Vinh Sử diện áo sặc sỡ và giày thể thao màu neon, cười nói hồn nhiên. Khối u ở trực tràng khiến ông gặp một số bất tiện khó nói. Song ông không hề ngại chia sẻ kể cả việc mình đang phải sử dụng hậu môn nhân tạo, thậm chí còn tự trào về bệnh tật của mình: “Đi đâu cũng cắp theo bọc vàng…” Ông cho hay, bệnh của mình phải uống thuốc suốt đời, uống hằng ngày, uống đến mức phát sợ chứ không phải ngán nữa. Tuy nhiên, chính những ngày đau bệnh là quãng thời gian ông viết được nhiều nhất. Ông đang cho thu âm các tác phẩm của mình để chuẩn bị phát hành thời gian tới.
Cách đây 3 năm, Vinh Sử có một đêm nhạc riêng tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Đó cũng là năm ông phát hiện mình bị ung thư. Sau đêm nhạc đó, ông quay lại Sài Gòn để mổ. Năm ngoái, bệnh của ông được chẩn đoán đã di căn, phải mổ lại và điều trị tích cực. Đến nay, sau 4-5 lần mổ, sức khỏe của ông đã ổn định hơn. Tuy tiêu hóa vẫn gặp khó khăn nhưng ông đã có thể đi lại được, tự nấu nướng, chăm lo cho chính mình. Mặc dù người vợ thứ tư vẫn đến săn sóc nhưng ông vẫn thích ở một mình, và cũng không muốn phiền đến các con. Ông sống bằng tiền tác quyền và chữa bệnh bằng tiền của các nhà hảo tâm.
Vinh Sử từng chung sống với 4 người vợ đều không có hôn thú. Nhưng ông không chịu khi người ta nói mình có bốn vợ: “Lúc nào tôi cũng chỉ ở với một vợ và toàn bị người ta bỏ”. Tuy nhiên, ông không tiết lộ lý do bị vợ bỏ vì “không muốn nói xấu đàn bà”. Nhạc sĩ cho hay, ai trao tình cảm ông cũng đón nhận hết, nhưng cũng có không ít đối tượng ông thầm thương trộm nhớ nhưng không bao giờ được đáp lại.
“Bổ lại rẻ”
Vinh Sử sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Cha mẹ của ông từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Đông Nam bộ rồi tìm đến Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm bún trong một xóm lao động nghèo ở quận 4. Bố mẹ Vinh Sử không biết chữ và cũng không cho các con đến trường. Họ thường nói với các con: “Tao có học đâu mà vẫn giàu”. Vinh Sử tự kiếm tiền đi học bằng nghề bán báo. 10 tuổi, ông mới bắt đầu cắp sách đến trường, trở thành người duy nhất trong 4 anh em biết chữ. Tuy nhiên, cũng chỉ hết lớp nhất là ông thôi học, đi theo âm nhạc từ năm 15 tuổi. Ngoài mua sách để tự học sáng tác nhạc, Sử cũng đôi phen trộm tiền của bố mẹ đem biếu một số nhạc sĩ, mong họ dẫn dắt vào con đường viết nhạc. Chỉ sau khoảng một năm học nhạc, Vinh Sử đã viết được những bài đầu tiên: Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng, Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em... Trong đó Hai bàn tay trắng miêu tả đúng tình cảnh của ông thời bấy giờ, lang thang không nhà, tối ngày thơ nhạc và thường bị người đời cho là “điên”.
Tuy nhiên, đùng một cái, bài của Vinh Sử được mua với giá 2.000 đồng. Số tiền đó có thể mua được 1-2 chiếc xe hơi. Nhưng kiếm tiền dễ, tiêu tiền còn dễ hơn. Có những đêm ăn chơi ở các nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn, ông tiêu tới 12 lượng vàng (tương đương 12.000 đồng). Nhạc sĩ khẳng định mình đã “ném tiền qua cửa sổ” theo đúng nghĩa.
Vinh Sử xác định các sáng tác của mình là dành cho tầng lớp bình dân với lời ca bình dị, mộc mạc, gần gũi với số đông công chúng. Ông phiên âm dòng nhạc bolero của mình thành “bổ lại rẻ”. Bản thân nhạc sĩ cũng không thể thống kê được mình có bao nhiêu bài hát. Tình trạng này do ông lấy nhiều bút danh và nhiều lần bán đứt bài của mình cho người khác.
Đêm nhạc Hai bàn tay trắng tại Hà Nội tới đây sẽ làm mới những ca khúc nổi tiếng của Vinh Sử như Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Qua ngõ nhà em, Nối lại tình xưa… Trong đêm nhạc, Vinh Sử sẽ công bố 2 sáng tác mới. Tôn nữ hoa khôi kể lại cuộc gặp ở Huế với bạn gái thuở học trò sau mấy chục năm thất lạc. Thương quá cha tôi như lời tạ lỗi của đứa con tự thấy mình từng làm khổ cha mẹ rất nhiều. Chính Vinh Sử sẽ dẫn chuyện trong đêm nhạc của mình.