Cá chết hàng loạt tại Thanh Hóa do hiện tượng tảo nở hoa

Cá chết hàng loạt tại Thanh Hóa do hiện tượng tảo nở hoa
TPO - Theo kết quả điều tra ban đầu của ngành chức năng Thanh Hóa thì hiện tượng cá lồng và cá tự nhiên chết tại huyện Tĩnh Gia là do hiện tượng tảo nở hoa.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, trong các ngày 5/9-6/9, ngư dân xã Tĩnh Hải, khi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần bờ phía sau Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cách bờ biển từ 300 – 500 mét, phát hiện một số loài hải sản (cá bơn, cá thèn, ghẹ…) bị chết bất thường và trôi dạt vào bờ (khoảng 100 kg).

Khoảng 7h ngày 8/9, tại khu vực nuôi cá lồng của nhân dân xã Nghi Sơn cũng xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng quẫy nước mạnh và chết rất nhanh với số lượng lớn, xảy ra đồng thời ở các lồng nuôi, trong đó có nhiều lồng nuôi bị chết hoàn toàn.

Số lượng cá chết gần 50 tấn, gồm cá mú, hồng, vược ( 21/66 hộ nuôi có cá lồng chết). Sau đó, ngành chức năng đã hướng dẫn nhân dân di chuyển số lồng cá không bị chết ra xa khối nước có màu nâu đỏ, thu gom số cá chết tiêu hủy.

Cũng trong ngày 8/9, tại khu vực biển thôn Bắc Yến, xã Hải Yến, người dân lại phát hiện tình trạng cá tự nhiên bị chết trôi dạt vào bờ (khoảng 200 kg). Ngày 9/9, khối nước có mầu nâu đỏ đã trôi dạt vào bờ và không còn hiện tượng cá lồng bị chết.

Theo ngành chức năng, các loài cá tự nhiên bị chết hầu hết sống ở tầng đáy; các loại cá nuôi lồng thường là loại có sức chống chịu rất tốt, có khả năng thích ứng với môi trường thay đổi. Qua kiểm tra cho thấy, có hiện tượng cá tự nhiên chết rải rác trôi nổi trên biển; chất lượng nước biển trên tuyến khảo sát có màu sắc bình thường. Tuy nhiên, tại khu vực cảng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ. Toàn bộ khu vực nuôi cá lồng của xã đảo Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ đậm hơn, nhiều cặn lơ lửng. Hiện tượng này phù hợp với mô tả của ngư dân xã Tĩnh Hải khi đánh bắt hải sản phát hiện được trên biển.

Sau khi lấy mẫu nước gửi Viện TNMT biển Hải Phòng, kết quả phân tích sơ bộ cho thấy mẫu nước lấy tại khu vực cá lồng bị chết có phát hiện loài tảo Hairoi – Ceratium furac nở hoa gây thủy triều đỏ với một độ đạt khoảng 8 triệu tế bào/1 lít nước biển.

Mẫu nước lấy tại khu vực cảng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phát hiện loài tảo Ceratium furca cũng chiếm ưu thế nhưng với mật độ thấp hơn, chỉ đạt khoảng 500.000 tế bào/1 lít nước biển. Bước đầu xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên và cá lồng bị chết là do tác động của loài tảo Hairoi – Ceratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mộ rộng hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa.

Hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân chính đối với vùng biển xã Tĩnh Hải, Nghi Sơn là do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ vào cửa sông ra biển.

Ngày 10/9, tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành chức năng về địa phương kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân làm cá bị chết; hướng dẫn cách xử lý hiện tượng tảo nở hoa…

MỚI - NÓNG