Vụ cung cấp nước nhiễm dầu: Thành phố Hà Nội có trách nhiệm liên đới

TP - Liên quan đến việc hàng trăm ngàn người dân Hà Nội nđược cấp nước sách bị nhiễm dầu, nhiều luật sư cho rằng UBND Hà Nội đã ủy quyền cho doanh nghiệp cấp nước cho người dân, vì vậy phải có trách nhiệm liên đới chứ không đổ hết lỗi cho doanh nghiệp. 

Thành phố Hà Nội có trách nhiệm liên đới

Tại Tọa đàm An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức hôm 23/10, Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu vấn đề, Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định công tác bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước giao cho doanh nghiệp nước sạch, phía nhà nước có trách nhiệm phối hợp.

“Tôi nghĩ bây giờ phải ngược lại. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến an ninh trật tự, tính mạng sức khỏe người dân nên trách nhiệm bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước trước hết phải là trách nhiệm nhà nước, đơn vị kinh doanh nước sạch phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, cổ phần hóa hoàn toàn như hiện nay nảy sinh nhiều vấn đề. Cụ thể, doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên hàng đầu, tiết kiệm tối đa chi phí. Vì vậy, Cty cung cấp nước sạch nên là một Cty công ích. Nhà nước phải chi phối và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích mới phù hợp”, ông Hải nói.

Theo kỹ sư Trần Quang Hưng, chuyên gia ngành nước, nhiều dòng sông lớn ở nước ta đều khởi nguồn từ nước ngoài như sông Hồng, sông Đà, sông Cửu Long nên việc đảm bảo nguồn nước không chỉ của doanh nghiệp mà còn của địa phương, quốc gia, quốc tế. 

Luật sư Vũ Văn Tính, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải vừa qua, đơn vị cấp nước ký hợp đồng trực tiếp với người dân nên phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, dịch vụ cấp nước là dịch vụ thiết yếu, Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho người dân.

Trong Nghị định 117 quy định việc chính quyền địa phương lựa chọn đơn vị tốt nhất để ký hợp đồng cung cấp nước sạch. Trường hợp này, UBND Hà Nội đã ủy quyền cho doanh nghiệp cấp nước cho người dân, vì vậy phải có trách nhiệm liên đới chứ không đổ hết lỗi cho doanh nghiệp. 

Nhiều lỗ hổng quản lý

Theo chuyên gia Trần Quang Hưng, kế hoạch quốc gia về cấp nước an toàn đã được xây dựng để tạo nên một hệ thống phân phối chặt chẽ từ đầu nguồn đến người tiêu dùng, đảm bảo phát hiện bất cứ nguồn xâm nhiễm nào.

Nhiều địa phương đã làm rất tốt kế hoạch cấp nước an toàn nhưng tại Hà Nội, kế hoạch này chưa thực hiện bài bản, chặt chẽ. Ông Hưng cho rằng, sau sự cố nước sạch sông Đà vừa qua, cần chỉnh lại toàn bộ quy trình từ sản xuất nước đến phân phối nước, đảm bảo 4 vấn đề cho người dân là: Chất lượng nước đáp ứng quy chuẩn, áp lực nước tốt, cung cấp 24/24h và giá cả hợp lý. 

Tại các nước phát triển, cứ 6 tháng một lần, đơn vị cấp nước phải gửi cho khách hàng kết quả phân tích chất lượng nước của cơ quan chức năng. Việt Nam cần tiến tới như vậy. Các nước còn có hệ thống quan trắc online để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra chất lượng nước hằng ngày, hằng giờ.

PGS.TS Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho rằng, hiện nay quy định về kiểm soát nước, cung cấp nước chưa đầy đủ, có lỗ hổng. Việc này cần thải có các quy định chặt chẽ hơn. 

Vụ cung cấp nước nhiễm dầu: Thành phố Hà Nội có trách nhiệm liên đới ảnh 1 PGS.TS Ứng Quốc Dũng: “Chúng ta phải làm chuồng nhanh chóng để không mất thêm bò, không để xảy ra sự cố nữa”
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng),  cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và ban hành luật sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch, quy định cụ thể nội dung bảo đảm an ninh, an toàn và quản lý rủi ro trong hoạt động cấp nước đồng thời phân công, phân cấp quản lý, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp đơn vị cấp nước trong xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp nước liên vùng, liên tỉnh.
Vụ cung cấp nước nhiễm dầu: Thành phố Hà Nội có trách nhiệm liên đới ảnh 2 Luật sư Trương Xuân Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội: “An toàn nguồn nước trước hết phải là trách nhiệm nhà nước, đơn vị kinh doanh nước sạch thực hiện phối hợp”.
MỚI - NÓNG