Phó giám đốc Sở Giáo dục HN giải thích tuyển sinh đầu cấp qua mạng

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc tuyển sinh đầu cấp qua mạng sẽ hạn chế được tình trạng chen lấn xô đẩy nộp hồ sơ như mọi năm. Phần mềm này cũng kết nối với dữ liệu dân cư của Công An TP Hà Nội nên có thể phân tuyến.

Có thể nộp song song hai loại hồ sơ

Thưa ông, phương án tuyển sinh đầu cấp qua mạng có phải một bước cải cách của ngành GD&ĐT Hà Nội nhằm giảm thiểu những bức xúc về tuyển sinh trong những năm gần đây?

Nếu trước đây, việc người dân đổ xô vào các trường có thương hiệu đã đành nhưng hiện nay, nhiều trường không có tên tuổi gì nhưng sĩ số lớp vẫn lên đến 60 em. Chẳng hạn Trường Hoàng Hoa Thám, xung quanh rất nhiều chung cư cao tầng, thêm cả khu giãn dân giải phóng mặt bằng nên từ một trường chưa có danh tiếng, nay sĩ số phình lên đến 60 em/lớp. Nguyên nhân là do các chung cư cao tầng mọc ra xung quanh. Vì thế, việc tuyển sinh đầu cấp, theo đó cũng trở thành chủ đề nóng ở nhiều địa bàn.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và UBND Thành phố Hà Nội, Sở GD&ĐT sẽ xây dựng phần mềm tuyển sinh trực tuyến và thực hiện trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm 2016.

Cụ thể, phụ huynh học sinh sẽ thực hiện việc tuyển sinh trực tuyến qua mạng ra sao, thưa ông?

Cụ thể, nhà trường sẽ cung cấp thông tin từ chỉ tiêu, khu vực, các điều kiện cần thiết cho việc tuyển sinh. Phụ huynh truy cập vào trang, thực hiện đăng nhập và cung cấp dữ liệu thông tin của thí sinh theo yêu cầu về công tác tuyển sinh.

Sau đó, nhà trường sẽ có nhiệm vụ sơ duyệt, thông báo kết quả sơ tuyển. Trường định ngày tuyển sinh chính thức. Phụ huynh đem hồ sơ đến để đối chiếu và cho con em làm thủ tục nhập học.

Đối với phụ huynh không có điều kiện vào Internet, các vùng sâu vùng xa như Ba Vì, Mỹ Đức… đến ngày tuyển sinh theo lịch thông báo của nhà trường, gia đình đến nộp hồ sơ trực tiếp.

Liệu những hồ sơ có số đăng kí đầu tiên qua mạng, có được ưu tiên “xếp chỗ” hơn so với những hồ sơ đăng kí sau không thưa ông?

Kể cả những hồ sơ đăng kí trước và hồ sơ sau đều có giá trị ngang nhau. Quan trọng thí sinh đó đúng tuyến, kể cả quá chỉ tiêu, nhà trường vẫn phải nhận bởi theo quy định, trẻ mầm non 5 tuổi phải tuyển hết trên địa bàn, học sinh 3-4 tuổi thì nhận theo số lượng.

Với cấp Tiểu học và THCS đã là cấp phổ cập nên dĩ nhiên, các trường phải nhận.

Phần mềm tuyển sinh kết nối với dữ liệu dân cư của Sở Công An thành phố quản lý

Theo ông, phương thức tuyển sinh mới liệu có chấm dứt cảnh đạp đổ cổng trường đăng kí cho con vào học như những năm trước?

Mục tiêu của phương án tuyển sinh này rất đơn giản, nhằm tạo chủ động cho cha mẹ học sinh, giảm việc đi lại và cung cấp đầy đủ thông tin về kỳ tuyển sinh để phụ huynh học sinh nắm rõ.

Tôi cho rằng, phương án tuyển sinh mới này, chắc chắn sẽ giảm thiểu tình trạng chầu chực ở cổng trường, cũng như không còn cảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường như những năm trước.

Theo tôi được biết, việc đạp đổ cổng trường một phần là do có thông tin trường phát hành ít đơn hơn những năm trước, phụ huynh ai cũng lo lắng sợ con mình không đến lượt nên đều xô vào lấy đơn chứ không phải như mọi người hiểu là xếp hàng vào trước thì được vào trường. Vì thế, phụ huynh nghĩ phải quan hệ với nhà trường mới lấy đơn nên mới xảy ra tình trạng đó.

Ông nghĩ gì khi nhiều người lo ngại, việc tuyển sinh trực tuyến sẽ xảy ra tình trạng hồ sơ “ảo” có khi lên đến hàng nghìn em khiến phương thức tuyển sinh mới “vỡ trận”?

Không thể có chuyện hồ sơ ảo lên đến hàng nghìn. Như thế làm sao chúng tôi tuyển sinh được trong các năm qua. Ngay từ đầu, các trường đã được phân tuyến tuyển sinh những khu vực nào, những cụm cư dân nào nên có thể áng chừng được số lượng học sinh sẽ vào trường.

Đặc biệt, phần mềm này kết nối với dữ liệu dân cư của Sở Công An thành phố quản lý. Khi phụ huynh nhập thông tin, phần mềm này cho biết người đó có hộ khẩu thuộc địa bàn hay không nên có thể bước đầu phân tuyến.

Với việc tuyển sinh lớp 6, trường hợp nhà trường có chỉ tiêu vài trăm em nhưng có hàng nghìn học sinh đủ điều kiện vào trường. Theo ông, trường hợp này phải giải quyết thế nào?

Việc tuyển sinh lớp 6, nếu vượt quá chỉ tiêu so với được giao thì theo chỉ đạo chung, các quận huyện phải có trách nhiệm chỉ đạo các phường, các trường để rà soát hết các đối tượng trong độ tuổi để tuyển sinh đầu cấp. Sau đó, phân tuyến tuyển sinh để sao cho phù hợp nhất.

Phó giám đốc Sở Giáo dục HN giải thích tuyển sinh đầu cấp qua mạng ảnh 1 Phụ huynh chờ nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Những trường “đặc biệt” có thể thực hiện phỏng vấn

Với những trường đặc biệt như Lương Thế Vinh hoặc Amsterdam, chỉ tiêu mỗi trường chỉ khoảng vài ba trăm nhưng có hàng nghìn hồ sơ. Theo ông, các trường cần thực hiện phương án tuyển sinh nào?

Trường hợp các trường đặc biệt như vậy, nếu quá nhiều hồ sơ, họ có thể phỏng vấn ngoài bởi chẳng hạn chỉ tiêu họ chỉ có 200 nhưng có 500 hồ sơ hoặc 1 nghìn em đăng kí. Bắt buộc họ phải phỏng vấn và không còn cách nào khác, không thể xếp theo thứ tự đơn ai nộp trước, nộp sau. Và thậm chí, nếu đưa trực tuyến thì có thể sẽ nghẽn mạng.

Sở GD&ĐT sẽ xử lý ra sao nếu những ngày gần cuối thời gian đăng kí tuyển sinh, website rơi vào sự số nghẽn mạng như một số website vẫn thường gặp?

Không thể có chuyện nghẽn mạng bởi khi xây dựng xong phần mềm, chúng tôi sẽ tải lên ngay để các trường bắt đầu thực hiện. Dự kiến, khoảng tháng 4/2016 sẽ hoàn thành xong phần mềm và có thể đưa vào chạy thử.

Thời gian tuyển sinh qua mạng sẽ kéo dài ít nhất khoảng một tháng. Chẳng hạn 1/7 tuyển sinh, khoảng 1/6, website đã được đưa lên để gia đình nhập thông tin lúc nào cũng được. Vì vậy, phụ huynh học sinh có nhiều thời gian để suy nghĩ và đăng kí.

Tương tự một số phương thức đăng kí online khác, phụ huynh sẽ làm gì nếu đến giây phút chót, nhà trường cho rằng việc đăng kí qua mạng của gia đình không thành công và nhà trường không chịu trách nhiệm?

Tôi nghĩ không có gì hoàn hảo 100% nhưng xác suất lỗi máy móc xảy ra rất ít. Cái được mà hệ thống này mang lại đó là phân hoạch thời gian cho đối tượng.

Chẳng hạn, ngày đó nhà trường thông báo sẽ giải quyết cho 100 hồ sơ. Như vậy, những người có số thứ tự từ 1-100 mới phải chờ. Còn những người ở số kế tiếp có thể đến vào hôm sau. Như thế tiện hơn rất nhiều so với việc ùn ùn chầu chực cả ngày mà không biết lúc nào đến lượt.

Ngoài ra, để đề phòng các trường hợp sai sót có thể xảy ra, phần mềm tuyển sinh có hệ thống thư trả lời cho người nộp hồ sơ cho biết hệ thống đã kích hoạt và đã nhận được hồ sơ dữ liệu của học sinh đó. Nếu có trục trặc, phụ huynh có thể mang thư trả lời này để khiếu nại với nhà trường để giải quyết.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG