Washington từ lâu đã cáo buộc Nga coi thường hiệp định được ký giữa hai nước vào năm 1987, cho rằng tên lửa mới của Nga là Novator 9M729 mà NATO gọi là SSC-8 vi phạm hiệp nước. INF cấm hai bên đặt tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu.
Nga bác bỏ cáo buộc này, nói rằng tầm xa của tên lửa mới nằm trong phạm vi cho phép của hiệp ước. Nga cho rằng Mỹ nghĩ ra cớ nhằm từ bỏ INF để có thể phát triển tên lửa mới. Nga cũng gạt bỏ yêu cầu của Mỹ phải phá huỷ tên lửa mới.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, bà Andrea Thompson nói hôm 31/1 rằng các cuộc bàn bạc với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại Bắc Kinh trước khi hết hạn 60 ngày Mỹ ra tối hậu thư với Nga để quay lại tuân thủ hiệp ước đã thất bại.
Bà Thompson và ông Ryabkov đều nói rằng hai bên không thể thu hẹp khoảng cách.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bà Thompson nói rằng bà chờ đợi Washington sẽ dừng tuân thủ INF từ ngày 2/2, một sự thay đổi mà bà nói sẽ cho phép quân đội Mỹ ngay lập tức bắt tay vào chế tạo tên lửa tầm trung nếu lựa chọn làm điều đó, mở ra khả năng những tên lửa đó có thể được đưa đến châu Âu.
Sau khi Mỹ tuyên bố chính thức, thủ tục rút khỏi hiệp ước sẽ mất 6 tháng. Bà Thompson nói rằng việc rút này sẽ giúp cởi trói cho quân đội Mỹ.
“Sau đó chúng tôi có thể thực hiện khâu nghiên cứu, phát triển và chế tạo các hệ thống mà chúng tôi trước đây không sử dụng được vì tuân thủ hiệp ước”, bà Thompson nói.
Nhưng Washington khẳng định vẫn sẵn sàng đối thoại với Mátxcơva về hiệp ước này.
Ông Ryabkov nói rằng Mátxcơva sẽ tiếp tục làm việc để đạt được đồng thuận, dù lần đối thoại này thất bại. Nhưng ông cáo buộc Washington phớt lờ những phàn nàn của Nga về các tên lửa Mỹ và theo đuổi cái mà ông gọi là quan điểm huỷ diệt.
“Mỹ đặt thời hạn 60 ngày để chúng tôi phải thực hiện tối hậu thư. Tôi kết luận rằng Mỹ không chờ đợi bất kỳ quyết định nào và tất cả chỉ là trò chơi để che đậy quyết định nội bộ của họ về việc rút khỏi INF”, ông Ryabkov nói.