Vụ Khá 'bảnh' được nêu tại diễn đàn Đại hội Hội LHTN Việt Nam

Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TPO - “Tại sao một trường hợp như Khá Bảnh, vi phạm pháp luật, tội phạm, lại được hàng nghìn thanh niên cổ vũ”, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng nêu tại diễn đàn ĐH Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam chiều nay, 11/12.

Chiều 11/12, đại biểu Đại hội toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII thảo luận tại các diễn đàn. Phát biểu tại diễn đàn xây dựng Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam vững mạnh. Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, nhiều câu chuyện nóng trên báo chí thời gian vừa qua đều liên quan đến thanh niên.

Cụ thể, vụ việc 39 người đang trong độ tuổi thanh niên tử vong ở Anh, rồi vụ việc liên quan đến formosa gây ra tình hình nóng tại một số tỉnh, thành như Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận.

“Rồi vụ gần đây như Khá 'bảnh', rồi một số trẻ em độ tuổi thiếu niên, vị thành niên ở Trung tâm bảo trợ xã hội ở TP HCM bị dâm ô. Qua vụ việc đó, tổ chức Hội ở chỗ nào”, anh Sưởng nêu, đồng thời cho rằng, xưa nay, mỗi khi có sự việc xảy ra thường hỏi chính quyền địa phương ở đâu, sở ngành thế nào, bộ ra sao, nhưng với sự việc như nêu trên thì vai trò của Hội LHTN thế nào, của Đoàn thế nào?

Anh Sưởng nêu, nhiệm kỳ tới chúng ta đang có kế hoạch mở rộng, tăng số lượng hội viên. Việc này là xu hướng đúng. Nhưng những thanh niên còn lại, những bộ phận còn lại thì tính sao.

Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong nêu lại việc cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi còn đương chức đã có một số việc làm rất ấn tượng, như dự lễ khai giảng ở trường thiếu niên hư của thành phố, thành lập câu lạc bộ các ông chồng vũ phu để xử lý... “Nói thế để thấy rằng chúng ta nên quan tâm đến phần thanh niên còn lại”, anh Sưởng nêu.

Anh Phùng Công Sưởng đồng ý với các ý kiến phát biểu về vai trò làm gương của cán bộ.

Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, cán bộ Hội cần sâu sát hơn, quan tâm đến “phần tối” của thanh niên, vùng trũng về văn hóa, kinh tế, dân trí. “Sửa chỗ yếu thì sẽ làm Hội mạnh lên ngay, tức là đi khắc phục những mặt còn hạn chế”, anh Sưởng nói thêm.

Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng, thanh niên hiện nay tiếp cận ,ạng xã hội nhưng không đủ kỹ năng để sàng lọc thông tin, dẫn đến hiểu sai, tư tưởng sai, hành động sai, dẫn đến các hậu quả.

“Tôi đề nghị dùng chữ tăng cường tương tác chứ dùng chữ giáo dục thì rất nặng nề. Cần tương tác để nắm bắt được tinh thần. Tại sao Khá Bảnh vi phạm pháp luật, tội phạm, lại được hàng nghìn thanh niên cổ vũ”, anh Sưởng nói, đồng thời đặt dấu hỏi về vai trò của Hội LHTN ở địa phương ở đâu, để tương tác, giúp thanh niên nhận ra như thế nào là đúng, là sai, là vi phạm pháp luật.

Anh Sưởng phân tích, thanh niên cập nhật thông tin trên mạng một cách bị động, bị cuốn theo mạng xã hội. Hội phải nắm bắt tư tưởng và các hành vi của thanh niên sớm để tránh tình trạng lệch lạc về thần tượng, lệch lạc về suy nghĩ vì bây giờ thông tin không giới hạn, một người ở Hà Giang có thể đọc thông tin ở tỉnh này, tỉnh kia, ở nước ngoài...

Nhà báo Phùng Công Sưởng cũng cho rằng, nên chia nhỏ thành các hội, như các tế bào, để tăng cường giải quyết các vấn đề “chưa được” của thanh niên như các nhóm thanh niên hư, thanh niên nghiện ma túy, thanh niên nghiện games...

“Đây chỉ là một mảng nhỏ để xây dựng Hội. Nếu khắc phục được thì sẽ mạnh về tổ chức, mạnh về con người, mạnh về phương thức hoạt động và đa dạng, phù hợp với các đối tượng, các trình độ khác nhau và là nơi để thanh niên gửi gắm tình cảm, niềm tin và thấy Hội là một phần không thể thiếu của họ, sẽ tự nguyện tham gia Hội”, nhà báo Phùng Công Sưởng chốt lại.

MỚI - NÓNG