Vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Xử nghiêm mới giữ được lòng tin

Hàng cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) thay thế cây bị chặt hạ (chụp ngày 22/3/2015). Ảnh: Kỳ Anh
Hàng cây mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) thay thế cây bị chặt hạ (chụp ngày 22/3/2015). Ảnh: Kỳ Anh
Người dân Hà Nội đồng tình với các kết luận của ông Chủ tịch thành phố tại cuộc họp sáng 20/3 về quyết định dừng chặt hạ, thay thế cây. Tuy nhiên, người dân mong muốn lãnh đạo thành phố cần rút ra những bài học sâu sắc và có quyết định xử lý những thiếu sót đã xảy ra một cách triệt để, nghiêm minh.

Tại sao đề án bỏ qua những khu phố mới?

Trước hết cần bàn về chủ trương của việc chặt hạ, thay thế cây. Có lẽ cần nói lại cho chính xác thì đây là ý tưởng đúng, song về quan điểm và chủ trương cụ thể thì còn nhiều vấn đề phải bàn để làm rõ thêm:

Nếu chủ trương này là cho toàn thành phố thì tại sao lại chỉ đề cập đến khu vực có cây xanh đã trồng lâu năm mà không nhắc đến những khu đô thị mới, những đường phố mới, ở đó nhiều nơi không có cây xanh hoặc cây được trồng chiếu lệ, qua quýt trông rất thảm hại. Nhiều cây ở đây trông như một bụi rậm, không thể hiểu là cây gì, nhiều cây cong queo, nghiêng ngả, khô héo nhưng không hề được thay thế. Như vậy chủ trương đề ra chưa thật toàn diện, bỏ quên nhiều khu vực trong thành phố, mà lẽ ra việc trồng lại, thay thế cây xanh ở đây là rất cần thiết, hợp lý, lại ít tốn kém, vừa đón đầu ngay từ lúc cây mới trồng hay trồng lần đầu tiên.

Nói đến chủ trương xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các cơ quan, DN và các tầng lớp nhân dân cho công việc này là không sai với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng lại không thể vin vào lý do xã hội hóa, không phải chi tiền ngân sách mà dù việc làm đó có sai vẫn cho làm, vẫn chiều theo “sự nôn nóng của các nhà tài trợ” để làm cấp tập, ồ ạt, bất chấp dư luận đang phản đối. Về việc ông Phó ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng vì không phải tiền ngân sách nên “Chặt cây ở đường Nguyễn Chí Thanh bằng hình thức xã hội hóa. DN bỏ tiền ra sẽ quyết định làm việc gì phù hợp mục đích” thì thật là sự ngụy biện, bao che cho cái sai và không thấu trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Không chấp nhận kiểu phát ngôn thiếu tôn trọng nhân dân

Cho rằng Nhà nước, các cấp chính quyền có rất nhiều việc, căn cứ theo quy định của pháp luật và chức năng của mình mà tự quyết định, không nhất thiết phải hỏi ý kiến của dân là không sai. Thế nhưng khi chính quyền quyết định và cho chặt hàng loạt cây xanh và người dân không đồng tình, có ý kiến phản ánh, viết thư góp ý thì lại là chuyện khác. Lúc này không phải là việc hỏi ý kiến, mà là chính quyền phải lắng nghe, xem xét ý kiến của dân đã nêu để trả lời và điều chỉnh nếu ý kiến đóng góp là đúng. Không thể chấp nhận cách phát ngôn với một quan điểm không đúng đắn, thiếu tôn trọng dân khi cho rằng “Còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi” của ông Phó ban Tuyên giáo thành ủy lúc nói về thư góp ý của ông Trần Đăng Tuấn. Và để rồi sau đó ông lại thanh minh rằng “… nhiều người không hiểu hết ý của tôi và dẫn lời tôi nói chặt cây xanh không cần hỏi dân. Người dân chỉ nghe vậy thì cho rằng tôi coi thường người dân quá, nhưng thực tế không phải vậy”. Quả thật không thể bình luận được gì hơn nữa!

Khi dư luận đã có nhiều ý kiến phản đối, các nhà chức trách còn khẳng định “Hầu hết nhân dân khu vực thay thế cây đồng thuận, ủng hộ”, nhưng lại không cho biết họ đã điều tra, đã hỏi dân như thế nào, số liệu cụ thể ra sao? Vì sao công bố đó lại ngược với thực tế?

Những quan điểm, cách phát ngôn, cách công bố kết quả thăm dò ý kiến như trên quả thật càng làm cho người dân phản ứng, mất lòng tin vào một chủ trương, một ý tưởng ban đầu rất đúng đắn. Có lẽ đây là bài học sâu sắc cần rút ra đầu tiên.

Phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan

Thứ đến, khi lãnh đạo thành phố đã đưa ra chủ trương, nhưng những người được giao tổ chức thực hiện chủ trương đó đã có nhiều sai lầm về phương thức, biện pháp thực hiện cần phải được nêu lên.

Người dân thủ đô cũng không thể hiểu được vì sao thành phố công bố đây là chủ trương được tiến hành trong 3 năm (2015 - 2017) mà lại được diễn ra ồ ạt trong mấy ngày qua đồng loạt ở nhiều nơi. Và khi có ý kiến của người dân, có nhiều thư góp ý, có nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, họ vẫn làm, càng làm gấp hơn như muốn đây là một việc đã rồi. Chờ đến khi có lệnh của ông Chủ tịch thành phố thì họ mới dừng. Đây là sự nhiệt tình, hăng hái hay là sự “nôn nóng” vì một mục đính gì, có ai biết được ngoài họ. Hàng loạt câu hỏi của các nhà báo đặt ra trong cuộc họp báo chiều 20/3 đang chờ câu trả lời của họ.

Chúng ta thấy gì qua sự việc trên đây. Trước hết đó là lòng dân, là sự yêu mến đầy trách nhiệm, rất đáng trân trọng của người dân thủ đô. Họ biết phân biệt đúng-sai, biết sẵn sàng hy sinh, tuy rất đau xót nhưng không phản đối chặt hạ cây để phục vụ cho các dự án xây dựng công trình ở thủ đô. Nhưng họ cũng rất kiên quyết phản đối khi việc làm không minh bạch, không tính toán hậu quả, không vì lợi ích của thủ đô mà vì những mục đích nào đó.

Nhân sự việc này, người dân thủ đô mong muốn lãnh đạo thành phố cần làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, của một số cán bộ thiếu tôn trọng nhân dân, tham mưu không chuẩn xác, thực hành vội vã, sai sót để lại hậu quả không tốt trong dư luận, Có như vậy mới làm cho lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền thành phố được khôi phục và tăng cường.

Yêu cầu đình chỉ cán bộ liên quan việc chặt hạ cây xanh

Ngày 22/2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ra quyết định thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thời gian qua. Thời gian chậm nhất trong 30 ngày, báo cáo kết quả để UBND thành phố xem xét quyết định. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu GĐ Sở Xây dựng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Thông báo kết luận ngày 20/3/2015, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Yêu cầu GĐ Sở Xây dựng tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ trên để phục vụ công tác thanh tra... (Phi Long- Kim Khánh)
Phải trả lời 21 câu hỏi của báo chí trước ngày 25/3

Thông tin trên do ông Nguyễn Thịnh Thành - Người phát ngôn, Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội - cho biết, chiều 22.3. Theo đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo, yêu cầu trước ngày 25.3, Sở Xây dựng phải trả lời 21 câu hỏi của báo chí về những nội dung liên quan đến việc chặt hạ cây xanh trên địa bàn thủ đô.
Cty Cây xanh đã chặt hạ 239 cây

Theo thống kê của Cty cây xanh Hà Nội, tính đến nay Cty đã chặt 239 cây trên địa bàn thủ đô theo chủ trương của UBND TP.Hà Nội về việc thay thế, di dời, chặt hạ cây xanh. Ban Quản lý dự án duy tu các công trình hạ tầng đô thị tiến hành phân loại củi, gỗ, đường kính cây trên 20cm được gọi là gỗ sau đó tiến hành nhập kho của công ty ở Cầu Diễn. Cty sẽ lập hồ sơ gửi cơ quan chức năng thẩm định giá, khi có kết quả thẩm định, công ty gửi hồ sơ sang công ty bán đấu giá công khai. (Long Huỳnh).
Theo Theo Lao Động
MỚI - NÓNG