoa Mộc bén rễ, hi vọng Nguyên cũng sẽ suy nghĩ thấu đáo, không còn e dè với những quyết định của mình của mình mà cùng đi về biển.
Nguyên quay đi, tránh ánh nhìn của người đàn ông từ biển đến ấy. Cảm như có gió thổi thốc tháo sau lưng. Cây của rừng sắp bật lên khỏi mặt đất mà bay về biển mất.
Vũ về.
Ngày nào, Nguyên cũng mong ngóng bố sẽ mang chiếc xén ra góc vườn, cậy vào một nắm đất mùn ẩm rồi trộn những cọng tóc rối hoặc rơm khô vào. Nhưng ông cụ lừng khừng mãi mà không làm công việc ấy. Buổi sáng nào khi tưới hoa, ông cụ cũng dừng lại thật lâu bên chậu cây hoa Mộc. Cây hoa chỉ có độc một thân chính vươn lên, lại không có nhiều cành. Vẻ như ông cụ lựa mãi mà không biết chiết cành nào.
Bố nhận được thư. Là của Vũ. Vũ không gửi thư cho Nguyên mà lại gửi thư cho bố. Ông cụ bóc lá thư, nhẩn nha đọc rồi bảo: Vũ nó nói cơ quan cử đi công tác “lục tỉnh Nam Kì” trong hai tháng. Nhân thể, nó vào vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, là điểm nóng về lâm tặc phải không?
Nguyên biết, thế nào trong lá thư Vũ cũng hỏi thăm và chúc sức khỏe của bố và Nguyên. Chắc cũng không quên hỏi chuyện cành hoa Mộc thế nào. Bố đọc xong và bỏ lá thư vào ngăn kéo bàn, nơi ông cụ vẫn đựng quyển sổ ghi chép cá nhân và chiếc bật lửa. Mỗi lần trông thấy bố mở ngăn kéo là trống ngực Nguyên lại đập rộn ràng.
Giờ mới nhận ra thật rõ rằng Vũ chẳng giống một ai mà Nguyên đã gặp. Vũ không giống anh chàng kỹ sư nhà máy xi măng, vừa nói chuyện, vừa lấy tay đẩy gọng kính có vẻ tri thức lắm nhưng hễ ra quán uống nước với bạn bè thế nào cũng có lí do đi trước để tránh phải thanh toán hóa đơn. Nhưng cách đi đứng, nói năng lại có vẻ hào phóng lắm. Vũ càng chẳng giống ông trưởng phòng kinh doanh công ty trách nhiệm hữu hạn kia, trước đám đông thì tỏ vẻ chẳng quan tâm gì đến đàn bà, con gái nhưng ngày lễ tết lại vụng trộm đến nhà Nguyên tặng hoa. Vũ cũng không thô tháp như những gã đàn ông cùng phố. Đi đường thì vênh vang, nói chuyện một tấc đến giời. Trông thấy đàn bà con gái thì dán mắt vào nhìn, bình phẩm rồi cười khả ố. Vũ chẳng giống anh chàng nhà báo địa phương, miệng lẻm bẻm chửi rủa cơ chế hành chính quan liêu, bắt người khác cứ phải tụng ca quá thể nhưng vẫn vác máy ảnh, lăng xăng chạy chỗ nọ, chỗ kia đưa tin,viết bài, mặt mũi tươi hơn hớn. Vũ chẳng hề giống một ai trong bọn họ.
Bố mãi chẳng thấy chiết cành hoa Mộc. Nhìn dáng vẻ trầm ngâm của ông cụ bên cạnh chậu cây, Nguyên hoang mang lắm. Không chiết thì đến khi nào cành hoa mới ra rễ, mới có thể đem đi nơi khác trồng?
Chẳng hiểu sao chưa khi nào Nguyên thấy công việc của mình nhàm chán. Nhưng giờ Nguyên không muốn ngồi vào bàn máy, viết ra những dòng cảm xúc vội vàng, hời hợt nữa. Vũ bảo người viết cũng cần những khoảng lặng, cũng cần biết nén mình lại. Hình như Vũ nói đúng. Bấy lâu nay Nguyên cầm bút, hình như chưa phải vì những thúc ép nội tại. Thêm vào nữa, ở bên cạnh mình lại chẳng có giọng bình luận nào cho đáng nghe. Nguyên nghĩ tới Vũ, tới hai nghìn ngày có lẻ Vũ mới viết có vài ba thiên phóng sự. Nhưng đề tài nào cũng gai góc, công phu. Chẳng phải do Vũ đi nhiều mà lười viết. Với Vũ, việc gì cần thì phải quan tâm, tìm hiểu đến nơi, đến chốn. Còn tuyệt nhiên không có bài “vè” nào. Vũ bảo những bài thơ của mình mới chỉ tiếp cận được đến trình độ vè. Mà vè còn có người đọc. Thơ Vũ chỉ viết cho chính mình và hi vọng vào một nửa mình khác sẽ đọc nó mà thôi. Bạn bè thân tín làm báo nọ, báo kia bảo gửi đăng cho vui, bao giờ Vũ cũng khước từ. Vẻ như Vũ và thế giới ngôn ngữ chẳng có liên can đến nhau. Cũng có người tự ái vì thế. Họ nói Vũ ra vẻ. Cũng thích danh tiếng nhưng còn sĩ diện hão. Vũ thường không giải thích điều gì về việc này.
Nhưng thật buồn cười là đọc được bài vè nào của Nguyên ở đâu đó, Vũ cũng nhớ, cũng gạch đầu dòng vào quyển sổ tay đôi ba cảm nhận của mình. Để rồi kết thúc mỗi dòng cảm nhận, Vũ đều khoanh một dấu hỏi to tướng. Vũ giải thích những dấu hỏi là để chờ thời gian thẩm định xem nó có phải là thơ không?Vũ thẳng thắn nói vậy và cười. Nụ cười rất tươi, ấm áp, không có pha chút chế giễu nào. Vũ bảo trong gia đình thì một người viết, người kia biết lắng nghe, san sẻ và có nhiệm vụ giữ cho đỏ lửa là tuyệt rồi. Vũ thực tâm mong Nguyên có thể vui vẻ ở nhà, ươm xương rồng đem bán và hát ru trẻ con ngủ. Còn phần thương vay, khó khăn, vất vả thì Vũ đảm nhiệm. Vì thế nào khi thương vay rồi Vũ cũng về khóc, về hát với Nguyên. Biết đâu nghe Vũ khóc rồi, Nguyên lại chẳng có một tác phẩm thơ để đời?
Vũ tán gái? Không. Vũ đang đề nghị đối tác cùng kí tên vào bản hợp đồng cuộc sống cùng mình nhưng như thể đang căn vặn, giáo huấn tay báo mới vào nghề. Nguyên lắng nghe cho hết. Cô hiểu không phải ai cũng nói ra những điều thật tâm với mình. Hai tư tiếng đồng hồ, khoảng thời gian gặp lại sau hai nghìn chín trăm hai mươi ngày xa cách, Vũ cũng kịp nói ra từng ấy vấn đề.
Hai ngày một lần, ngay sau bữa cơm tối thế nào chuông điện thoại cũng đổ dồn dập. Lần nào, bố cũng bảo Nguyên cầm máy. Lần nào phía đầu dây bên kia cũng muốn được gặp bác trai trước. Nguyên mỉm cười vui vẻ. Nhưng bố không vì thế mà mau chóng xúc tiến việc chiết ra một cây hoa Mộc con con. Lúc trầm ngâm bên chậu hoa, ông cụ lại nói:
- Cầm bút chơi chơi cho vui thì cũng được nhưng lại sinh nghề, tử nghiệp với nó thì khác. Có tâm với nó, ắt không khoanh tay đứng ngoài vòng phản biện. Mà phản biện thì…Phản kháng có kết quả ắt có thiệt thòi, mất mát. Chỉ riêng một cá nhân thì không sao, nhưng cá nhân đó đâu sống đơn lẻ, còn gia đình nữa chứ?
Đêm rằm thứ hai, kể từ khi Vũ bảo đi công tác “lục tỉnh Nam Kì”, sau bữa cơm tối, chuông điện thoại reo. Lần này, bố không bảo Nguyên nghe nữa. Ông cụ tự cầm máy. Là một người đồng nghiệp của Vũ gọi về. Nghe điện xong, ông cụ chẳng nói gì, đôi mắt chất chứa nỗi ưu phiền.
Sáng hôm sau, ông cụ ra vườn thật sớm. Ông chọn ngay thân chính của cây hoa Mộc rồi cẩn trọng chiết ra. Ngày nào, ông cũng tưới nước cho nó nhưng im lặng. Nhìn bố, thay vì mừng rỡ, ruột gan Nguyên lại như lửa thiêu. Cuộc nói chuyện điện thoại hôm trước phải quan trọng lắm. Vũ đến vùng Nam Trung bộ có gặp điều gì bất trắc không? Hi vọng rằng Vũ không bị cuốn vào cuộc phản biện nào từ chuyến đi ấy.
Không có thư, không có điện thoại. Nhưng Vũ nhất định không biến mất như hai nghìn ngày qua đâu. Thế nào Vũ cũng đến ngay sau chyến công tác “lục tỉnh Nam Kì”. Càng hi vọng, ruột gan Nguyên càng rối như tơ vò.
Cành hoa Mộc bén rễ. Bố cẩn thận cắt ra, gói vào mảnh lá chuối, không quên đắp thêm ít đất mùn rồi bọc thêm hai lần linon nữa, tưới nước vào. Bố bảo Nguyên mang về biển trồng, rồi ở chơi ít hôm cho mẹ Vũ khuây khỏa. Cảnh nhà bây giờ chắc quạnh quẽ lắm.
Nguyên lặng đi. Tất cả cây rừng như đã bật rễ mà lao cả về biển. Những sinh vật trong lòng đại dương nhảy múa. Chúng vừa như mời gọi, vừa như trách cứ. Cô ôm cây hoa Mộc vừa bén rễ đứng dậy, đi về nơi có cánh đồng muối. Đi và nhớ lời Vũ từng nói: Những cánh đồng muối chết bớt rồi. Muối không còn cơ hội mà xát xót lòng người nữa.
Những biểu hiện tình cảm mơ hồ như mối ẩn ức tinh thần tràn ngập trong truyện ngắn dưới đây của Nguyễn Hồng Nhung. Mối quan hệ khá kỳ lạ và vì thế khó định danh của người nam và người nữ trong truyện được gợi tả khéo bởi hành động của người bố. Đặc biệt, cây hoa Mộc và cây xương rồng từ chi tiết được đẩy thành những biểu tượng.Nguyễn Hồng Nhung sống và làm việc tại thành phố Hòa Bình. Ngoài viết và dạy học, chị còn mở một không gian đọc sách cho trẻ em ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình.
L.A.H