Vụ Su-24 bị bắn hạ: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chưa 'hạ nhiệt'

Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 tối tân tới Syria. Ảnh: Sputnik
Nga đã triển khai hệ thống tên lửa S-400 tối tân tới Syria. Ảnh: Sputnik
TP - Nga đã điều động hệ thống tên lửa tiên tiến nhất tới Syria để bảo vệ các chiến đấu cơ hoạt động tại Syria và tuyên bố không quân Nga sẽ tiếp tục chiến dịch không kích gần không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Reuters đưa tin.

Không quân Nga đã phát động đợt không kích dữ dội nhằm vào các nhóm phiến quân tại thành phố Latakia của Syria, gần khu vực chiếc Su-24 bị bắn rơi. Trang tin Think Pol (Canada) đưa tin, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tiết lộ, ông đích thân ra lệnh bắn hạ chiến đấu cơ Nga Su-24, dẫn đến cái chết của một phi công. “Sau khi đưa ra cảnh báo, chúng tôi phá hủy máy bay. Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện mệnh lệnh do chính tôi đưa ra”, ông Davutoglu nói.

Trong cuộc họp an ninh hôm 22/11, hai ngày trước khi xảy ra vụ bắn rơi Su-24, ông đã lệnh cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ “dùng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ an ninh biên giới. Thủ tướng Davutoglu nói rằng, hai chiến đấu cơ Nga đã vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11. Một chiếc sau đó rời khỏi không phận và chiếc còn lại bị F-16 tấn công vì nó tiếp tục xâm phạm. Một số công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị thương do một vài bộ phận máy bay rơi xuống lãnh thổ nước này, ông nói.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nói máy bay Nga đã vào không phận nước mình trong 17 giây, Bộ Quốc phòng Nga cung cấp video chứng minh máy bay Su-24 không xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng tin Nga Sputnik cho rằng, kể cả với khoảng thời gian đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể kịp liên lạc với lãnh đạo cấp cao và giải thích tình hình. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đã được “tính toán trước” và yêu cầu chính phủ nước này đưa ra lời giải thích. Sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lavrov tiếp tục thảo luận về sự cố trên với người đồng cấp Mỹ John Kerry.

“Ngoại trưởng Lavrov đã chỉ ra một sự vi phạm trắng trợn bản ghi nhớ Nga - Mỹ về an toàn bay trong sứ mệnh chiến đấu ở Syria, trong đó Mỹ cam kết chịu trách nhiệm đối với vấn đề thực thi những quy tắc liên quan của tất cả thành viên tham gia liên minh do Mỹ dẫn đầu, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga hôm 25/11 nêu rõ. Ngoại trưởng Kerry hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đối thoại để tránh leo thang căng thẳng. Nga vừa quyết định huỷ cuộc họp của ủy ban liên chính phủ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra ở thành phố St. Petersburg ngày 15/12.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, Ankara hôm 25/11 điều thêm 20 xe tăng, nhân viên cảnh sát và hiến binh cho lữ đoàn thiết giáp đóng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Không quân Thổ Nhĩ Kỳ còn triển khai thêm 18 máy bay chiến đấu để diễn tập tuần tra tại biên giới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan không xin lỗi Nga, nói rằng nước này chỉ đơn giản bảo vệ an ninh và “quyền của những người anh em tại Syria” và tuyên bố chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thay đổi. Ông Erdogan cho biết, Ankara không có ý định leo thang căng thẳng với Nga.

Nghi vấn con Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ liên quan IS

Nhận định về vụ việc, chuyên gia phân tích chính trị người Pháp Gearoid O’Colmain nói với hãng tin Nga RT: “Tôi không tin chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể hành động như vậy với Nga mà không có sự đồng ý của Mỹ. Thật nực cười nếu nghĩ rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hành động một mình. Thế nên chắc chắn họ đã tấn công (máy bay ném bom Nga) với sự hậu thuẫn của Mỹ”. RT dẫn nguồn truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, con trai Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là Bilal Erdogan ngồi ăn tối với một kẻ được cho là thủ lĩnh nhóm khủng bố IS.

Tại nhà hàng ở Istanbul, ông Bilal ngồi ăn cùng với một nhóm người, trong đó có một kẻ từng tuyên bố tham gia cuộc thảm sát người Kurd ở Syria. Tuy nhiên, RT không nêu danh tính thủ lĩnh IS gặp ông Bilal, cũng như thời gian, địa điểm cuộc gặp. RT nghi vấn ông Bilal liên quan trực tiếp tới “những cuộc đi đêm” trong giao dịch dầu mỏ với IS.  Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 25/11 tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ IS và một số quan chức Thổ Nhĩ Kỷ “hưởng lợi tài chính trực tiếp” từ việc mua bán dầu khí với nhóm khủng bố. Các nhà phân tích đánh giá, những cuộc không kích của Nga nhằm truy quét IS từ cuối tháng 9 đến nay đã làm ngưng giao dịch đầy béo bở cho tầng lớp trung lưu của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cả các quan chức.

Theo ông David Cohen, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về khủng bố và tình báo tài chính, IS kiếm được một triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu. Ông Cohen tiết lộ, các khách hàng bao gồm cả người Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Hội nghị G-20 mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, IS thu hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la Mỹ từ việc bán dầu. Ông cáo buộc: “Những kẻ khủng bố còn được quân đội của cả một nước bảo vệ”.

Phản ứng của Việt Nam

Trả lời câu hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 26/11 nói: “Chúng tôi cho rằng, các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm leo thang căng thẳng tình hình, xử lý vụ việc vừa qua trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”.         

Bình Giang

MỚI - NÓNG