Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Thái Bình sẽ bị 'xóa sổ'?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với Quyết định 731 năm 2023 của UBND tỉnh Thái Bình, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải - một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng chỉ còn diện tích 1320ha, giảm 11.050ha so với diện tích công bố trước đó.

Hàng trăm héc-ta rừng đặc dụng có nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng

Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại ba xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, còn gọi là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt Khu bảo tồn).

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Thái Bình sẽ bị 'xóa sổ'? ảnh 1

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Ảnh: TL

Theo Quyết định, quy mô diện tích của Khu bảo tồn chỉ còn 1.320ha, bao gồm 632ha đất có rừng ngập mặn và 688ha đất chưa có rừng. Vị trí của Khu bảo tồn nằm ở vùng ngoài đê biển của thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải.

Trước đó, ngày 26/9/2014, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Quyết định này xác lập quy mô Khu bảo tồn là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.

Quyết định 2159 cũng xác lập vị trí của Khu bảo tồn nằm ở tả ngạn cửa Ba Lạt thuộc huyện Tiền Hải, ranh giới phía Tây giáp đê thuộc các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh. Phía Nam Khu bảo tồn là sông Hồng, phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển.

Như vậy với Quyết định 731, Thái Bình đã thu hẹp, gần như “xóa sổ” hhu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320ha.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Thái Bình sẽ bị 'xóa sổ'? ảnh 2

Thái Bình đang triển khai Dự án đầu tư tuyến đường số 3 Khu kinh tế Thái Bình, chạy qua xã Nam Phú, nơi có Khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Thaibinhtv.vn

Quyết định 731 cũng thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Theo Quyết định 2159, tại thời điểm năm 2014, khi xác lập khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, diện tích rừng tại đây là 1.450ha. Do đặc điểm sự sống của rừng ngập mặn phụ thuộc vào thủy triều và chân triều nên những năm qua, diện tích rừng đặc dụng trong Khu bảo tồn có nhiều biến đổi.

Theo Quyết định số 484 ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Thái Bình về công bố hiện trạng rừng tỉnh Thái Bình năm 2022, khu vực 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải có diện tích đất rừng trong quy hoạch lâm nghiệp là 989,37ha, còn lại là đất chưa có rừng, gồm sông, lạch, đầm nuôi thủy sản, cồn cát và vùng biển nước sâu. Như vậy, với Quyết định 731, khoảng 357,37ha rừng có nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng.

Bao quanh là các dự án đô thị, du lịch, sân golf

Vậy 11.050ha của khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đi đâu? Một trong những căn cứ, nguyên nhân để UBND tỉnh Thái Bình đưa ra Quyết định 731 (thu hẹp phần lớn diện tích khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải) là để phù hợp với Quyết định 1486 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 28/10/2019 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định này, Khu kinh tế Thái Bình có quy mô trên 30.583ha, gồm 30 xã, một thị trấn của hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy, trong đó phần phía Đông giáp Biển Đông hơn 50km, phía Bắc giáp thành phố Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam và Tây Nam giáp với Nam Định qua sông Hồng, phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Khu kinh tế bao phủ hầu hết các xã ven biển của tỉnh Thái Bình, gồm cả Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Theo Quyết định 1486, đến năm 2040, toàn bộ diện tích đất 30.583ha của Khu kinh tế Thái Bình sẽ được dùng vào các mục đích như khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, khu du lịch, dịch vụ tập trung, khu dân dụng đô thị, khu dân cư nông thôn, đất phục vụ các công trình hạ tầng, đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Theo Quyết định 731, bao quanh Khu Bảo tồn thiên nhiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là các dự án phát triển kinh tế -xã hội. Cụ thể, phía Bắc, Nam và Đông của Khu bảo tồn giáp Quy hoạch Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân gofl Cồn Vành - Cồn Thủ, phía Tây sẽ giáp Quy hoạch Khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.

Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về môi trường, Quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình chồng lấn lên rất nhiều các quy hoạch trước đó mà UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt, trong đó có Quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2020 và chồng lấn lên Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

TS Trường cho biết, toàn bộ diện tích khu vực ven biển của 3 xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú của huyện Tiền Hải (3 xã có rừng đặc dụng) được quy hoạch cho khu kinh tế, chỉ còn đúng 1.320 ha dành cho rừng ngập mặn. Nếu tăng quy mô khu rừng đặc dụng ở đây cũng sẽ bị chồng lấn vào khu kinh tế và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

“Nếu Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 không chồng lấn vào khu rừng đặc dụng thì UBND tỉnh Thái Bình đã không phải điều chỉnh lại quy hoạch giảm diện tích rừng”, TS Trường nêu.

Chuyển đổi từ 50ha diện tích rừng đặc dụng phải được Quốc hội thông qua

Điều 20 của Luật Lâm nghiệp 2017 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong đó, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên, rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.

Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 đến dưới 50ha, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20ha đến dưới 500ha, rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1000ha.

Theo TS Tô Văn Trường, hiện nay, diện tích hơn 357ha đưa ra khỏi khu rừng đặc dụng theo Quyết định 731 vẫn là rừng đặc dụng và được quản lý theo Luật Lâm nghiệp. Khi nào diện tích rừng này được sử dụng vào mục đích khác như xây dựng công trình, dự án... thì bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tùy theo diện tích rừng phải chuyển đổi, việc quyết định chủ trương chuyển đổi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội.

Vai trò của Khu bảo tồn

Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, được UNESCO công nhận vào ngày 2/12/2004. Đây là nơi lưu giữ những giá trị sinh học đa dạng, phong phú với 215 loài chim, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước, nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới. Đây là sân chim quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với thế giới nhờ hệ động thực vật đáy phong phú.

Theo Quyết định 2159, Khu bảo tồn có chức năng bảo tồn môi trường, sinh cảnh và quần thể sinh vật vùng cửa sông Ba Lạt. Bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn chim nước sinh sống hoặc dừng chân trên đường di cư hằng năm. Khu bảo tồn cũng có vai trò phòng hộ ven biển và cửa sông, đảm bảo an ninh, môi trường và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng như khu vực. Làm hiện trường nghiên cứu khoa học phục vụ nhu cầu nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nuôi trồng thực nghiệm, bảo tồn các loài gene quý hiếm, giáo dục môi trường và tổ chức du lịch sinh thái.

MỚI - NÓNG