Thu hẹp gần 90% khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: Tham bát bỏ mâm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo các chuyên gia, việc UBND tỉnh Thái Bình thu hẹp diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải không chỉ đi ngược các quy hoạch của Việt Nam về phát triển rừng đặc dụng, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn đi ngược các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước đa dạng sinh học và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Làm suy giảm nghiêm trọng chức năng Khu bảo tồn

Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia về bảo tồn và đa dạng sinh học, Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình thu hẹp quy mô Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt là Khu bảo tồn) từ 12.500ha xuống còn 1.320ha đi ngược lại với nhiều nội dung và cam kết của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam tham gia vào Công ước đa dạng sinh học từ năm 1994. Với việc tham gia công ước này, Việt Nam hướng đến cam kết đưa diện tích khu bảo tồn lên khoảng 10% lãnh thổ. Hiện tại, tổng diện tích khu bảo tồn ở Việt Nam khoảng 5%. Vì vậy, dự thảo Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện hay dự thảo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đều hướng đến tăng diện tích khu bảo tồn. Một trong những giải pháp là giữ nguyên các khu bảo tồn cũ và chuyển hạng một số khu vực mới để tăng cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Thu hẹp gần 90% khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải: Tham bát bỏ mâm ảnh 1

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải bị thu hẹp gần 90% diện tích. Trong ảnh là một phần Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải trên địa bàn xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: TRƯỜNG HÙNG

“Vì vậy cả hai dự thảo quy hoạch này đều giữ nguyên khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Việc Thái Bình thu hẹp đến gần 90% diện tích khu bảo tồn là trái với quy hoạch, với mục tiêu và cam kết của quốc gia”, TS Hà nói.

TS Hà cho biết thêm, tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Các khu rừng, đặc biệt rừng ngập mặn là nơi hấp thụ và lưu giữ carbon tốt nhất. Việc thu hẹp Khu Bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, trong đó giảm diện tích rừng sẽ làm tăng phát thải.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, với khu dự trữ sinh quyển, bất kể thay đổi nào về diện tích, đặc biệt là vùng lõi phải rất hợp lý về mặt quy hoạch quốc gia, phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương và quốc gia thì mới được UNESCO chấp nhận. Việc thu hẹp diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải không vì mục tiêu quốc gia mà vì sự phát triển kinh tế xã hội thuần túy của tỉnh Thái Bình sẽ rất khó được UNESCO chấp nhận. Vì vậy, Khu DTSQ châu thổ sông Hồng có nguy cơ rất cao bị UNESCO thu hồi danh hiệu nếu mất đi hầu hết Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải.

Ông Nguyễn Viết Cách, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy cho rằng với việc thu hẹp quy mô khu bảo tồn, Việt Nam đi ngược cam kết với UNESCO khi tổ chức này công nhận đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Ông Cách cho biết thêm, việc thu hẹp quy mô khu bảo tồn, đồng thời quy hoạch bao quanh là các dự án khu đô thị, du lịch, sân golf sẽ tác động mạnh mẽ đến hệ sinh thái, làm suy giảm nghiêm trọng chức năng của khu bảo tồn như bảo vệ môi trường, sinh cảnh, quần thể sinh vật, giảm vai trò phòng hộ ven biển và cửa sông.

Có thể bị rút danh hiệu

Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) đất ngập nước liên tỉnh ven biển Đồng bằng châu thổ sông Hồng (gọi tắt là Khu DTSQ châu thổ sông Hồng) được UNESCO công nhận năm 2004, nằm trên địa bàn 6 huyện (Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Tiền Hải, Thái Thuỵ và Kim Sơn) thuộc 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Đây là một trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam với tổng diện tích hơn 137 nghìn ha, gồm vùng lõi (14.842ha), vùng đệm (36.951ha), vùng chuyển tiếp (85.468 ha).

Trong đó vùng lõi của Khu DTSQ gồm Vườn Quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Nam Á, đặc biệt là bảo tồn các loài chim hoang dã quý hiếm.

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, với việc giảm gần 90% quy mô khu bảo tồn, UBND tỉnh Thái Bình có thể đã đặt dấu chấm hết cho Khu DTSQ châu thổ sông Hồng.

Cụ thể, khung pháp lý của Mạng lưới Toàn cầu các Khu DTSQ Thế giới quy định, các khu DTSQ cần đáp ứng 7 tiêu chí, trong đó tiêu chí thứ 4 và thứ 5 là có diện tích đủ lớn để thực hiện ba chức năng gồm bảo tồn, phát triển và hỗ trợ cũng như được phân vùng cụ thể nhằm thực hiện ba chức năng (gồm vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp).

Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải giảm gần 90% diện tích ảnh hưởng tới việc đáp ứng các tiêu chí của Khu DTSQ châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận. Khu DTSQ này cần trình Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm lần thứ 2 lên Ban Thư ký Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc tổ chức UNESCO trước ngày 30/9/2024.

Ông Nguyên cho biết, trên cơ sở báo cáo đánh giá định kỳ, Hội đồng Điều phối Liên Chính phủ Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB ICC) sẽ quyết định Khu DTSQ có tiếp tục đáp ứng các tiêu chí và đảm bảo các chức năng hay không. Nếu không đáp ứng, MAB ICC sẽ có khuyến nghị tới chính phủ và Ban Quản lý Khu DTSQ, đưa vào danh sách đề nghị rút danh hiệu.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.