Chiều 19/10, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên án 5 cựu quan chức tỉnh Phú Yên về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ giảm giá bán 262 lô đất cho doanh nghiệp tại khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hoà.
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án. Ảnh L.H |
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Chí Hiến (cựu Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên) mức án 6 năm tù; Mai Hắc Lợi (Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh) 5 năm tù; Nguyễn Ngọc Duy (cựu Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh) 4 năm tù và Nguyễn Thị Nở (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Riêng bị cáo Ngô Quang Phú (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh) được miễn hình phạt tù do có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên các bị cáo phải khắc phục hậu quả thiệt hại hơn 8 tỉ đồng cho UBND tỉnh Phú Yên. Do người trúng đấu giá là bà Ngô Thị Điều đã nộp 2 tỉ đồng, các bị cáo và người liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 6 tỉ đồng, trong đó bị cáo Hiến phải bồi thường 2 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chịu trách nhiệm bồi thường số tiền còn lại là 4 tỉ đồng.
Đại diện Viện KSND tỉnh Phú Yên nêu quan điểm luận tội tại toà. Ảnh L.H |
Theo nhận định của HDXX, bị cáo Nguyễn Chí Hiến được phân công quản lý tài sản nhà nước của tỉnh nhưng đã thay đổi phương án đấu giá, chia khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa thành 4 khu để bán sỉ, nhưng bỏ qua năng lực tài chính của người tham gia đấu giá; thực hiện việc giảm giá 5% cho người trúng đấu giá không có trong quy định của pháp luật, có vai trò chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện theo việc làm sai này. Vì thế mà bị cáo Hiến phải chịu hình phạt cao nhất là 6 năm tù.
Bị cáo Mai Hắc Lợi mặc dù kêu oan và cho rằng không được phân công tham mưu trong việc bán đấu giá, nhưng HĐXX nhận định, qua chứng cứ thu thập và lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cho thấy bị cáo Lợi đã có vai trò tham mưu tích cực để thực hiện việc giảm giá cho người trúng đấu giá không đúng quy định pháp luật nên bị phạt 5 năm tù.
Đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Duy, HĐXX cho rằng, dù ban đầu không thống nhất với phương án giảm giá cho người trúng đấu giá, nhưng sau được sự chỉ đạo của ông Hiến, đã thống nhất với phương án này nên chịu phạt 4 năm tù. Còn bị cáo Nguyễn Thị Nở có vai trò đồng phạm nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên chịu hình phạt 3 năm tù cho hưởng án treo.
Riêng bị cáo Ngô Quang Phú ban đầu đã phản đối mạnh mẽ việc giảm giá cho người trúng đấu giá, nhưng về sau vì sự chỉ đạo của ông Hiến nên cũng thống nhất với phương án này. Tuy nhiên, bị cáo Phú đã thành khẩn khai báo, tự nguyện nộp khắc phục 600 triệu đồng sớm nên tòa tuyên miễn hình phạt.
Trước đó, trong quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Chí Hiến cho biết, cuối năm 2016, tỉnh Phú Yên bị áp lực phải trả nợ Kho bạc Nhà nước Trung ương 200 tỷ đồng nên địa phương có nghị quyết tạo nguồn quỹ đất để bán đấu giá nhằm thu tiền sử dụng đất để trả nợ. Còn việc hỗ trợ 5% trên tổng giá trị khu đất đã được vào phương án đấu giá, được cơ quan tham mưu họp bàn vàông Hiến là người kết luận.
Khi phát hiện hỗ trợ 5% không có trong quy định pháp luật, ông Hiến đã ký văn bản xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên và khiđã được đồng ý mới triển khai thực hiện. “Nếu không xin chủ trương, không được đồng ý thì việc tự quyết là sai. Còn khi thực hiện đã xin rồi, nên bị cáo chỉ là người thực hiện”, ông Hiến khai với HĐXX.
Tranh tụng tại tòa, nhiều luật sư cho rằng, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng các quy định tố tụng. Theo đó, trong quá trình khởi tố vụ án và khởi tố bị can, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã không thực hiện lấy lời khai của những cá nhân có chức vụ quyền hạn tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Thường trực HĐND để xác định trách nhiệm của những cá nhân liên quan, trong đó có ông Huỳnh Tấn Việt (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên).