Nhân đứng trên hành lang chờ Vân. Bên sân trường, Di đang xách xô nước. Bóng Di nhỏ bé đi giữa sân trường trông thật cô đơn. Ở khu tập thể người ta quý Vân hơn Di. Vân dễ gần, còn Di, một người kì lạ. Hình như Di thích một mình, Di không thích hai từ “tập thể”.
Vân ra từ lúc nào, ôm eo Nhân. Cả bọn kéo nhau đi hồ. Đường núi rộn ràng trăng. Trăng đang lên nhưng lòng đã rộn rã rồi. Những người dân tộc trên núi cũng đi chơi trăng. Nhân nhìn thấy bọn học trò của mình đi qua trước mặt.
Nhân nhìn mọi người bỗng thấy phân vân. Cuộc sống ở núi biết nói làm sao nhỉ? Nhân đã ở núi hơn 5 năm rồi. Những người khác, người nhiều hơn, người ít hơn. Có giáo viên lấy vợ, lấy chồng ở luôn trên núi. Nhưng cuộc sống ở núi rất buồn. Không có giải trí, không có quán cà phê, đừng nói tới rạp chiếu phim. Thời mới lên núi các cô ôm nhau khóc. Bây giờ chỉ vài người khóc, vì người ta đã bắt mình chấp nhận cuộc sống ở núi, dù cuộc sống đó đằng đẵng hay buồn chán trôi đi.
Trăng lên. Hai bên đường những lùm cây lấp lánh sáng. Lát nữa chúng còn đẹp hơn. Nhân đã quen với bao nhiêu mùa trăng trên núi. Vậy mà đêm nay, tự dưng Nhân lại thấy buồn.
Mọi người đang nói về Di. Di dạy nhạc. Ngày lên núi Di xách theo một cây ghi-ta nhưng ít đánh cho ai nghe. Nhìn Di ai cũng biết con nhỏ này cương lắm.
Ở núi có biết bao nhiêu mùa của đủ loại côn trùng. Mùa mối, mùa chuồn chuồn, mùa bướm…Mùa mối mới ghê làm sao. Mối bay rào rào. Cả tập thể phải tắt điện. Lũ mối rào rào đập cánh, sẵn sàng tấn công bắt cứ thứ gì chúng gặp. Sáng mai thức dậy mối chết ngập đầy nhà. Mùa bướm di cư các cây trơ trụi lá. Lũ bướm bay đến đâu, nhai lá cây tới đó. Chúng chen chúc ngủ trên cây, một số chết trong lúc di cư. Nhìn những cánh bướm chết không dễ sợ như nhìn mối, nhưng rất xót thương.
Vân khoác tay Nhân, nhõng nhẽo. Gặp Vân ở miền núi, trong cái cuộc sống buồn chán này chẳng phải là điều may mắn của Nhân. Chắc gì có cô gái tốt hơn Vân, yêu Nhân, lo cho Nhân hơn Vân. Mà sao tối nay có cái gì đó lạ lùng, mới mẻ cứ đến trong Nhân. Nhân chưa biết nó, chưa hình dung ra nó nhưng linh cảm một cái gì đó kì quặc sắp đến với mình.
Mọi người băng qua vườn đào để leo lên hồ. Vườn đào lấp loáng trăng và khúc khích tiếng cười. Những người dân tộc đi chơi trăng. Sau đêm trăng là những cuộc ngủ thảo (*). Những em học trò của trường Nhân cũng đang chơi trong vườn đào.
Hồ hiện ra trước mặt với một vẻ đẹp trầm tĩnh, mênh mông. Hồ như muốn nói: Ta biết các ngươi buồn khi thấy cuộc sống của mình bị tù đọng. Các ngươi đang cô đơn…
Nhân nhìn thấy một em học sinh không đến trường đã một tuần nay. Em nhận ra thầy giáo và chạy lút mùa. Học trò chạy phía trước, thầy giáo chạy phía sau dưới ánh trăng. Lần nào tới nhà em, em cũng núp. Lần này Nhân quyết “bắt” được, hỏi lí do vì sao nghỉ học.
Em học sinh chạy nhanh như sóc, Nhân không đuổi kịp. Đứng lại Nhân thấy mình đã tới chân một quả đồi. Đồi không cao lắm. Trên đỉnh đồi tiếng dê nhốt trên rẫy của người dân tộc xa xa vọng lại. Một tảng đá và một cái cây in hằn trên ánh sáng của trăng. Cảnh vật mênh mông, buồn bã, thơ mộng. Nhân bỗng muốn leo lên đồi, ngồi trên tảng đá cô đơn.
Nửa tiếng sau Nhân leo lên được đỉnh đồi. Trăng trên đồi thật đẹp. Ngửa mặt lên trời, giang tay ra, Nhân có cảm giác mình sẽ bay. Có vài con chim ăn đêm bay qua nền trời. Tiếng kêu của chúng thảng thốt, buồn bã, đầy hoài vọng. Tự dưng Nhân thèm được bay theo chúng. Chúng thật tự do. Giá như có thể bay theo loài chim trong đêm trăng.
Vì không bay được nên Nhân nghĩ ra một việc rồ dại hơn. Nhân đứng hét giữa đồi. Hét khản cả giọng. Mọi người dưới hồ dĩ nhiên là không nghe được tiếng Nhân. 5 năm rồi Nhân sống trên núi và Nhân đang thèm được bay.
Mệt đã đời Nhân ngồi trên tảng đá, thở dốc. Tảng đá nhỏ bên kia có một người. Người thấy Nhân nãy giờ mà không thèm nhìn, không chào, không lên tiếng. Nhân xấu hổ nhận ra Di.
Di đang ôm cây đàn. Nhân bước tới, ngồi dưới chân tảng đá. Họ nhìn xuống cảnh vật bên dưới. Hồ nước, những lùm cây, những ngôi nhà dân tộc được xây cùng một kiểu giống như tổ chim cu, vài bãi đất trống, chuồng gia súc…Tất cả bàng bạc, mơ hồ, buồn bã và bí ẩn dưới ánh trăng.
- Di đàn một bài đi- Giọng Nhân dịu dàng, hư ảo.
Di lên dây đàn, đánh một bản nhạc. Rồi đánh một bài khác, vừa đàn vừa hát nho nhỏ theo. Có tiếng dế ri ri cất lên.
Ánh trăng, tiếng ghi-ta, đồi và cây…cùng chảy.
Di nói:
- Hồi ở nhà, đêm trăng là tôi leo lên mái nhà. Gần nhà tôi có một anh đánh đàn rất hay. Ở dưới đất nghe tiếng ghi ta không hay bằng trên mái nhà. Nằm trên mái nhà, ngửa mặt nhìn trăng, thấy bầu trời thật gần, rồi tiếng ghi ta bùng bùng không biết từ đâu mà tới.
- Sao Di ít đánh đàn vậy?
- Vì nơi này buồn quá. Ở một nơi quá buồn người ta không muốn làm gì hết.
- Nhân nhìn thấy gì không?- Di đứng lên tảng đá, cố chỉ tay về phía xa.
- Thấy gì?
- Đường tàu đó, nhưng ga nằm ở nơi nào nhỉ. Mình luôn muốn xuống núi, leo lên một chuyến tàu. Mình chỉ thích chơi đàn. Hồi nhỏ mình đã cố học vì mình thích chơi đàn ở những nơi đông người. Mình không thích cuộc sống ở núi. Tụi nhỏ cũng dễ thương nhưng ở đây buồn quá.
Di lại ngồi xuống, đánh hết bài này tới bài khác một cách say sưa. Tiếng ghita bùng bùng trong trăng, vừa dịu êm vừa nồng cháy.
- Tự nhiên tụi mình bị nhốt ở nơi này với những hoàn cảnh khác nhau- Di vừa đánh đàn vừa nói- Nhân biết không, tôi không thích dạy học, đi vận động học trò, nhìn chúng nghỉ học kết hôn khi chưa hề đủ tuổi, cố kéo chúng tới trường…Tôi chỉ thích chơi đàn và chơi thật hay.
Di thôi đánh đàn, ngồi bó gối:
- Nhiều người nói nếu tôi bỏ dạy vào thành phố chơi đàn ở phòng trà thì tôi sẽ gặp bất hạnh. Vì cuộc sống ở đó không êm đềm như nơi này. Tôi cũng thích yên bình. Mà nơi này có yên bình không nhỉ? Sao tôi cứ muốn bỏ dạy đi theo giấc mơ.
Khi Di quay lại Nhân nhận ra Di thật xinh đẹp. Di hợp với một nơi chốn khác, chứ không phải nơi này.
Khi họ xuống núi, trăng đã leo lên giữa trời. Ánh trăng vằng vặc hơn bao giờ hết. Họ đi qua những bụi cây và nghe tiếng khúc khích của những người dân tộc đi chơi trăng. Một con chó nhỏ chạy qua chân họ khiến họ cùng sợ hãi cười. Có tiếng ai đó vọc nước, rồi tiếng tắm trăng. Ở vùng núi, cứ như đêm trăng là đêm người ta tha hồ làm những điều bí ẩn, những điều mà người ta khao khát. Chỉ có ánh trăng biết có bao nhiêu người trong cái đêm trăng này đang cô đơn, đang hạnh phúc, đang bình thản, chịu đựng hay hoài nghi. Và dưới trăng, núi mới buồn làm sao, cô đơn làm sao. Trăng không leo qua hết núi. Núi không được thỏa mãn dù trăng có chảy bao nhiêu mùa.
Họ đứng lại giữa đường, Nhân bỗng ôm lấy Di như hai anh em, hai người bạn. Nhân bỗng muốn đưa Di chạy theo chuyến tàu nào đó. Đúng là Di không hợp với núi. Di cô đơn ở núi.
Vân chạy dáo dác tìm Nhân, gặp đứng sững lại. Nhân buồn bã nhìn Vân. Tự dưng Nhân thấy xa lạ với mọi điều mình yêu, cả những thói quen của mình.
Sau mỗi mùa trăng sẽ có rất nhiều em nghỉ học, giáo viên lại bắt đầu đi vận động. Nhân nghĩ tới đường tàu tưởng tượng một ngày Di không cưỡng được trái tim mình, Di sẽ bỏ chạy, đến một thành phố mà Di không hề quen biết ai, chỉ để được chơi đàn. Ở đó sẽ có nhiều người muốn nghe tiếng đàn của Di, chứ không phải cái nơi mà người ta ghét bỏ Di, luôn loại Di vì Di không làm những điều mà tất cả mọi người đều làm.
Nhân bỗng thấy cuộc sống của mình thật nhỏ bé. 5 năm Nhân quên mất mình đã từng có ước mơ nào. Hình như Nhân đã dạy như một cái bóng. Không vui, không buồn. Để rồi mỗi tháng chỉ chờ một đêm trăng.
Đêm đó nằm trên giường, Nhân không thể ngủ. Nhắm mắt lại Nhân chỉ nhìn thấy ánh trăng. Rồi Nhân nhìn thấy Di đang xách đàn chạy theo một chuyến tàu. Chuyến tàu không chở ai, chỉ có trăng. Trái tim Nhân lại đập khi nhớ về những giấc mơ xa xôi.
Ngoài trời ngập ánh trăng. Trăng đứng giữa trời và núi. Trăng biết ai buồn, biết ai đang khóc và ai đang yêu. Nhưng trăng chỉ nhoẻn cười với những lạnh lùng và bí mật.
(*) Ngủ thảo: Một phong tục của người Raglai. Những chàng trai, cô gái mới lớn có thể mời bạn, hoặc người mình có cảm tình ngủ cùng mình, trò chuyện, chia sẻ tâm tình để thấu hiểu lòng nhau.
Truyện ngắn thấm đẫm một vẻ trầm mặc, xót xa. Nhưng bên cạnh khung cảnh núi rừng vào đêm trăng huyền hoặc ấy, những dòng chảy ngầm của đời sống thôi thúc. Cảnh sống của những người “đi gieo con chữ”, của những đứa bé nơi đây. Và thật ám ảnh một cái ôm sau những tiếng đàn cô đơn. Sự lơ lửng kỳ lạ này mới là cái tài của người viết.Nguyễn Thị Khánh Liên là nhà giáo, từng dạy học trên miền núi 7 năm, chị đã từng đoạt giải của cuộc thi Văn học tuổi 20. Hiện đang sống tại Ninh Thuận.
L.A.H