Nộp hợp đồng mua nhà để nhập học?
Khi có thông báo về việc chuyển hàng trăm học sinh sang ngôi trường mới, cách đó khoảng gần 2km, nhiều phụ huynh đã bức xúc vì tại sao đến thời điểm năm học mới cận kề, họ mới nhận được thông báo chuyển trường cho con. Đáng chú ý, Trường tiểu học Trung Thành, ngôi trường nằm trong kế hoạch chuyển 359 học sinh từ trường Tiểu học Cao Bá Quát sang đến thời điểm này vẫn chưa đi vào hoạt động.
Chiều ngày 9/8, có mặt tại trường, nhiều phụ huynh vẫn mang hợp đồng mua nhà trong Khu đô thị đến để nộp kèm hồ sơ với mong muốn đó là điều kiện để trường xem xét.
Một phụ huynh trong khu đô thị Đặng Xá, khu đô thị cách trường chỉ vài trăm mét kể, dù vợ chồng đều làm việc trong nội đô nhưng vẫn vay tiền để mua nhà sát trường để con đi học thuận tiện, không phải đưa đón. Thế nhưng, con mới chỉ nhập học lớp 1 được vài ngày, gia đình ngã ngửa khi nhận được thông báo con sẽ phải chuyển đến ngôi trường mới xa hơn.
Chị Nguyễn Thị Hương, Khu đô thị Đặng Xá - Gia Lâm chia sẻ: "Cùng ở với nhau trong khu đô thị nhưng những nhà có hộ khẩu thì con được học ở trường, đưa đón gần nhà. Còn gia đình em chỉ vì hộ khẩu thuộc địa phận Cổ Bi mà không được".
Một phụ huynh khác cho biết: "Phụ huynh vào trường để hỏi, thì trường bảo lên Phòng GD&ĐT. Lên Phòng GD&ĐT thì phòng nói sang UBND. Sang UBND huyện thì lại được nói, có thông báo rồi, phụ huynh về trường".
Theo vị phụ huynh này, tất cả cư dân khi mua nhà ở chung cư đều mong muốn con cái được học tập ngay chính ngôi trường sát nhà mình. Hơn nữa, khi phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Đặng xã kèm theo Quyết định số 122/2006/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội đã xác định chi tiết, quy mô Trường tiểu học Cao Bá Quát và THCS Cao Bá Quát đủ để phục vụ con em của cư dân trong khu đô thị. Vì thế, khi con không được học trường gần nhà, gia đình phải thuê xe hoặc thay nhau đưa đón sẽ rất mất thời gian.
Dân số cơ học tăng quá nhanh
Trao đổi với Tiền Phong, bà Đinh Thị Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, sở dĩ có việc phụ huynh tụ tập trước cổng trường để phản đối việc chuyển trường của học sinh là do phụ huynh hiểu nhầm việc phân tuyến tuyển sinh là do nhà trường. Thứ hai là do việc điều tra dân số, thống kê số liệu học sinh từ đầu chỉ khoảng 500 em vào lớp 1 nhưng khi đăng ký tuyển sinh con số này nhảy vọt lên 642 em.
Bà Tâm cũng cho rằng, học sinh tăng so với rà soát là do dân số cơ học tăng quá nhanh. Bà Tâm minh chứng, chỉ trong một năm mà số học sinh lớp 2 đến lớp 5 chuyển đi, chuyển đến hơn 100 cháu.
Lãnh đạo trường này cũng thừa nhận, ngoài hồ sơ như thông thường, trường cũng khuyến khích phụ huynh nộp thêm cả hợp đồng mua nhà trong khu đô thị để trường có thêm căn cứ đưa ra các giải pháp trong tuyển sinh.
Trước những nghi ngờ, đồn đoán, lãnh đạo trường nhận nhiều chỉ tiêu trái tuyến, dẫn đến số lượng học sinh tăng lên, hiệu trưởng trường này khẳng định: "Tất cả học sinh nộp hồ sơ vào trường đều thuộc đối tượng phân tuyến tuyển sinh, không có bất kỳ trường hợp trái tuyến nào".
“Hiện tại, toàn bộ học sinh vẫn học tập tại trường bình thường. Theo thông báo, đến ngày 15/8 sẽ có quyết định thành lập Trường tiểu học Trung Thành. Ngôi trường này sẽ hoạt động vào đầu tháng 9/2018 để đón học sinh”, bà Đinh Thị Băng Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Cao Bá Quát.
Bà Tâm lý giải, trước thềm năm học 2018- 2019, thực hiện công văn số 27 của Phòng GD- ĐT về công tác tuyển sinh, trường đã phối hợp UBND xã và trường mầm non rà soát số dự kiến vào lớp 1 năm nay. Theo báo cáo, năm nay sẽ có khoảng 500 học sinh vào lớp 1. Trường cũng đã cho giáo viên đi đến nhà dân để rà soát lại các thông số và xin chỉ tiêu 500 học sinh.
Tuy nhiên, khi đăng ký tuyển sinh trực tuyến từ ngày 1-3/7 số lượng học sinh đã tăng lên con số 557 em (vượt 63 em). Khi có số lượng tăng hơn chỉ tiêu, trường đã báo cáo cấp trên xin ý kiến cấp trên và được chỉ đạo tiếp tục nhận hồ sơ trực tiếp đến ngày 17/7, trường nhận thêm 85 hồ sơ nữa. Phòng GD&ĐT chỉ đạo sau đó sẽ phân học sinh sang ngôi Trường Tiểu học Trung Thành.
Cũng theo bà Tâm, trường mới chưa đi vào hoạt động nên số học sinh trường nhận từ đầu đến nay đã được trường xếp thành 13 lớp với sĩ số 50 em học tập bình thường. Tuy nhiên, thiếu phòng học, trường xếp tạm cả phòng chức năng. Các hoạt động đều quá tải. Trường buộc phải phân lịch, học sinh lớp 1 học thứ 2 thứ 6 và học sinh lớp 2 đến lớp 5 học thứ 3, 5,7 thì mới đủ phòng học.
Trước những bức xúc của phụ huynh, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ông Lý Duy Thanh cho biết, những cháu có hộ khẩu tại đó sẽ được học ở Trường tiểu học Cao Bá Quát còn 359 học sinh thuộc diện mới chỉ đăng ký tạm trú sẽ chuyển sang trường mới.