Vụ sập giàn giáo Formosa làm 13 người chết: Tai nạn được báo trước?

Công nhân bị thương vụ sập giàn giáo Formosa đang điều trị tại BV Đa khoa Hà Tĩnh.
Công nhân bị thương vụ sập giàn giáo Formosa đang điều trị tại BV Đa khoa Hà Tĩnh.
TP - Nhiều công nhân cho biết họ phát hiện thấy giàn giáo rung lắc khi đang lao động, tốp công nhân vội bỏ chạy ra ngoài, nhưng sau đó lại buộc phải quay vào làm việc và tai họa ập đến.

Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, ngoài một số công nhân bị thương nặng phải chuyển ra Hà Nội, vẫn còn nhiều người đang được điều trị tại đây. Khoa Hồi sức Cấp cứu và khoa Chấn thương là nơi các nạn nhân được sắp xếp để các bác sĩ và người nhà theo dõi, chữa trị, chăm sóc. Anh Thái Đình Tài (SN 1975) trú tại xóm 11, xã Kỳ Giang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị thương trong vụ việc tối 25/3.

Anh Tài bị gãy xương ngực, gãy tay, phổi bị dập chưa thể tiến hành mổ, đầu bị chấn thương. Tình trạng sức khỏe còn yếu. Sau khi được các bác sĩ tiêm thuốc, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện ngắn ngủi với anh. Anh Tài kể: “Sau thời gian nghỉ, 7 giờ tối chúng tôi tiếp tục làm việc, khoảng 20 phút sau thì có hai tiếng động lớn, chao đảo giàn giáo, anh em công nhân chạy ra ngoài trốn hết.

Chỉ huy công trường, gồm một kỹ sư và một tổ trưởng nghe tiếng động chạy lại. Xem xét xong, các ông ấy bảo tiếp tục vào làm, không việc gì hết. Lúc đó anh em sợ lắm nhưng cũng sợ bị đuổi việc nên đành phải nghe theo. Hai ông đó nói xong thì ra ngoài luôn. Được một lúc thì giàn giáo sập”. Anh Tài là lao động chính trong gia đình với 1 người vợ và 2 con nhỏ.

Anh Nguyễn Đại Phong (SN 1991), quê ở Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bị gãy chân trái, gãy xương sườn trái, tràn dịch màng phổi. Phong không thể tự mình ngồi, phải nhờ người thân dựa lưng vào nhau mới có thể ngồi dậy.

Cũng như các nạn nhân khác, anh Phong vẫn còn lo lắng, hoang mang. “7 giờ tối chúng tôi bắt đầu làm, tôi đi mài phom, mới lên mài lần đầu thì có sự cố xảy ra, lần thứ nhất, thứ hai, giàn giáo rung lắc, anh em chạy tán loạn.

Tổ trưởng người Hàn Quốc ra hiệu không có việc gì, vào làm lại và nói: Trước khi trời mưa là phải vào làm, vì trời mưa máy không mài được. Vào làm được 10 phút thì giàn sập”. Anh Nguyễn Trọng Kiều (SN 1988) trú tại Diễn Mỹ, Diễn Châu, Nghệ An bị chấn thương ở vai và sườn, kể: “Chập tối 25/3, chúng tôi nghỉ ăn cơm.

Đến khoảng 7 giờ tối thì  vào làm. Được một lúc thì giàn lún xuống 20 - 30 cm, anh em vùng chạy ra. Lần thứ hai vào làm được ít phút thì nghe tiếng động lớn, anh em lại bỏ chạy. Ông chỉ huy công trường bảo trở lại làm việc. Hơn chục phút sau thì giàn giáo sập xuống luôn”.

Ngày 29/3, Ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp xuống kiểm tra tình trạng bệnh nhân Cao Xuân Hòa (34 tuổi ở Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An), nạn nhân vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh chuyển ra Hà Nội ngày 28/3

Đây là một trong hai trường hợp nặng nhất hiện nay trong tổng số bốn nạn nhân phải chuyển từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để tiếp tục điều trị. Được biết, nạn nhân bị rơi từ độ cao hơn 20m, đập lưng xuống đất gây đa chấn thương. Kết quả chụp X-quang tại bệnh viện Hà Tĩnh cho thấy bị chấn thương phổi rất nghiêm trọng, gãy hai xương sườn. Bệnh nhân được dẫn lưu màng phổi và đặt nội khí quản.

Hiện nay tình trạng của bệnh nhân đã được kiểm soát. Bệnh viện Việt Đức cũng đang huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị để điều trị cho ba nạn nhân của vụ sập giàn giáo. Cả ba nạn nhân đang được điều trị tại đây cũng đều ổn định trong sự kiểm soát của các bác sĩ.           

Thái Hà

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.