Vụ thu hẹp khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: 'Không thể đánh đổi như Thái Bình'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại diện Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch ở khu vực Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải cần sự đồng thuận của các bộ, ngành. Tuy nhiên, sau khi gửi văn bản mang tính chất thông báo, UBND tỉnh Thái Bình lại im lặng không phản hồi và tự ra quyết định thay đổi quy hoạch khiến bộ hết sức ngỡ ngàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Hoài Nam - Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp - cho biết, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Năm 2020, UBND tỉnh Thái Bình có gửi văn bản tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xin ý kiến về việc quy hoạch khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.

Vụ thu hẹp khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: 'Không thể đánh đổi như Thái Bình' ảnh 1

Ông Đoàn Hoài Nam.

Tuy nhiên, thời điểm đó bộ trả lời với tỉnh rằng, đây là khu bảo tồn thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của các bộ như: NN&PTNT, VHTT&DL, TN&MT, KH&ĐT.

“Quan điểm là chắc chắn không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm được. Bởi khu vực này nằm trong nhiều chương trình liên quan đến ứng phó với biển đổi khí hậu theo Quyết định số 120/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 - 2020”, và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư vào đây”.

Ông Đoàn Hoài Nam – Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp)

“Từ đó đến nay, bộ cũng chưa nhận được phản hồi của UBND tỉnh Thái Bình. Việc tỉnh tự ra quyết định mới và truyền thông phản ánh, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, hiện Bộ NN&PTNT được Chính phủ giao đầu mối thực hiện quy hoạch lâm nghiệp quốc gia (trong đó có rừng đặc dụng và các khu bảo tồn). Khi thực hiện, bộ sẽ có ý kiến về quy hoạch mà UBND tỉnh Thái Bình vừa đưa ra.

“Quan điểm là chắc chắn không thể đánh đổi và thực hiện như tỉnh Thái Bình đang làm được. Bởi khu vực này nằm trong nhiều chương trình liên quan đến ứng phó với biển đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội, và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư vào đây”, ông Nam nói.

Trước ý kiến của Sở NN&PTNT Thái Bình về việc khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không đáp ứng kỳ vọng về phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, trong khi tỉnh đang đứng trước cơ hội phát triển kinh tế -xã hội nên chuyển mục đích sử dụng; đại diện Cục Lâm nghiệp cho rằng, giảm ở đâu không biết, nhưng trong khu vực có rừng ứng phó với biến đổi khí hậu thì không được. Đặc biệt, nếu chuyển đổi từ 400 ha rừng đặc dụng trở lên có thể bị khởi tố.

Theo thông tin Tiền Phong nắm được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình giải trình, làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch do nhập nhằng trong việc điều chỉnh ranh giới diện tích giữa các xã, huyện trong khu vực này.

Thái Bình từng quy hoạch 25.600ha cho khu bảo tồn

Vụ thu hẹp khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: 'Không thể đánh đổi như Thái Bình' ảnh 2

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải mà UBND tỉnh Thái Bình đang quy hoạch giảm diện tích

Ngày 7/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 34 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Thái Bình, trong đó quy hoạch đến năm 2020, diện tích khu bảo tồn ở Thái Bình là 25.600ha. Diện tích này sẽ tập trung ở khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy.

Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu Thái Bình chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích đất rừng và trong việc rà soát, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước khi chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định.

Đối với các công trình, dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ thuộc trường hợp phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì gửi báo cáo về Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ trước khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay, tổng diện tích các khu bảo tồn của Thái Bình chỉ hơn 7800ha. Trong đó có 6560ha diện tích khu Bảo tồn thiên nhiên Thái Thụy. Riêng khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, theo QĐ 731 của UBND tỉnh Thái Bình, diện tích chỉ còn 1320ha, giảm gần 90% so với diện tích 12.500ha được công bố vào năm 2014.

Theo đó, phần lớn khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được quy hoạch vào khu Kinh tế Thái Bình theo QĐ 1486 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu Kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn 2050.

Theo QĐ 1486 năm 2019 của do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký, khu Kinh tế Thái Bình có diện tích tự nhiên 30.583ha, gồm 30 xã và một thị trấn, trong đó chồng lấn rất nhiều diện tích khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Phần lớn diện tích bị chuyển đổi của khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải sẽ được chuyển sang thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, trong đó có dự án khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ.

MỚI - NÓNG