Đến tháng 8 học sinh mới nhập học nhưng thời điểm này phụ huynh có con chuẩn bị vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội đã như ngồi trên đống lửa. Chưa có chỉ tiêu tuyển sinh chính thức của các trường nhưng dự kiến sức nóng năm nay sẽ cao hơn năm trước.
Trong số các trường THCS, tiểu học được cho là có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao hơn chỉ tiêu. Đến thời điểm này mới chỉ có 2 trường ngoài công lập công bố chỉ tiêu gồm trường Đoàn Thị Điểm và trường Marie Curie Hà Nội.
Trường Marie Curie năm nay tuyển sinh vào lớp 1 chỉ 150 em. Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường đưa ra phương án phát phiếu dự ngày hội trải nghiệm cho phụ huynh, học sinh. Tại ngày hội đó, học sinh được học thử các môn Tiếng Việt, Tiếng Anh, Toán, vui chơi thể thao, ăn trưa, ngủ trưa, làm quen với giáo viên… Chỉ sau ngày trải nghiệm, 300 bộ hồ sơ trường phát hành đã hết veo. Thầy Khang chia sẻ: “Trường không tổ chức thi cử vì không nên tạo áp lực cho các cháu còn quá nhỏ tuổi và cũng không thể xét tuyển vì không có tiêu chí nào để xét. Giải pháp trường đưa ra là phát hành hạn chế 300 bộ hồ sơ và ưu tiên học sinh có hộ khẩu trên địa bàn và những em có anh, chị từng theo học tại trường ”.
Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm năm nay tuyển sinh lớp 1 với khoảng 600 chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, con số này không thấm vào đâu so với nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Bà Đào Thị Thủy, Hiệu phó nhà trường cho biết: “Đến thời điểm này trường vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ, của Sở nên trường chưa xây dựng phương án tuyển sinh riêng”. Tuy nhiên, bà Thủy tiết lộ, có thể trường sẽ tổ chức phỏng vấn để lựa chọn học sinh. “Nếu lượng hồ sơ quá lớn, trường sẽ ưu tiên những học sinh trên địa bàn trước”, bà Thủy nói.
Cả nhà cùng “chạy”
Chị N.T.V nhà ở Đống Đa lại có nguyện vọng cho con vào học trường tiểu học Thực nghiệm. Biết là phải trải qua kỳ đánh giá năng lực nhưng không biết con mình có vượt được không, chị V quyết định tìm “cửa” để “chạy”. Chị vận dụng tất cả các mối quan hệ để tìm hy vọng. Đầu tiên là chị nhờ chị chồng làm ở ngân hàng tìm, không được, chị nhờ em gái làm ở Bộ tìm. “Tìm “suất” ở trường này khó không khác gì lên trời. Vì trường không trực thuộc quận, không trực thuộc phường, không trực thuộc thành phố mà trực thuộc Viện Khoa học Giáo dục của Bộ GD&ĐT”, chị V phàn nàn. Cho đến giờ, chạy khắp các cửa nhưng chị V vẫn chưa tìm được “mối” nào chắc chắn. Tuy nhiên, chị vẫn khẳng định sẽ tìm cho đến ngày trường tuyển sinh, không được mới thôi.
Đến mùa chạy trường, phụ huynh khổ một thì giáo viên các trường điểm cũng khổ mười. Là giáo viên trường điểm tại quận Hoàn Kiếm, cô giáo N.T.H cho biết, năm nào cũng thế, từ đầu năm đến cuối năm học, cả nghỉ hè, lúc nào cũng có người hỏi xin “suất”. Nhất là hàng xóm, nhà nào có con vào lớp 1 là cũng tìm đến cô để nhờ. Rồi bạn bè của chồng cũng gọi điện. “Thậm chí, có những người bạn từ ngày ra trường đến nay mười mấy năm không bao giờ liên lạc. Bỗng một ngày nhận được điện thoại và mục đích chỉ là hỏi nhờ xin học cho con” - cô H chia sẻ.
1.001 kiểu tiếp cận
Giáo viên đã khổ nhưng có lẽ Hiệu trưởng còn khổ hơn rất nhiều, trên ép xuống, dưới đưa lên. Rất nhiều Hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS điểm của thành phố cứ đến mùa tuyển sinh là thay sim điện thoại hoặc không nghe số máy lạ. Một hiệu trưởng của trường tiểu học trên quận Đống Đa cho biết, thời điểm này rất nhiều phụ huynh đến trường hỏi về tuyển sinh. Nhiều người còn gọi điện: “Chị P à, bác là N, ngày xưa làm trong ngành giáo dục”, hoặc có người thì “Em ơi, anh ở chỗ anh B, phó giám đốc sở GD”, “Em ơi, chị là người nhà của chị A, nguyên phó chủ tịch quận”… Khi được hỏi “có việc gì không anh?”, người này nói “A! anh muốn tặng em cuốn sách mới phát hành của anh”. Không kịp đồng ý, ngay ngày hôm sau, họ phóng xe ô tô vào trường. Bảo vệ trường hỏi, họ nói “Anh là bạn của hiệu trưởng. Anh chơi với nó lâu lắm rồi! Em mới về đây nên không biết anh”. Vào phòng gặp hiệu trưởng, mang theo bộ hồ sơ xin học, trong khi hiệu trưởng còn chưa biết họ là ai.
Nguyên hiệu trưởng một trường tại quận Cầu Giấy, bà N lại kể: “Năm nào, mùa tuyển sinh tôi cũng bị phụ huynh cũng phục ở cổng nhà. Chồng tôi ra mở cửa, phụ huynh xô dạt sang một bên ào vào giữa phòng khách. Nhiều lần tôi phải trốn lên tầng 4 không dám xuống dưới nhà, phải liên lạc với người nhà bằng điện thoại. Chưa hết, vì không muốn tiếp phụ huynh tôi bắt buộc phải nói dối. Có một lần, nghe tôi trả lời phụ huynh qua điện thoại, cô con gái nhỏ phải thốt lên “Tại sao mẹ lại nói dối thế?”. Tôi còn dặn người nhà “Nếu phụ huynh gọi điện đến nhà, các con phải nói “Mẹ cháu bận không tiếp được, có gì cô đến trường gặp mẹ cháu”. Sau nhiều lần như thế, cả nhà tôi bỗng thành thạo kĩ năng nói dối”.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian làm quản lý của vị hiệu trưởng này là có người 70-80 tuổi, đeo cả huân chương đến trường xin học cho cháu. Cán bộ tuyển sinh, thậm chí là hiệu phó giải thích thế nào cũng không nghe. “Họ nói, ngày xưa họ đã từng làm việc ở Bộ GD&ĐT với chức vụ rất to nhưng chưa bao giờ nhục nhã thế này! Họ không chấp nhận cách giải thích đúng của ban giám hiệu nhà trường, họ sừng sộ lên. Cô hiệu phó trường này phải khóc và nhờ hiệu trưởng ứng cứu. Có người lại nói “Ngày xưa tôi đã từng kí duyệt cho người nọ, người kia”.
Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục cấm thi tuyển vào lớp 1, lớp 6. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục Hà Nội cho biết: Đối với các trường THCS đặc thù, lượng học sinh dự tuyển vượt quá chỉ tiêu các trường tiếp tục áp dụng phương án xét tuyển dựa vào học bạ.