Nhà phê bình Bùi Việt Thắng viết khá dài và… vu khoát “Tâm và Thần là hai thực thể mà tôn giáo nào trên trái đất từ khi phát khởi cũng đều coi là những trọng lực tinh thần của đời sống con người xuyên suốt chiều dài lịch sử. Dân gian thì đúc kết “sông có khúc, người có lúc”. Mới thấm đẫm đời người mấy ai hanh thông, suôn sẻ và thẳng tiến như diều gặp gió…”. Sau khi lang bang với…
Tiên Điền Nguyễn Du, ngẫm ngợi và rao giảng “Sống như thế gọi là phân thân, là cháy đến giọt cuối cùng”, nhà phê bình mới quay về tác phẩm với những lời biểu dương khá nhiệt tình nhưng hình như có thể dùng với bất kì cuốn sách nào? “Tất cả những ý tưởng sâu sắc và thú vị trên bạn đọc có thể tìm thấy qua nhân vật Hoàng Hữu Nguyên - con người của thiên lương đã gần chạm tới cửa Phật - trong tiểu thuyết triết luận “Đốt trúc” của nhà văn Nguyễn Đắc Như”…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải thận trọng hơn, bám sát tác phẩm hơn nhưng vẫn dè dặt “Chỉ với trên năm trăm trang sách, tiểu thuyết “Đốt trúc” của nhà văn Nguyễn Đắc Như phản ánh một giai đoạn lịch sử gần trăm năm. Truyện xoay quanh nhân vật chính Hoàng Hữu Nguyên, một trí thức xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có… Dung lượng tiểu thuyết tuy ngắn nhưng bi kịch con người phải gánh lại quá dài…”.
“Chính thống” hơn cả - nhưng có lẽ cũng khẳng định hơn cả? - là lời biểu dương của Đại tá, nhà văn Phạm Hoa “Tập sách nhiều trang cảm động, có hậu, tập trung ca ngợi cốt cách một trí thức, không oán trách chế độ. Tâm thế tác giả da diết với quê hương đất nước. Đây là sự tham khảo cho những người hoạch định chính sách trong thời kinh tế tri thức”…
Thật ra, có thể hiểu được tâm trạng phân vân của các nhà văn trên: chất lượng cuốn sách không đều! Nếu phần thứ nhất của cuốn sách (mang tên nhân vật chính Hoàng Hữu Nguyên) viết khá dữ dội, cuốn hút thì phần thứ hai (cũng mang tên một nhân vật chính khác là Huỳnh Minh Cường) lại có vẻ gượng gạo, mờ nhạt và nhất là… quá dài, 252tr/256tr, gần đúng bằng phần thứ nhất! Phần 1 mở đầu bằng một cảnh chiều cuối năm Âm lịch “Hôm nay đã là 25 tháng Chạp, cứ như một ước lệ của đất trời, cái giá lạnh tự phương nào xa khuất đến hẹn đã lại quầy quả trở về…”.
Cái vẻ u ám này gần như theo suốt 12 chương sách, kể chuyện bắt đầu từ chuyến về làng sau 15 năm giam cầm (1960-1975) của nhân vật chính Hoàng Hữu Nguyên, một cán bộ “cấp thứ trưởng” mắc vào vòng lao lý. Có thể thấy bóng dáng của những nhân vật “vang bóng một thời” như các cụ Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi…, nay hầu hết đều đã được phục hồi? Cả một “thế giới trong tù” với những nhân vật ghê rợn như Xác Ướp Đèo Văn Trợ, Đơbê Phạm Văn Quảng, Bayon Trịnh Đình Trắm…cũng được khắc họa sắc nét, sống động, tuy không nhân vật nào được theo đến tận cùng?
Từ lâu rồi, cuộc sống của các tù nhân vốn luôn được các nhà văn ta quan tâm, “để mắt” đến. Nguyên Hồng với “Những ngày thơ ấu”, “Bỉ vỏ”, “Sóng gầm”… Rồi Bùi Ngọc Tấn, Bùi Huy Phồn… Nay có thể kể thêm Nguyễn Đắc Như vào danh sách này? Điều lạ là Nguyễn Đắc Như không hề có “thực tế” về mảng sống này mà tác phẩm Đốt trúc của anh (phần đầu) vẫn khá gợi, vừa “dựng tóc gáy”, vừa sống động, hắn công phu tìm tòi ,ghi chép của tác giả cũng rất đáng nể?
Tiếc rằng phần 2 tác phẩm không gây được ấn tượng như phần 1. Nhân vật Huỳnh Minh Cường được chăm sóc khá kĩ lưỡng nhưng vẫn nhợt nhạt, khó nhớ, cả mối tình giữa anh ta và Ngọc Hoa cũng vậy! Tác giả đã “giấu” rất kĩ, cuối cùng mới để lộ ra Ngọc Hoa là con Kiều Oanh, xuất hiện như một sự “đền bù” cho nhân vật Hoàng Hữu Nguyên, nhưng vẫn không tránh khỏi vẻ khiên cưỡng, “giả giả” cho cả hai nhân vật và mối tình của họ? Dù sao đây cũng mới là tiểu thuyết thứ hai của cây bút Nguyễn Đắc Như.
Có vẻ như tác giả vẫn còn dò dẫm, chưa dám “hết mình” trong tìm tòi cho ra những nhân vật “của mình”? Đọc hết tiểu thuyết này, bỗng lại thấy nhà phê bình Bùi Việt Thắng có lí: Đốt trúc là một “tiểu thuyết triết luận”, hay tiểu thuyết luận đề? Về mặt này, Nguyễn Khải đã có tiểu thuyết Cha và con và…(ra đời khoảng 1-2 năm trước Đổi mới) cũng được nhà phê bình Lại Nguyên Ân gọi là “triết luận về tôn giáo và CNXH”!
Tôi quen Nguyễn Đắc Như từ vài chục năm trước, thời “bao cấp”. Anh cán bộ thương mại này đi công tác tại khách sạn Vị Hoàng (Nam Định) mà vẫn khư khư ôm theo tập “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân! Anh đã là hội viên Hội NV Việt Nam, tác giả của tập thơ “Lãng đãng Hồ Gươm” (in chung, 2004), nhưng lại có tới hai tiểu thuyết, năm bảy tập kí sự đã in…
Chắc anh đã nhận chân được thế mạnh của mình trong thể loại nào và hi vọng sẽ được đón đọc những tập tiểu thuyết và truyện ngắn mới của anh. 1/9/2014