Theo Teslaresearch, những năm 30 của thế kỷ trước, các cường quốc trên thế giới tìm cách ứng dụng sóng điện từ thành vũ khí. Ý tưởng về loại siêu vũ khí như thế từng xuất hiện trong các kịch bản phim viễn tưởng.
Người Nhật tỏ ra thích thú với ý tưởng biến sóng điện từ thành siêu vũ khí. Ở thời điểm đó, loại vũ khí này được cho là “điên rồ” và thiếu tính thực tế. Trong khi các cường quốc như Mỹ, Anh ứng dụng sóng điện từ phát triển thành radar, chỉ Nhật Bản theo đuổi ý tưởng vũ khí tia chết.
Họ lập một hội đồng gồm các nhà khoa học hàng đầu đất nước với nỗ lực biến sóng điện từ thành siêu vũ khí. Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, các công nghệ sẵn có không đủ hiện đại để biến ý tưởng thành hiện thực.
“Vấn đề hạn chế ở đây là nguồn năng lượng. Tại thời điểm đó, họ không thể tạo ra sóng điện từ đủ mạnh để làm vũ khí”, Walter Grunden, tác giả cuốn “Vũ khí bí mật của Chiến tranh Thế giới thứ hai” nhận xét.
Khi không thành công với vũ khí tia chết, các nhà khoa học Nhật đề xuất ý tưởng ứng dụng sóng điện từ để phát triển radar nhưng lãnh đạo quân đội đã từ chối. Thậm chí, Hải quân đế quốc Nhật Bản chỉ xếp radar ngang với hệ thống định vị hàng hải.
Tiền thân của vũ khí viba
Dù không thành công với vũ khí tia chết, nghiên cứu của người Nhật đã mở đường cho sự phát triển vũ khí viba ngày nay. Ảnh: Airminded
Năm 1941, Nhật Bản chính thức tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai. Họ đánh chiếm một vùng rộng lớn ở châu Á-Thái Bình Dương. Thắng trận như “chẻ tre” khiến giới lãnh đạo quân đội Nhật nghĩ rằng, họ đã có mọi vũ khí cần thiết.
Nhật đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi bỏ qua vai trò của radar. Do đó, họ phải chịu thất bại thảm khốc trong trận hải chiến Midway với Hải quân Mỹ tháng 6/1942. Hội đồng tối cao quân đội Nhật Bản choáng váng trước thất bại.
Họ triệu tập các nhà khoa học để tìm ra các ý tưởng phát triển vũ khí mới. Yoji Ito, nhà khoa học trẻ của hải quân, đã đề xuất 2 ý tưởng. Nhật Bản phải phát triển vũ khí nguyên tử hoặc tiếp tục ý tưởng vũ khí tia chết. Sau khi nghiên cứu công nghệ hạt nhân trong nhiều tháng nhưng không thành công. Nhật Bản trở lại với ý tưởng vũ khí điện từ.
Trong khi các nhà khoa học Nhật chưa tìm ra nguồn năng lượng điện từ đủ mạnh, 2 nhà khoa học người Anh đã phát minh ra thiết bị quan trọng giúp sức cho họ. Năm 1940, John Randall và Harry Boot, hai nhà vật lý thuộc Đại học Birmingham, Anh, đã chế tạo một thiết bị có tên “ống sóng chạy magnetron”, còn gọi là vi sóng hay sóng viba.
“Phát minh vi sóng đã giúp ý tưởng phát triển vũ khí tia chết của người Nhật trở nên thực tế hơn. Lý do là vi sóng mang nhiều năng lượng hơn so với sóng điện từ thông thường”, giáo sư Brian J. Ford, nhà khoa học quân sự nhận xét.
Walter Grunden, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nhấn mạnh thêm: “Bạn có thể tiếp xúc thường xuyên với sóng điện từ ở nhiều khoảng cách khác nhau mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng bạn không thể bình thường nếu bị sóng viba chiếu vào người trong một thời gian nhất định”.
Trong năm 1943, các nhà khoa học Nhật Bản chế tạo các thiết bị phát tia chết ở quy mô thử nghiệm tại phòng thí nghiệm Shimada, cách Tokyo khoảng 160 km. Họ đã tạo ra sóng viba với công suất 100 kW, họ dự định tăng công suất lên 500 kW.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã bị đánh bại trước khi vũ khí tia chết có thể tham chiến. Tokyo đã thiêu hủy toàn bộ tài liệu về dự án trước khi đầu hàng phe Đồng minh.
Ngày nay, Mỹ ứng dụng ý tưởng vũ khí tia chết của Nhật để phát triển hệ thống vũ khí năng lượng định hướng. Họ đã phát triển thành công vũ khí viba phi sát thương có tên ADS. Người ta sử dụng thiết bị cho mục đích chống bạo động, giải tán các đám đông biểu tình.