Hiện hồn nhân vật

Minh họa: Huỳnh Ty.
Minh họa: Huỳnh Ty.
TP - “Đêm lạnh. Ánh trăng lan tỏa giữa làn sương khiến cảm giác càng lạnh lẽo hơn. Nguyên độc bộ trong sương giá bao trùm cả khoảng sân. Thỉnh thoảng, gió tốc lên từng đợt buốt lạnh phả vào mặt anh. Cảm giác cô đơn đến rợn lòng, Nguyên ngẩng nhìn trăng mà vời vợi một nỗi niềm nhớ Lưu. Anh bùi ngùi muốn khóc. Vì sao? Lưu ơi…!”

*   *  *

- Này? Thưa ông nhà văn rởm? Ông định kể cái gì về tôi thế?Đừng bảo là ông sẽ cho tôi một cuộc tình sướt mướt để câu khách nhé?

- Ơ?! Nhân vật của tôi! Tôi!... (Một làn gió lạnh vụt qua cùng với sự xuất hiện của nhân vật Nguyên khiến tôi quá bàng hoàng). Tôi biết! Nhưng như anh vừa gọi tôi là nhà văn rởm đấy, tôi chưa đủ tài để đưa anh trở thành một điển hình. Vậy nên tôi chỉ viết về những cái tầm thường hoặc đèm đẹp, để nó thỏa mãn một bộ phận, cũng có khi là cả đám đông. Bởi đám đông vẫn luôn tạo ra ưu thế, dù là tốt hay xấu. Vì vậy mà nhiều người phải dựa vào đám đông đấy.

- Ông đừng làm cái trò xấu hổ ấy đi. Ông không tôn trọng cái thân ông thì cũng phải tôn trọng độc giả chứ? Đành rằng tôi là nhân vật của ông, ông muốn cho tôi ra sao thì ra. Nhưng ông cũng phải thương cái đứa con ông đẻ ra chứ. Tôi không muốn là đứa con chết yểu, hay èo uột sống với những người có sở thích thị trường rồi lại bị lãng quên. Tôi muốn tôi là đặc biệt, là điển hình, là...

- Ai chả muốn mình là đặc biệt, điển hình hay nổi bật này nọ. Tôi cũng muốn anh được như thế lắm chứ, vì nếu anh nổi tiếng thì tôi cũng thơm lây. Có thể anh cho rằng sở thích của họ là sến, rẻ tiền, dễ dãi… nhưng vấn đề là họ thích thế. Đâu cứ phải cần sự cao cấp, đắt giá?

- Sự cao cấp luôn có giá trị chứ? Nếu không sao phải phân biệt hàng hóa cao cấp, căn hộ cao cấp, cán bộ cao cấp…?

- Ồ! Anh có biết cái cao cấp sẽ thuộc về ai không? Hay anh muốn là nhân vật cao cấp? Anh chỉ là nhân vật trong trang giấy, cấp cao cao cấp thì cũng làm được gì? Nên đôi khi không phải cái gì cao cấp hay nhiều tiền cũng đáng quý nhé! Nhiều thứ được gắn mác hàng hiệu, cao cấp hẳn hoi nhưng lại là giả đấy! Anh nghĩ sao về những nông dân đã sáng chế ra những sản phẩm tiên tiến, thiết thực mà có lẽ chính những nhà khoa học cũng bất ngờ? Chả nhẽ anh không cho đó là sự cao cấp? Mà thôi. Anh đang là nhân vật của tôi kiểm soát cơ mà?

- Ôi ôi! Nhà văn ơi! Nhưng tôi không muốn là một kẻ nhạt nhẽo, vô vị, chẳng giúp ích gì được cho đời. Nếu ông chỉ định để kiếm tiền và vứt tôi cho đám đông kia thì đừng đẻ tôi ra nữa. Tôi thà không có mặt trên đời này còn hơn…!

-  Tôi còn phải sống chứ. Tôi viết ra mà không in được thì chẳng những anh chẳng được ai biết đến mà tôi cũng chẳng có nổi vài đồng còm. Càng không thể có dấu chân nào ở chốn Thiên Thai mà bao người mơ ước!

- Ông nghĩ đó là chốn Thiên Thai?Vậy nếu chốn Thiên Thai là một rừng cây thì ông sẽ là loại cây nào? Có rất nhiều loại cây chỉ có tác dụng làm cho rừng rậm rạp rối rắm thêm thôi. Ông đừng tự huyễn hoặc mình mà ôm cái danh hão. Đừng thấy người ta gọi mình là nhà văn mà tưng tửng!

- Ồ! Tôi không mặt dày để thích thói hư danh. Tôi không có tiền mua, cũng như không đấu đá để mà có được cái danh hão. Anh làm tôi lạc mất ý tưởng ban đầu mất; Vợ anh bỏ đi là bởi anh vô dụng, bất tài, dù trước đó anh chị đã có một tình yêu rất đẹp…

- Nhàm quá! Tẻ nhạt! Ông sẽ khiến tôi chết yểu từ trong bào thai. Ông  muốn tôi là đại diện cho rất nhiều kẻ vô dụng bất tài? Thử hỏi, vì sao tôi bất tài? Ông cho tôi là kẻ lười?

- Không! Anh là kẻ cứng đầu, không chịu theo thời cuộc. Ví như khi người ta bị công an giao thông tuýt còi thì họ “làm thủ tục nhanh” để được cho đi luôn, còn anh thì ra vẻ chính trực. Anh không chịu “làm luật” nên bị hoạnh họe. Anh chấp nhận nộp phạt thì sẽ phải mất gấp mấy lần số tiền nếu anh chịu “làm luật”. Mà anh đâu có giàu? Thế mà vẫn cứ muốn ta đây thà nộp phạt chứ quyết không đút lót. Cái tư tưởng muốn góp phần chống tệ nạn, chống tham nhũng của anh thật đáng khâm phục. Vâng! Anh tìm được mấy đồng minh như mình?? Mà hậu quả là gì thì anh biết đấy!?

- Thế ông muốn cho tôi là kẻ cơ hội, kẻ không có tài mà vẫn làm ông nọ bà kia? Này! Tôi cũng biết anh Xuân tóc đỏ đấy nhé! Ông định đẻ thêm một Xuân tóc đỏ nữa thay Vũ Trọng Phụng???

- Điều đó là không thể! Dù có thể cuộc đời này còn nhiều tấn trò hơn thế! Anh chả muốn mình là người điển hình còn gì? Nhưng anh sẽ không thể là một Xuân tóc đỏ thứ hai được, đã có rất nhiều Xuân tóc đỏ không cần phải lên trang văn nữa rồi.

- Thế ông cho tôi là một kẻ nửa mùa? Hay kẻ sĩ?

- Có thể? Nếu  như không muốn nói đó là một sự dở hơi. Anh là một công nhân. Sao anh không chấp nhận, hay anh không biết chấp nhận? Ai giỏi thì làm sếp. Người ta không giỏi cái này thì giỏi cái khác. Đằng này anh cứ bảo thủ rằng mình học giỏi hơn nó thì không thể là cấp dưới của nó. Thưa với anh là chỉ học giỏi thôi chưa đủ. Đừng mơ mấy cái giấy khen sẽ giúp anh làm sếp! Ngày xưa học cùng nó dốt hơn anh, nhưng giờ nó lại là sếp anh. Có nghĩa là nó đã giỏi hơn anh!

- Ông thừa biết chúng nó giỏi luồn cúi, nịnh nọt, giỏi chạy chọt. Cái sự giỏi không tính bằng điểm số như đi học.

- Ồ! Người ta gọi đó là kĩ năng sống đấy. Mà anh cũng biết điểm số có đánh giá chính xác đâu. Vậy sao anh vẫn cứng đầu, bảo thủ???

- Cứ cho là tôi bảo thủ! Còn hơn là sống như thế!

- Vậy thì anh phải chịu thiệt thòi. Dù anh là nhân vật của tôi, nhưng tôi cũng không thể bắt ép anh phải là người như tôi muốn. Giống như không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể dạy con theo ý muốn mình được. Chứ cha mẹ nào chả muốn con cái có danh tiếng thơm. Có rất nhiều yếu tố khiến cho đứa con của anh không thể trở thành một người như anh muốn được!

- Thế tình yêu của chúng tôi đẹp như thế nào?

- Vì tình yêu của hai người không có sự toan tính như rất nhiều cặp đôi khác. Chị ấy cảm mến sự chất phác và chí khí kiên ngang của anh. Còn anh cảm mến vì chị ấy đã không chê anh nghèo. Nhưng cuộc sống không dễ dàng như anh chị thường mơ. Và mâu thuẫn dần nảy sinh khi sự cứng đầu của anh khiến chị ấy không chịu được. Nhà chị ấy khá giả hơn, nhưng anh dù nghèo cũng không bao giờ muốn xin nhà vợ.

- Thế chả nhẽ ông muốn tôi bị người ta dị nghị rằng không có nhà vợ thì chết đói?

- Nhưng đã là con cái, vợ chồng rồi thì khác. Có phải là anh lợi dụng đâu? Ối kẻ còn chấp nhận lấy vợ xấu, con nhà bề thế để nhờ đó tiến thân, rồi đi ngoại tình mà vẫn cứ oai phong đấy!? Anh sĩ chỉ thiệt thân!

- Dù sao tôi cũng không muốn bị ngươi ta chê bai.

- Thế anh nghĩ người ta không chê một kẻ không tự lo được như anh? Anh xem mình làm được gì nhé! Đầu tiên là anh khiến con anh bị cô lập ở trường lớp khi không cho nó đi học thêm (tôi biết anh làm gì có tiền). Rồi anh lại muốn con học cách tự lập bằng việc không đưa đón nó đi học như bao chúng bạn nó (cũng bởi anh làm gì có thời gian). Và dù anh luôn cảnh báo nó về việc đi lại cẩn thận nhưng vào một ngày đẹp trời, nó đã bị thằng say rượu đâm phải khi sang đường. Dù thằng ấy cứ khăng khăng chỉ tại cái ổ trâu. Vấn đề là anh còn dở hơi hơn khi đã biết rằng vào viện thì phải thế nào. Vậy mà anh vẫn không chịu “bồi dưỡng” cho bác sĩ (tôi biết, cũng bởi anh làm gì có tiền). Anh cứ đòi hỏi người ta phải có lương tâm, trách nhiệm nhưng lại không chịu hiểu rằng “lương” và “tâm” tỉ lệ thuận với nhau. Cuối cùng thì con anh chết, khi mà vết thương bên trong bị nhiễm trùng đến hoại tử mà vẫn không biết. Ấy thế mà anh còn định lôi báo chí vào cuộc nữa chứ. Chỉ có vợ anh là rất suy sụp và chán anh.

- Chúng tôi đã có tình yêu đẹp cơ mà, sao nó không cứu vãn được?

- Vì đời rất thực! Nó khiến tình yêu thay đổi. Tiền tài và dục vọng thường chi phối tình yêu. Người ta có thể yêu nhau, bỏ nhau chỉ vì tiền hoặc tình dục. Nhiều kẻ thích hưởng thụ xa hoa, nhu cầu tình dục phải viên mãn. Ối nhà giàu mà vợ chồng lại ngoại tình, bỏ nhau chỉ vì không đáp ứng được nhu cầu tình dục cho nhau. Tôi không phải là người viết truyện cổ tích để mà viết nên một người vợ vẫn sẵn sàng yêu người chồng cứng đầu đã khiến con chết oan. Trong khi anh nuôi mồm chẳng xong.                     

- Ôi! Sao nhà văn cho tôi số phận ngang dở thế? Sao ông không cho ai đó hiểu tôi? Vợ tôi mà cũng không hiểu và thông cảm cho tôi à?

- Tại tính khí anh, và những ý nghĩ của anh về cuộc sống tạo nên số phận ấy chứ. Anh không chịu thức thời. Có lẽ vì anh đã được giáo dục rất tốt và luôn tin rằng cái xấu sẽ bị trừng trị. Một học sinh luôn gương mẫu đến nỗi đi thi cũng không thèm quay bài, dù học lực anh chưa phải là giỏi, khiến cho bạn bè bảo bị hâm, dở hơi. Anh may mắn khi cô ấy đã không vì vật chất mà lấy anh. Chứ ngay cả trong việc chinh phục phụ nữ anh cũng là kẻ dở hơi. Anh cứ muốn tìm được một tình yêu không vụ lợi, tìm được người chấp nhận cái nghèo của anh. Thử hỏi anh biết mấy ai có thể ngắm hoa với cái dạ dày lép? Vợ anh đã rất chân tình khi chấp nhận lấy người thuộc dạng ế như anh. Nhưng dù vậy thì điều đó cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc sống đã không giống với cuộc đời. Anh đã không mang lại vật chất đẩy đủ  cho cô ấy, lại cả tinh thần cũng không được vui vẻ bởi sự cứng đầu của anh. Và đỉnh điểm là khi đứa con anh chết.

- Ôi chao! Chứ không phải là do cô ấy ngoại tình, ham hưởng thụ, thích hư vinh? Chao ôi! Thà ông cho tôi bất lực chuyện tình dục nên vợ bỏ còn đỡ bất công hơn. Tôi…

- Ha ha! Anh muốn tìm công bằng? Sao? Anh bắt đầu hối hận vì sự cứng đầu của mình? Một kẻ cứng đầu đi tìm công bằng. Anh muốn lý do đó để đỡ thấy áy náy hơn? Anh đã chịu khuất phục?

- Sao tôi cô đơn thế? Tôi có thể đơn độc đi tìm công bằng, nhưng ít ra cũng phải có vợ, con cổ vũ, động viên chứ?

- Thì anh vẫn cô đơn đi tìm chân lý đấy chứ? Ngày anh chưa lấy vợ, có ai cổ vũ động viên đâu. Và cái sự cứng đầu không đúng chỗ của anh cũng có được vợ động viên đâu. Trái lại, cô ấy khuyên anh phải biết khéo léo với cấp trên, với đồng nghiệp, chứ đừng có thẳng ruột ngựa quá mà mất lòng người ta. Nhưng anh vẫn không nghe nên hai người lại càng bất đồng. Anh phải biết có mấy ai là không ưa nịnh đâu, kể cả người lớn. Người lớn nào cũng từng là đứa trẻ. Mà đứa trẻ nào chả ưa nịnh? Và không phải cứ nhiều tuổi là đã lớn. Có người đã nói “…bốn nghìn năm vẫn trẻ con” đó. Vậy mà anh chỉ một chút khéo léo cũng không có, lại còn không muốn có thì làm gì mà chả bị chèn ép.

- Ông thật buồn cười. Có kẻ cứng đầu nào lại thích luồn cúi không? Sao vợ tôi đã yêu tôi, lấy tôi mà lại không hiểu, thông cảm cho tôi? Như thế là tôi sống chính trực chứ có phải hèn hạ đâu…????

* * *

Tôi đã phải rất vất vả với nhân vật này. Thú thật nhiều lúc tôi trốn, không dám ngồi vào viết bởi Nguyên lại xuất hiện và cuộc tranh luận của tôi với Nguyên không biết sẽ kết thúc thế nào, nên kết thúc ra sao? Hơn nữa mỗi lần ngồi viết, tôi lại nhớ đến những cuộc tranh luận, cãi vã với thằng bạn chí cốt đã khiến tôi không biết nói sao nữa. Khi tôi còn đang chưa biết trả lời nhân vật của tôi thế nào thì được tin thằng bạn chí cốt mới bị đuổi việc vì đã tham gia cuộc đình công (thường ngày nó đã không được lòng sếp). Ôi! Khổ cho thằng bạn. Mọi khi tôi đã cố thuyết phục nó đừng cứng đầu quá. Vợ bỏ, giờ lại không có việc làm, nó sẽ ra sao? Trong cái tâm trạng này, tôi không muốn đối thoại với nhân vật của tôi nữa. Tôi đã rất muốn cho nhân vật một kết thúc có hậu. Nhưng quả thực, tôi không phải người viết cổ tích. Dù có thể, đôi khi vẫn có truyện cổ tích ngoài cuộc sống!? Và không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh mãi hình ảnh:

“…Bóng Nguyên độc bộ giữa trời đất mênh mông trông càng nhỏ bé và đơn độc!”.

Hiện hồn nhân vật ảnh 1Mối quan hệ giữa người viết và nhân vật của mình là một mối quan hệ vô cùng đặc biệt. Người viết tạo ra nhân vật, nhưng không thể điều khiển được toàn bộ. Thường khi nhân vật quay lại điều khiển tác giả. Sau nữa, một phần linh hồn nhân vật xuất phát từ chính con người tác giả…

Trần Đức Hiển đã tạo được một hoàn cảnh đặc biệt, chính là lúc sáng tác của một nhà văn. Anh đã sáng tác một truyện ngắn về sự sáng tác.  

L.A.H

MỚI - NÓNG