Trong những năm qua, bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL nhằm phát huy các thế mạnh vốn có của vùng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại tại vùng ĐBSCL đã có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, khu chăn nuôi tập trung, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ, phát triển giao thông, thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư trở lại phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và mọi mặt của đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đến ngày 30/6/2016, huy động vốn của cả vùng ước đạt 350.038 tỷ đồng, tăng 9,93% so với 31/12/2015. Tín dụng cho khu vực cũng tăng trưởng đều qua các năm, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đến 30/6/2016 ước đạt 397.991 tỷ đồng, tăng 3,39% so với 31/12/2015, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ tại khu vực ĐBSCL tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực. Một số sản phẩm chủ lực của vùng cũng được đầu tư thỏa đáng, tín dụng lúa gạo tăng 10,5%, thủy sản 4,31% so với 31/12/2015.
Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân khu vực ĐBSCL. Đến nay hơn 2 triệu khách hàng đang được vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng CSXH với dư nợ vay đạt 25.972 tỷ đồng, tăng 2,87% so với 31/12/2015, chiếm trên 17,6% tổng dư nợ cho vay toàn quốc của Ngân hàng CSXH. Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách đã góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội cho con em đi học, đi xuất khẩu lao động, tăng thu nhập cho gia đình, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực.
7 tổ chức tín dụng tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng, trong đó 16 hợp đồng tín dụng tiêu biểu với số tiền gần 10.000 tỷ đồng sẽ được ký kết tại Hội nghị. Điều này, thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng với ĐBSCL trong việc đẩy mạnh cho vay, đầu tư tín dụng để các địa phương khu vực này.