Theo hãng tin CNN, loại tên lửa mà Lầu Năm Góc phát triển trước đây thuộc danh mục cấm theo Hiệp ước INF.
Hãng CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Michelle Baldanza, cho biết “Mỹ đã bắt đầu hoạt động sản xuất các bộ phận nhằm đi đến tiến hành thử nghiệm cuối cùng dòng tên lửa phi hạt nhân trên đất liền”.
“Việc nghiên cứu và phát triển tên lửa này có thể đảo ngược trong trường hợp Nga trở lại thực hiện đầy đủ và có thể kiểm chứng được Hiệp ước INF trước khi chúng tôi chính thức rút khỏi Hiệp ước vào tháng 8 năm nay”, Trung tá Baldanza lưu ý.
Hiệp ước INF được ký năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Hiệp ước loại bỏ tất cả tên lửa thường và hạt nhân phóng từ mặt đất cùng thiết bị phóng với tầm bắn ngắn (500-1.000 km) và trung (1.000-5.500 km).
Theo Tổ chức chống hạt nhân ICAN, mặc dù Hiệp ước INF là thỏa thuận ràng buộc giữa 2 quốc gia, nhưng việc nó sụp đổ sẽ đe dọa tới toàn thế giới.
ICAN cho rằng cùng với tuyên bố đơn phương rút khỏi INF, Mỹ đang đặt hàng triệu người châu Âu và người Mỹ vào nguy hiểm. Bản thân nhiều nước EU cũng không mấy thích thú với động thái của Mỹ bởi lo sợ sẽ châu Âu trở thành chiến trường đối đầu giữa các cường quốc hạt nhân.
Nhiều quốc gia ở lục địa già vì vậy kêu gọi Nga và Mỹ làm tất cả mọi thứ để cứu lấy INF, tránh để cuộc chạy đua vũ trang mới biến châu Âu trở thành trung tâm một cuộc xung đột hạt nhân tiềm năng theo đúng nghĩa đen.