Trong bài báo đăng tải ngày 24/10, tờ The Guardian của Anh nhận định: “Thông tin chi tiết về vụ 39 người tử vong trong xe container ở Essex vẫn khá thưa thớt, nhưng chúng thật khắc nghiệt và gây sốc.
Điều quan trọng nhất ở thời điểm này, là xác định danh tính các nạn nhân, và lắng nghe câu chuyện của cuộc đời họ. Họ đã bước lên container một cách tự nguyện hay bị cưỡng ép? Ai đã đưa họ lên container? Họ đến Essex bằng con đường nào? Họ là nạn nhân của đường dây buôn người, hay là những người nhập cư bất hợp pháp?
Đây không phải là vụ người nhập cư tử nạn trong container đầu tiên. Cũng không phải là hình thức nhập cư trái phép duy nhất được áp dụng trên thế giới. Buôn người là một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu mới.”
“Đây là một vấn đề quốc tế”, Guardian nhấn mạnh. “Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Nếu chính sách bảo vệ biên giới đồng nghĩa với việc mọi người sẽ phải chui vào các thùng container đông lạnh để vượt biên, thì bản thân chính sách ấy cũng là một phần của vấn đề.
Tất cả chúng ta, và chính phủ Anh, nên tự hỏi mình có phải chịu trách nhiệm về việc nước Anh trở thành nơi dừng chân cuối cùng của một chiếc xe tải chứa đầy thi thể hay không.”
Ngày 26/10, tờ Gulf News của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đăng tải bài viết có tiêu đề “Cần ứng dụng công nghệ cao để ngăn chặn buôn người”.
Bài viết có đoạn: “Những tên tội phạm vận hành đường dây buôn người gần như không quan tâm đến số phận các khách hàng của mình. Những bi kịch, chẳng hạn như cái chết của 39 người ở Essex, được những kẻ buôn người coi là “rủi ro chấp nhận được”.
Bằng cách hoạt động xuyên biên giới, các băng đảng có thể trốn tránh sự chú ý của cơ quan thực thi pháp luật địa phương. Việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả hơn của cộng đồng quốc tế.
Những cái chết gây ra bởi tình trạng nhập cư bất hợp pháp luôn là những cái chết có thể ngăn chặn được.
Đáng buồn tay, vì vốn được coi là một ngành công nghiệp sinh lời, việc đưa người vượt biên trái phép vẫn sẽ tiếp diễn.”
Tờ Washington Post (Mỹ) cho biết nước Anh – trong những năm gần đây – đã tăng cường an ninh tại các điểm tiếp giáp biên giới. “Đây có thể là lí do khiến tài xế lái chiếc container chở 39 người lựa chọn con đường ngoằn nghoèo hơn, và trong trường hợp này, là con đường chết chóc.”
“Các chuyên gia về vấn đề nhập cư đổ lỗi cho chính sách của châu Âu, mà theo họ, đã bóp nghẹt đường di cư, buộc người dân phải đặt số phận của mình vào tay những kẻ buôn người bất chấp nguy hiểm.”
Tờ Sunday Times của Anh gọi thảm kịch này là “lời cảnh tỉnh”, và cho rằng luật chống nô lệ sẽ không hiệu quả nếu biên giới Anh không được kiểm soát nghiêm ngặt.
Trong khi đó, tờ Observer (Anh) cảnh báo nước này có thể sẽ bị loại khỏi đơn vị chống buôn người ở châu Âu một khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).