Vũ trụ và đại dương trong dòng máu Việt

Christine Nguyễn (phải) và Kuniko Vroman tại buổi trò chuyện ở Viện Goethe, Hà Nội, 9/12/2014. Ảnh: H.T.
Christine Nguyễn (phải) và Kuniko Vroman tại buổi trò chuyện ở Viện Goethe, Hà Nội, 9/12/2014. Ảnh: H.T.
TP - Đầu tháng 12/2014, vào một buổi chiều, cô gái thuần Việt có cái tên Christine xuất hiện giữa Thủ đô. Cô đến để nói chuyện về những tác phẩm của mình trong triển lãm cá nhân “Vũ trụ và biển cả”(*). Thanh Lan là tên gọi ở nhà. Cô hiểu tiếng Việt, nhưng nói và thuyết trình bằng tiếng Anh.

Tốt nghiệp Nhiếp ảnh ở Mỹ, luôn đam mê vẽ và mày mò tìm hiểu khoa học, lẫn niềm hứng thú từ người cha Việt là ngư dân, đã khiến cô ra triển lãm bằng những kĩ thuật và góc nhìn độc đáo.

Christine Nguyễn luôn lấy chất liệu từ thiên nhiên cùng sự hỗ trợ của công nghệ làm cảm hứng sáng tạo. Trong mọi tác phẩm, cô vẽ và phết cũng như sử dụng kỹ thuật rửa ảnh để tạo ra các tác phẩm của mình. Cô cũng cấy những tinh thể muối lên bề mặt, như một phương tiện trung gian.

Ánh sáng đóng vai trò chính trong các bức tranh của Christine Nguyễn. Một phần thiết yếu của cuộc sống là ánh sáng, song ở cô, nghệ sĩ còn cảm thấy luôn có một thứ ánh sáng ngay trong bản thân mỗi con người, thường xuyên chuyển động và truyền lạc quan tới thế giới đang sống.

“Tôi đề cập tới ánh sáng, vì chính các tác phẩm  nghệ thuật này đem đến cuộc sống của riêng chúng. Những tác phẩm bạn nhìn thấy đây được trường tồn vì chúng được kẹp khung và bảo quản cẩn thận. Nhưng nhiều tác phẩm có thể tác động bởi không khí. Chúng thay đổi tùy thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm. Ban đầu, tôi để những tác phẩm bị bám muối trên bề mặt. Đôi khi, phụ thuộc vào chính những mảng muối này sẽ biến mất và sau đó nhiệt độ thay đổi chúng sẽ tái xuất hiện và ngày càng nhiều thêm. Lần khác, muối sẽ tác động tới giấy vẽ tranh và thay đổi màu khiến cho bức tranh không còn là vĩnh cửu và khó đoán định trước, đó mới là tồn tại” - Christine Nguyễn nói về những tác phẩm của mình.

“Bằng ánh sáng của vũ trụ và muối mặn của biển sâu, Christine Nguyễn dẫn ta qua những cảnh quan rộng mở lửng lơ trên đầu và dưới chân. Tác phẩm của cô đi đến những nơi này với một nhịp điệu tìm thấy trong các mẫu hình trùng lặp của tự nhiên, các phân dạng của sự sống, nhịp nhàng từng đập xung. Chuyển động đẩy và kéo, như là một cuộc chuyện trò giữa những gì thật gần với những gì ngoài kia, xa rất xa”.

Trích từ nhận xét của nhà phê bình tranh Kuniko Vroman

Christine Nguyễn sinh năm 1977, học nhiếp ảnh, nhưng cô luôn luôn ham thích vẽ tranh. Năm cuối đại học California (Mỹ), cô đã phát hiện ra cách kết hợp hai kĩ thuật sơn-vẽ. Rất nhiều chất liệu cô sử dụng trong các tác phẩm để vẽ, phết lên trên, chẳng hạn loại giấy Mylar như một âm bản tiếp xúc trên giấy in ảnh màu. Cô chồng những lớp vẽ, tinh thể muối và sơn phun lên bản giấy cyanotype (dùng từ đầu thế kỉ 19).

Khi được hỏi, niềm cảm hứng nào mang lại những bức tranh đầy khoáng đạt, biến ảo và rất bắt mắt, cô đáp: “Thực ra hằng ngày, tôi lúc nào cũng học, học nhiều và nhiều hơn nữa về đại dương lẫn không gian vũ trụ, mọi lúc, mọi nơi. Thường trực có những khám phá mới, những điều mới và học hỏi từ những nhà khoa học tân tiến. Những tác phẩm của tôi đặt ở triển lãm Gallerie Quỳnh lần này vừa là những tác phẩm trước đó và mới sáng tác. Tác phẩm nghệ thuật của tôi là lòng kính trọng đối với thiên nhiên và tôi đang cố gắng tạo ra một không gian thiền định”.

Cô hi vọng ngắm mỗi bức tranh- tác phẩm, mọi người sẽ dừng lại và ngẫm về thiên nhiên trong cuộc sống mỗi ngày và nhận ra môi trường sống của chính chúng ta. “Bao bọc quanh tôi là thiên nhiên. California có một phong cảnh rộng lớn. Đại dương, sa mạc, núi đồi không quá xa nhau vì thế tôi có thể đến tham quan tất cả thật dễ dàng. Khi đến Việt Nam lần này, tôi đã có thêm kinh nghiệm về thiên nhiên và hạnh phúc để nói rằng chúng mang lại cho tôi cảm hứng với những tác phẩm mới, tôi chắc đấy!”.

Vũ trụ và đại dương trong dòng máu Việt ảnh 1
Vũ trụ và đại dương trong dòng máu Việt ảnh 2
Vũ trụ và đại dương trong dòng máu Việt ảnh 3

Những tác phẩm của Christine Nguyễn.

Khai triển trên nền tảng nhiếp ảnh, Christine trình bày loạt các tác phẩm gồm các bản in - sinh màu - cỡ trung và những tác phẩm tranh tường tràn trề hi vọng. Christine đột nhập vào tác phẩm ba chiều, tạo những bản điêu khắc của các vật thể hình học làm từ kính, kim loại và gốm, cũng như các vật liệu tự nhiên (cây lá, vỏ sò, xương) đã bị kết tinh trong một dung dịch muối liều cao. Nhiều bản điêu khắc được trưng bày riêng lẻ được kết hợp với các tác phẩm gốc ảnh của cô để làm thành những tác phẩm sắp đặt.

Christine Nguyễn thực lòng mong muốn tìm hiểu nhiều thêm về Việt Nam và sự khác biệt về phong cảnh quê hương cô. “Tôi cũng muốn biết thêm về nguồn cội và con người Việt Nam. Khi tôi lớn lên, tôi nhận ra dòng máu Việt trong mình, quan tâm và mong ước có thể trở về thăm Việt Nam lúc mình còn trẻ hơn nữa”.

Triển lãm của Christine đặt ở TPHCM. Cô chỉ có hai ngày ra Bắc, thăm Thủ đô và tới Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. Loạt tranh mới của cô ý định vẽ về núi đá vôi. Niềm đam mê khám phá được thỏa mãn, cô đã gặp những nhũ đá vôi phong hóa, rừng nhiệt đới, vỉa san hô, thực vật ngập mặn, thảm cỏ biển, đến eo biển, bãi biển, hang động và những khu rừng nguyên sinh.

Trước tiên, sẽ là những bức phác họa, còn sau đó Christine sẽ cố gắng thử làm gốm Việt. Với cô, đất Việt thật diệu kì và cô hi vọng có thể trở lại nhiều lần hơn nữa để khám phá thêm thực vật, cỏ cây ở đây, trong môi trường này. Cô vốn là một nhà sưu tập đất đá, khoáng chất, kim cương, vỏ sò và ép cây hoa lá.

Trong buổi thuyết trình ở Hà Nội, một đại diện của Viện Goethe đã cảm thán những tác phẩm của Christine giống như những bản nhạc phát ra từ đại dương cùng vũ trụ. Đúng thế, âm nhạc đóng vai trò lớn trong các tác phẩm của cô. Bốn năm trước, cô đã từng chơi cho một ban nhạc có tên seamoonshe, nay chuyên tâm vào vẽ và sắp đặt. “Hầu như tôi nghe thấy âm thanh và sự chuyển động trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Tôi nghe nhạc ngay khi tôi đang thực hiện cũng bởi tôi hiểu cách chơi nhạc, khiến cho tâm trí mình tập trung làm việc theo một cách khác biệt” - Christine là giọng ca chính trong ban nhạc, biết chơi ghi-ta. Không hứa hẹn trước, nhưng Christine cũng đang mày mò tìm hiểu về thị trường âm nhạc Việt, và biết đâu, lần trở lại tới, cô ấy sẽ thử nghiệm trong vai trò của một nhạc sĩ như tiết lộ về dự định của mình. 

(*) “Vũ trụ và biển cả” đặt ở Gallerie Quỳnh, 65 Đề Thám và Lầu 2, 151/3 Đồng khởi, quận 1, TPHCM đến 15/1/2015.

Christine Nguyễn hiện sống tại Long Beach, California. Tốt nghiệp hệ cử nhân ngành mỹ thuật tại Đại học Liên bang California, Irvine. Triển lãm cá nhân đặt tại: Bảo tàng Hammer, Gallery Michael Kohn, Gallery Andrewshire (Los Angeles, Mỹ), bảo tàng nghệ thuật Crisp-Ellert (St. Augustine, Florida, Mỹ) và Gallery 10 Chancery Lane (Hong Kong). Các tác phẩm lẻ được giới thiệu tại triển lãm Kiel (Đức), bảo tàng nghệ thuật Laguna Beach (California), San Art (TPHCM), dự án Sprueth Magers (Munich, Đức), Dancing Elefants (Bogota, Colombia) và Churner & Churner (New York, Mỹ).

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.