Vụ bé 17 tháng tuổi bị đánh tử vong ở cơ sở không phép: 'Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo quan điểm của luật sư, việc để cơ sở trông giữ trẻ không phép hoạt động trong thời gian dài và xảy ra vụ việc bé trai 17 tháng tuổi bị đánh đập dẫn đến tử vong thì không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng sở tại.
Vụ bé 17 tháng tuổi bị đánh tử vong ở cơ sở không phép: 'Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý' ảnh 1

Nhiều người theo dõi sự việc phía bên ngoài nhà trẻ ở Thường Tín, Hà Nội.

Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc trẻ tử vong sau khi gửi tại cơ sở trông giữ tự phát, không có giấy phép hoạt động gây hoang mang dư luận. Điển hình, là vụ việc bé trai 17 tháng tuổi bị hai bảo mẫu đánh đập dẫn đến tử vong tại cơ sở trông giữ không phép tại huyện Thường Tín (Hà Nội).

Tương tự, tháng 11/2022, một bé gái cũng 17 tháng tuổi tử vong do đa chấn thương, xuất huyết não, phù phổi cấp khi được gửi tại điểm giữ trẻ ở quận 7, TP Hồ Chí Minh. Quá trình điều tra, người phụ nữ trông trẻ thừa nhận đã đánh đập bé gái chỉ vì cháu quấy khóc, không chịu ăn…

Trước các vụ việc trên, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Công ty Luật ICC cho rằng, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc bạo hành trẻ mầm non tại các cơ sở trông giữ dẫn đến hậu quả xấu, nhẹ thì gây thương tích, nặng thì chết người. Có thể thấy rằng, những vụ việc này đa số xảy ra ở những cơ sở tự phát, hoạt động chui, cá biệt mới có trường hợp xảy ra trong những cơ sở hợp pháp.

“Việc để các cơ sở trông giữ trẻ không đủ điều kiện, không được cấp phép hoạt động trong thời gian dài chính là một phần nguyên nhân của sự việc trên” - luật sư Tùng nhận định.

Vụ bé 17 tháng tuổi bị đánh tử vong ở cơ sở không phép: 'Làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý' ảnh 2

Bên trong nhà trẻ nơi các cháu bé được trông giữ.

Luật sư Tùng cho biết, theo quy định, hoạt động trông giữ trẻ được quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập, hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó có điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện đối với người quản lý, giáo viên, nhân viên và nguyên tắc phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, đạt đủ điều kiện mới được đi vào hoạt động.

“Pháp luật cũng quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, UBND cấp xã trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các cơ sở vi phạm như: nhắc nhở bằng văn bản; xử phạt hành chính theo quy định hiện hành; tạm ngừng công tác của cá nhân, cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc tạm ngừng hoạt động giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục; đình chỉ hoạt động hoặc giải thể; kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Tùng cho biết.

Theo luật sư Tùng, việc xử lý vi phạm, buộc chấm dứt hoạt động nhưng không có biện pháp giám sát, để các cơ sở giáo dục mầm non không đủ điều kiện hoạt động chui trong thời gian dài sau khi bị xử lý dẫn tới hậu quả đáng tiếc như vậy rõ ràng không thể thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý giáo dục, UBND cấp xã…

“Đối với các điểm trông giữ trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động thì khi phát hiện có thể treo biển không đủ điều kiện để người dân có thể nắm được với mục đích cảnh báo” luật sư Tùng nói và khuyến cáo các phụ huynh gửi trẻ cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ, yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện hoạt động, giấy tờ pháp lý của cơ sở trước khi gửi con để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

"Đây là nhóm trẻ tự phát, tự lập không đảm bảo cho lớp học, không có camera giám sát... Là khe hở trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến các nhóm trẻ, nhà trẻ tự phát, do đó các bậc phụ huynh có con nhỏ nên gửi các cháu đến các nhà trẻ đủ điều kiện trông giữ và nuôi dạy" - Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết về vụ việc bé trai 17 tháng tuổi tử vong tại nhà trẻ trên địa bàn.

Phần lớn là những người không được đào tạo

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, phần lớn các vụ việc giáo viên xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em là những người không được đào tạo bài bản hoặc xảy ra ở các cơ sở giáo dục tư thục, tự phát thiếu sự quản lý của Nhà nước.

Trong khi đó, người trông trẻ thường là những người chuyển ngành, trái ngành hoặc không có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, không được đào tạo bài bản. Đây là hạn chế của công tác quản lý giáo dục trong thời gian qua ở một số địa phương.

Do đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động giáo dục để kịp thời phát hiện ra các cơ sở giáo dục chui, hoạt động không đúng pháp luật, các giáo viên, cán bộ, nhân viên không có bằng cấp chứng chỉ phù hợp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.