Vốn phải chảy chỗ tốt

Vốn phải chảy chỗ tốt
TP - “Cần nhiều giải pháp để kích cầu tín dụng, nhưng các ngân hàng không nên giảm chuẩn cho vay mà thay vào đó cần đơn giản hóa thủ tục. Tín dụng thấp nhưng đã chảy vào những chỗ tốt hơn”- TS Cấn Văn Lực khẳng định.

Con số 3,68% trong tăng trưởng tín dụng 7 tháng vừa qua được dư luận chung nhìn nhận là thấp. Còn ông thấy sao về sự thấp đó?

 
Con số 3,68% của 7 tháng đầu năm, theo tôi là thấp so với cùng kỳ năm ngoái là 4,7%. Tuy vậy, cũng phải sòng phẳng là tín dụng thấp nhưng đã “chảy” vào những chỗ tốt hơn như 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì đều tăng trưởng từ 5-12%. 

Như vậy có thể thấy chúng ta đã hạn chế vốn đi vào những chỗ rủi ro, đồng vốn đi đúng chỗ, hiệu quả hơn. Xu hướng tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước, chứng tỏ nền kinh tế đâu đó cầu tín dụng đã nhúc nhích “bò” lên.

Vậy theo ông năm nay liệu tăng trưởng tín dụng có cán đích 12-14% như dự định hay không?

Quan điểm của tôi 12-14% là định hướng chứ không thể tăng trưởng đến con số này bằng mọi giá, không nên chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng, bởi nợ xấu đang được xử lý nhưng còn chậm và lại có dấu hiệu tăng lên (từ 3,76% cuối tháng 2/2014 lên đến 4% toàn ngành vào cuối tháng 5/2014). 

Cùng đó, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào ngoại tệ, nội tệ không đáng kể, nên muốn đẩy tín dụng những tháng cuối năm thì phải đẩy nội tệ ra nhiều hơn, đặc biệt là cho vay ngắn hạn, vì thời gian qua, các ngân hàng chủ yếu cho vay trung - dài hạn. Và cuối cùng, tín dụng cần tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực đang được ưu tiên.

Theo ông, để tháo gỡ những khó khăn này, ngành Ngân hàng cần phải làm gì?

Để những tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng được tốt hơn (tôi ước tính con số cả năm khoảng 10%), chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề như: đồng bộ về chính sách liên quan để giúp doanh nghiệp giảm thiểu hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường, tăng niềm tin và đầu tư mạnh mẽ hơn; xử lý nợ xấu…và xử lý triệt để vướng mắc pháp lý của một số gói, như gói 30.000 tỷ đồng, đẩy nhanh gói cho vay thủy sản… 

Cần tiếp tục nắn dòng tín dụng vào chỗ hiệu quả hơn; Và cuối cùng, các NHTM cần tích cực cải tiến, đơn giản hóa thủ tục trong cấp tín dụng; tuy nhiên, giảm thủ tục không đồng nghĩa với giảm chuẩn cho vay.

Có ý kiến cho rằng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hơn nữa, cần giảm lãi suất. Ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất cho vay hiện nay?

Chúng ta đã hạn chế vốn đi vào những chỗ rủi ro, đồng vốn đi đúng chỗ, hiệu quả hơn. Xu hướng tăng đều qua các tháng, tháng sau cao hơn tháng trước, chứng tỏ nền kinh tế đâu đó cầu tín dụng đã nhúc nhích “bò” lên.

TS Cấn Văn Lực

Lãi suất cho vay đang ở mức khá thấp so với trước đây, tương tự thời kỳ cách đây 8 năm (2005-2006). Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều cho rằng lãi suất không phải là yếu tố cản trở tăng trưởng tín dụng; điều doanh nghiệp quan tâm nhiều đến thủ tục cho vay, đặc biệt liên quan đến tài sản đảm bảo, hồ sơ vay vốn. 

Vấn đề này, bên cạnh việc các ngân hàng cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay, cần có sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, địa phương trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến đất đai, tài sản đảm bảo, công chứng, thuế...

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG