Vùng địa đạo đầu tiên và người chiến sĩ được Bác Hồ khen

Vùng địa đạo đầu tiên và người chiến sĩ được Bác Hồ khen
TPCN - Trong khi không ít cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã khiếp sợ chạy dài vì khu du kích Bãi Sậy bị địch dồn ép dữ dội thì ông Trần Sơn đã chỉ huy quân dân Yên Lãng trụ vững.
Vùng địa đạo đầu tiên và người chiến sĩ được Bác Hồ khen ảnh 1
Ông Trần Sơn (người thứ hai, hàng đầu từ trái sang) tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc (tháng 5/1952)

Đêm 13 rạng 14/1/1954, tại thôn Xa Khúc, xã Bác Ái, huyện Yên Lãng (nay là huyện Mê Linh) tỉnh Vĩnh Phúc, có cuộc họp khẩn cấp của cấp ủy, chính quyền huyện, xã bàn kế hoạch chống cuộc càn lớn của giặc Pháp vào khu du kích Bãi Sậy (ven sông Hồng thuộc huyện Mê Linh bây giờ) và chuẩn bị chi viện quân ta trên chiến trường Điện Biên.

Trong khi bộ đội địa phương Yên Lãng được điều hết sang chi viện huyện bên thì một cánh quân địch từ hướng khác ập tới bất ngờ vây chặt thôn Xa Khúc.

Tạm tránh địch quá đông, lực lượng du kích quá mỏng được lệnh tạm rút ra ngoài; chỉ còn số ít cán bộ huyện, xã trụ lại trong hầm bí mật.

Nhờ có chỉ điểm nhưng cũng phải đến quá trưa địch mới phát hiện được nắp hầm, nơi đang ẩn nấp một số “Việt Minh đầu sỏ” vùng Bãi Sậy (gồm mấy chục xã, trong đó chủ yếu thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt huyện Yên Lãng).

Trong số “đầu sỏ” này, địch biết chắc có ông Trần Sơn (Trần Đương Ngọc) - Phó Bí thư phụ trách huyện ủy, kiêm Chính trị viên huyện đội, Trưởng công an huyện, Đại đội trưởng bộ đội địa phương huyện Yên Lãng. Khi cửa hầm bật mở, địch kêu gọi đầu hàng.

Đáp lại là sự im lặng. Địch ném lựu đạn cay, chất rơm đầy cửa hầm, đốt, quạt khói vào hầm. Đáp lại là những trái lựu đạn từ hầm quăng ra. Địch bắn xối xả, quăng lựu đạn xuống ngách hầm rồi xông vào bắt được mấy cán bộ bị thương.

Chúng không biết, các cán bộ mà chúng vừa bắt được đó vừa thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất trong hầm là ông Trần Sơn. Các cán bộ này thực hiện cuộc giằng co, kéo dài thời gian trước khi bị bắt ra khỏi hầm, để ông Trần Sơn ở lại, tranh thủ tiêu huỷ hết tài liệu...

Sau khi tổ chức nhận mặt những người đã bị bắt, địch xác định chắc chắn “tên đầu sỏ Trần Sơn” còn ở trong hầm. Lại dụ hàng, hò hét, dọa nạt. Chốc chốc lại một loạt đạn, lựu đạn địch quăng xuống hầm.

Nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng. Bất ngờ, sau khi khẩu trung liên tạm ngừng nhả đạn (ý chừng thay băng mới), ông Trần Sơn quăng ra cả chùm lựu đạn rồi vừa bắn súng ngắn vừa lao vụt ra khỏi hầm... Nhưng ông vẫn bị thương và bị bắt. Địch lại dụ hàng.

Ông kiên quyết không chịu. Cho người lùng sục căn hầm trống, địch chỉ tìm thấy một đống tro tài liệu ông vừa đốt. Như phát điên, chúng tưới xăng và đốt một nhà dân rồi khiêng ông ném vào.

Trước khi hy sinh, ông còn vùng dậy hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Kháng chiến nhất định thắng lợi!”. Lúc đó 13h 30, ngày 15/1/1954.

Ông Trần Sơn sinh ra và lớn lên tại Mạnh Trữ, Chu Phan, Mê Linh, Vĩnh Phúc.

Người dân địa phương chỉ mới biết đến ông qua những sự kiện: Ông tham gia thành lập tổ chức Việt Minh địa phương, tham gia chỉ huy phá kho thóc của Nhật, cướp chính quyền tại phủ Yên Lãng 20/8/1945, chỉ huy đại đội 474 (bộ đội huyện Yên Lãng) đánh nhiều trận khiến quân Pháp kinh hoàng, làm cán bộ lãnh đạo huyện Yên Lãng, có công đầu vận động diệt tề, trừ gian.

Trong khi không ít cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã khiếp sợ chạy dài vì khu du kích Bãi Sậy bị địch dồn ép dữ dội thì ông Trần Sơn đã chỉ huy quân dân Yên Lãng trụ vững. Ông bị giặc bắt và thiêu sống vì không đầu hàng...

Song chưa mấy ai biết, cuộc đời chiến đấu hy sinh của ông Trần Sơn gắn liền với sự hình thành, phát triển khu du kích Bãi Sậy. Nơi đây, từ khoảng cuối năm 1949 đến đầu năm 1954, để giữ an toàn cho Hà Nội (cách Bãi Sậy chỗ gần nhất chỉ hơn 10 km), thực dân Pháp liên tiếp tung lực lượng đến lập tề, đàn áp phong trào nổi dậy của nhân dân.

Ông Trần Sơn khi đó là lãnh đạo xã, rồi huyện. Trong khi một số cán bộ lãnh đạo (có cả cấp tỉnh, huyện sở tại) cầu an, chạy vào vùng địch chiếm, thậm chí đầu hàng, thì ông Trần Sơn kiên cường trụ lại, cùng các đảng viên kiên trung tập hợp lực lượng, chiến đấu ngoan cường bằng chiến tranh du kích rồi phát triển lực lượng địa phương ngày càng hùng hậu.

Cũng tại khu du kích Bãi Sậy, một hệ thống địa đạo được xây dựng, góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển lực lượng ta. Từ thế bị động, mất đất, thường xuyên bị bao vây uy hiếp, khu du kích Bãi Sậy trở thành điểm tựa vững chắc, đảo lộn cục diện chiến trường, đẩy địch lún sâu vào thế phòng ngự bị động ngay tại cửa ngõ tây bắc Hà Nội.

Tại Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5/1952), bản báo cáo do ông Trần Sơn trình bày, “về kinh nghiệm xây dựng chiến khu du kích Bãi Sậy và các làng du kích địa đạo chiến đấu Yên Lãng”, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt; Bác Hồ ôm hôn người chiến sĩ trẻ Trần Sơn, khen “người bé, mưu cao, đánh giặc giỏi”...

Nhiều chuyên gia quân sự cho biết: Kinh nghiệm chiến tranh du kích, xây dựng địa đạo ở chiến khu du kích Bãi Sậy thời kháng chiến chống Pháp, sau này đã được kế thừa và phát triển cao hơn nữa trong chiến tranh chống Mỹ, mà tiêu biểu là các địa đạo ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Củ Chi (TP HCM)..., những nơi bây giờ đã trở thành di tích lịch sử, điểm tham quan, du lịch độc đáo.

Hiện, ông Trần Sơn đang được chính quyền địa phương làm thủ tục đề nghị cấp trên tuyên dương Anh hùng.

MỚI - NÓNG