Vụ "đánh rơi" 1,4 tỷ đồng: “Kho bạc T.Ư không cho tôi báo công an”

Vụ "đánh rơi" 1,4 tỷ đồng: “Kho bạc T.Ư không cho tôi báo công an”
TP - Như các số báo 245 và 246 (ra ngày 27 và 28/10/2006) Tiền phong  đã đề cập đến việc ông Nguyễn Bá Thường, GĐ Kho bạc tỉnh Hà Tây “ đánh rơi” 9 quyển sổ tiết kiệm với số tiền gửi lên đến 1,4 tỷ đồng.
Vụ "đánh rơi" 1,4 tỷ đồng: “Kho bạc T.Ư không cho tôi báo công an” ảnh 1
Trụ sở Kho bạc Hà Tây - nơi được canh phòng cẩn mật, vậy mà kẻ trộm vẫn vào phòng GĐ để ăn trộm số tài sản lớn

Hơn thế, trong số giấy tờ của ông Thường “đánh rơi” còn có 22 phong bì ghi tên người gửi và số tiền ghi trên các phong bì này là 80,5 triệu đồng và 500 đô la.

Phóng viên liên hệ để gặp trực tiếp ông Nguyễn Bá Thường song ông Thường từ chối vì lý do “sức khỏe”. Tuy nhiên ông Thường cuối cùng đã dành cho Tiền phong cuộc trao đổi qua điện thoại.

 9 sổ tiết kiệm 1,4 ty đồng: Tiền anh trai tôi gửi nhờ mua nhà 

Thưa ông, vụ việc xảy ra khá lâu vậy ông đã có báo cáo giải trình với Kho bạc T.Ư chưa?

Hiện nay Kho bạc T.Ư  đang xử lý. Các tài liệu liên quan tôi đã gửi Kho bạc T.Ư rồi.

Vậy 9 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng đứng tên ông là từ nguồn nào?

Cái đó là anh tôi đang nhờ mua nhà dưới này. Ông ấy đã đặt cọc 50 triệu đồng rồi.

Cụ thể là mua loại nhà gì và ở đâu thưa ông?

Mua căn hộ chung cư...ở Văn Quán ( thị xã Hà Đông tỉnh Hà Tây).

Có nghĩa là đó là số tiền của anh trai ông nhờ mua nhà nhưng sau đó không mua nên ông đã gửi tiết kiệm?

Không, vẫn mua nhà đấy chứ. Bây giờ đã ký đặt cọc rồi và sau thì phải rút ra để mua.

Vậy sao ông lại đem số tiền đó gửi tiết kiệm cả?

Vì ở trên đó (anh trai ông Thường ở Sơn La-PV), ông ấy gom dần và gửi cho tôi để tôi chuẩn bị sau đó anh ấy xuống sau.

Vậy tổng số tiền mà anh trai ông gửi ông là bao nhiêu và ông đã rút số tiền tiết kiệm nào chưa?

Đợt tới này sẽ rút. Vì ông ấy mới “tìm” được nhà, còn ý định có từ lâu rồi nên cứ gửi tiền về dưới này khi nào tìm được đất thì mua.

Vậy thì ông đã hỏi được mảnh đất nào chưa?

Tôi đã tìm được rồi, đặt cọc rồi.

Vậy giá mảnh đất đó là bao nhiêu?

Là....Tôi đã đặt cọc 50 triệu đồng. Nó là cái nhà liền kề mà.

Thưa ông trong số sổ tiết kiệm đứng tên ông, sổ có số tiền nhiều nhất là 362 triệu đồng, sổ ít nhất là 100 euro, chẳng nhẽ anh trai ông lại gửi tiền rải rác đến 9 lần và 100 euro cũng chuyển để ông phải đi gửi tiết kiệm?

>> Hà Tây: Giám đốc Kho bạc tỉnh “đánh rơi” 1,4 tỷ đồng

>> Ai đã “biếu” 22 phong bì cho GĐ Kho bạc tỉnh Hà Tây?

Có nghĩa là anh trai tôi phải gom, gom dần.

Tóm  lại số tiền đó ông chỉ là người đứng tên hộ?

Vâng, tôi chỉ đứng tên giữ sổ thôi. Khi nào tìm được đất dưới này thì mua.

Đây là số tiền lớn, vậy khi đi gửi tiết kiệm ở ngân hàng ông có bàn bạc với vợ ông?

Có bàn bạc và vợ tôi cũng biết.

Nhưng có nguồn tin cho rằng đây là “quỹ” riêng của ông, sở dĩ đứng tên ông và cất số sổ này tại cơ quan là để ông giấu vợ?

Không phải như vậy đâu anh ạ. Cái này nhà tôi biết cả.

22 phong bì gần 100 triệu đồng: Anh em thương nên cho tôi vay (?)

Thưa ông ngoài 9 sổ tiết kiệm còn có 22 phong bì có ghi số tiền lên đến gần 100 triệu đồng ông giải thích gì về số phong bì này? 

Từ năm 1998 tôi bị nang nước u gan. Tôi vẫn còn đầy đủ bệnh án. Bệnh càng ngày càng nặng, thấy vậy anh em tốt người ta thương tôi nên cho tôi vay mượn, hỗ trợ. Còn nếu tôi có ý đồ gì thì chẳng bao giờ tôi ghi số tiền lên phong bì.

Có nghĩa là những phong bì này là do anh em cho ông vay?

Anh em cho tôi vay và cho tiền vào phong bì.

Số tiền này ông được mọi người cho vay từ khi nào?

Từ năm 2002.

Nghịch lý là trong khi ông có rất nhiều tiền gửi tiết kiệm thì lại phải đi vay nhân viên?

Tiền gửi là thời gian vừa rồi mới gửi, năm 2005 cơ mà.

Vậy chi phí chữa bệnh của ông hồi đó là bao nhiêu?

Tôi định sang Trung Quốc chữa bệnh, nhưng anh em nói nếu có chữa nó lại tái phát nên thôi. Nên tôi không đi chữa nữa.

Như ông nói thì đây là số phong bì nhân viên của ông cho ông vay, nhưng trên nhiều phong bì lại ghi “ Chúc mừng anh”, “ Chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng”...?

Cũng có trường hợp cuối năm, họ đến chúc mừng năm mới một hai trăm. Nên tôi rút ra tôi tiêu. Và sẵn tiền mặt tôi trả lại họ luôn vì tôi không mua thuốc chữa nữa.

Vậy còn những nét chữ ghi số tiền trên phong bì đều là chữ của ông?

Vâng đó là chữ của tôi. Bởi vì tôi ghi để tôi nhớ.

Vụ "đánh rơi" 1,4 tỷ đồng: “Kho bạc T.Ư không cho tôi báo công an” ảnh 2
Những sổ tiết kiệm giá trị 1,4 tỷ đồng này đều đứng tên ông Giám đốc Kho bạc Hà Tây Nguyễn Bá Thường

Thưa ông, hồi đó ông chỉ vay 22 nhân viên của mình hay còn vay ai nữa?

Còn nhiều người nữa. Tổng số tiền lên đến mấy trăm triệu đồng. Và đến nay tôi đã trả rồi.

Dư luận trong ngành kho bạc Hà Tây cho rằng danh sách 22 người đưa phong bì cho ông đều là những cán bộ được ông sắp xếp lên chức, hay luân chuyển? Và nói thẳng đó là tiền hối lộ?

Nói thực với anh là không có chuyện đó.

Nhưng ông có thể lý giải là tại sao cùng lúc ông lại vay tiền của nhiều cán bộ kho bạc tại nhiều huyện, thị của Hà Tây đến vậy?

Đây là anh em thôi mà. Anh em biết tôi và khi thấy thủ trưởng bị ốm thì họ thương tình giúp đỡ.

Việc vay này theo tinh thần tự nguyện hay ông đề nghị vay tiền của cán bộ, nhân viên?

Một số anh em thấy hoàn cảnh nên tự nguyện cho vay. Còn có một số thì tôi hỏi vay.

Vậy số tiền vay của 22 cán bộ này ông đã trả hết chưa?

Tôi đã trả hết rồi.

Kho bạc T.Ư yêu cầu tôi không được báo công an!

Câu chuyện “đánh rơi” tiền của ông xem ra rất ly kỳ, là người trong cuộc ông có thể nói rõ về vụ việc này?

Tôi phải khẳng định rằng tôi không đánh rơi. Những sổ tiết kiệm, phong bì được tôi để tại ngăn kéo trong phòng làm việc từ năm 2002-2003 ( việc cất phong bì-PV). Và tôi không để ý.

Có nghĩa đây là vụ kẻ trộm đột nhập?

Đúng thế. Trộm vào phòng tôi ăn trộm cả phong bì, sổ tiết kiệm và 10 triệu đồng. Số tiền này là tiền đứa cháu trả lại tôi.

Được biết, Kho bạc Nhà nước Hà Tây là nơi được canh phòng cẩn mật vậy mà kẻ trộm lại lọt được vào phòng giám đốc để ăn trộm?

Phòng tôi ở tầng giữa ( tầng 2- nhà 3 tầng). Nên lúc tôi lên tầng 3, lúc tôi xuống tầng 1. Vậy nên đối tượng có ý đồ nó vào ăn trộm. Có thể đối tượng này đã để ý tôi để tài liệu ở đâu. Ngăn kéo thì có khóa nhưng chắc là trộm mở được khóa. Đối tượng này khi tôi hỏi thì nó bảo là nhặt được ở bốt điện. Đây là người trong cơ quan.

Như vậy đối tượng “trộm” đồ của ông là những người rất thân cận với ông?

Thưa anh đó là người ta để ý rồi. Thế còn làm lãnh đạo thì không tránh khỏi việc người ta thù oán.

Vậy thì vấn đề an ninh tại Kho bạc Hà Tây có cần phải rút kinh nghiệm?

Đây là do tôi sơ suất thôi. Vì khi tôi ra khỏi phòng tôi không khóa cửa. Lãnh đạo nhiều  người cũng giống tôi.

Vậy ông phát hiện mất tài sản từ khi nào?

Tôi phát hiện bị mất từ cuối tháng 4/2006.

Nhận định đây là một vụ trộm, vậy ông có báo với cơ quan công an?

Khi mất tôi không báo công an. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ mất sổ tiết kiệm thôi. Nên tôi chỉ báo ngân hàng nơi tôi gửi tiền để họ biết.

Ông khẳng định là bị ăn trộm, nhưng họ lại báo cho ông, vậy động cơ của kẻ trộm là gì?

Làm lãnh đạo thì có những đối tượng thù oán tôi. Đối tượng này lấy của tôi nhưng lại viết thư cho tôi (ngày 28/5/2006) đe dọa và tống tiền tôi.

Cụ thể nội dung của bức thư “tống tiền” này là gì thưa ông?

Đại ý rằng, yêu cầu tôi làm theo ý của họ (chuyển về vị trí công tác cũ vì cán bộ này bị kỷ luật điều chuyển).

Như vậy thì càng có lý do để ông phải báo công an?

Tôi chỉ báo cáo Kho bạc T.Ư và Kho bạc T.Ư bảo rằng không được báo cáo công an việc này để Kho bạc T.Ư có ý kiến.

Thế còn Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tây, ông có báo cáo các cơ quan này?

Tôi không báo cáo mà chỉ báo cáo với cơ quan cấp trên thuộc ngành dọc thôi. Tôi không dám báo cáo nơi nào khác.

Vậy mong muốn của ông giải quyết vụ việc này ra sao?

Tôi đã báo hết với Kho bạc T.Ư, làm kiểm điểm và trên đó đang kết luận. Việc xử lý tùy thuộc vào Kho bạc T.Ư.

Xin cảm ơn ông!

Hạnh Ngân
(thực hiện)

MỚI - NÓNG