Khu vực nuôi cá thôn Nam Sơn (xã Nghi Sơn) sáng 16/9 vắng hoe. Dọc theo thuyền thúng ra vịnh nuôi cá, nhiều chiếc lồng trơ trọi. Gia đình ông Phạm Ngọc Thìn (40 tuổi, ngụ tại thôn Lam Sơn, Nghi Sơn) là một trong những hộ nuôi cá bị thiệt hại nặng nhất khi có tới 18 ô lồng cá chết toàn bộ, thiệt hại gần 5 tấn, ước tính 600 triệu đồng.
Cá tầng đáy chết hàng loạt
Ông Thìn cho biết, gia đình nuôi cá lồng được gần 20 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt như thế này. “Trong sáng 7/9, tôi thăm lồng cá thấy nước biển trong vịnh chuyển sang màu đục. Sang ngày 8/9, xuất hiện một vệt nước có màu đen lẫn màu đỏ, có màng trên nước chảy qua lồng cá thì cá mú, cá vược, cá hồng mỹ… bắt đầu nổi, nhiều con phơi bụng, nhảy tốc lên khỏi mặt nước và sau đó chết hàng loạt”, ông Thìn nói.
Theo ông Thìn, cá mú, cá hồng ở tầng đáy lồng khó bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tảo nở hoa. “Nói cá chết do tảo nở hoa là không đúng. Bởi tảo nở hoa là chỉ một lớp trên bờ mặt nước, còn vệt nước đen có chiều sâu 4 - 5m. Tảo nở hoa phải nở trên diện rộng cả khu vực vịnh chứ sao lại chỉ nổi dọc theo vệt nước lúc có màu đen, lúc màu đỏ?”.
Anh Nguyễn Văn Hùng, thợ lặn có kinh nghiệm gần 20 năm ở thôn Lam Sơn, xã Nghi Sơn cho biết, ngày 7/9, vùng biển ở xã Nghi Sơn đổi màu kỳ lạ. “Thường nước biển trong xanh nhưng hôm đó nước đục có màu lúc đen, lúc đỏ. Từ mặt nước xuống 4 - 5m đen sì, có mùi hôi tanh”, anh Hùng nói.
Lão ngư Trần Quang Luận có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề cá ở thôn Lam Sơn (xã Nghi Sơn) cho rằng: Cá lồng chết là do nguồn nước nhiễm chất độc chứ không phải do thủy triều đỏ hay tảo nở hoa. “Dòng nước chảy vào vịnh hôm đó đặc keo, thoát ra chậm, chảy vào lồng nào là lồng ấy cá chết. Ở đây, thi thoảng vào tháng 7, mưa gió nhiều chỉ có cá giò bị chết bởi thiếu ô xy. Còn năm nay, cá giò không chết mà những giống cá sống tầng đáy như cá mú, cá hồng lại chết”, ông Luận nói.
Anh Nghiêm Văn Thành, công tác ở Văn phòng UBND xã Nghi Sơn, cho biết: “Toàn xã có 66 hộ nuôi cá lồng, 23 hộ có lượng cá chết do có vết nước lúc có màu đỏ, lúc màu đen chảy qua, thiệt hại gần 50 tấn. Các hộ còn lại cá vẫn sống bình thường, ước tính số cá còn lại trên 100 tấn”, anh Thành nói.
Ở Lam Sơn, hiện nay cá vẫn còn chết lác đác. Ảnh chụp trưa 16/9. Ảnh: Quang Lộc.
Cá, ghẹ chết quanh ống xả thải
Theo anh Dũng, việc đánh bắt thủy sản trong vùng đặt ống xả thải cho thu nhập cao, lại không phải đánh bắt xa bờ. Nhưng kể từ đầu tháng 9 vừa qua, ở vùng chỗ ống xả thải phát hiện một dải nước đen bất thường, có mùi hắc khó chịu và nổi váng. Sau đó, các ngư dân trong xã đánh bắt được rất nhiều cá, cua, ghẹ nhưng đều yếu hoặc đã chết. “Có nhiều hôm mình kéo lưới được cả tạ cá, ghẹ.
Nhưng chết hơn nửa. Số còn sống mang lên thuyền một lúc cũng bị chết phải đổ lại giữa biển. Từ ngày 13/9 đến nay, đánh bắt xung quanh ống xả thải không còn có nhiều thủy sản. Những vùng xung quanh chạy thuyền cả ngày cũng chỉ được vài cân không đủ tiền dầu”, anh Dũng chia sẻ.
Cạnh nhà anh Dũng, Lê Văn Thắng cũng cho biết, trước đánh cá trên vùng biển đặt ống xả nhiều hôm anh trúng đậm. “Nhưng từ đầu tháng 9 đến nay, số hải sản chết nhiều lắm bởi nước vùng biển có màu bầu ngô (theo ngư dân đây là màu biển độc – PV), mùi thối và có váng. Những loài sống ở tầng đáy như cá chai, cá mú, ghẹ và cua đá đều có hiện tượng chết. Ngư dân đánh bắt lên, chọn những con sống mang về còn lại vứt xuống biển”, anh Thắng nói.
Theo anh Thắng, lúc đầu ngư dân sợ không bán được hải sản nên không thông báo chính quyền. Về sau, cá trôi dạt vào bờ nhiều sợ nên mới nhờ chính quyền địa phương nhờ các cấp can thiệp. “Bảo số cá chết hàng tạ là không đúng, bởi thực tế chúng tôi ước lượng cá chết trên vùng biển Tĩnh Hải là hàng tấn. Nhưng cá chết tầng đáy nên chỉ một lượng nhỏ nổi trên mặt nước và bị sóng đánh vào bờ. Hiện giờ, nguồn hải sản đánh bắt hầu như không còn. Nhiều ngư dân đang treo lưới”, anh Thắng nói.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Tĩnh Hải, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có một đường ống xả thải ngầm nối từ nhà máy ra biển dài 2km và cách mặt nước biển 11m.
Trước thời điểm cá lồng ở xã Lam Sơn chết ồ ạt, từ ngày 4 – 7/9 xã Tĩnh Hải, người dân đã trình báo việc khi đánh cá ven bờ (phía sau dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cách bờ biển 300-500 m), chỗ ống xả thải họ phát hiện một dải nước đen bất thường.
Sau đó, một số loài hải sản như cá bơn, thèn, ghẹ, cua… sống trong môi trường tự nhiên chết ồ ạt. “Hiện cơ quan chức năng đã về lấy mẫu kiểm tra. Nhưng hôm lấy mẫu, vệt nước ô nhiễm không xuất hiện rõ”, bà Nga nói.