Bàn cách tiếp vốn cho miền Trung

Phải có vốn mồi đi kèm tiếp vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: M.Hà
Phải có vốn mồi đi kèm tiếp vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: M.Hà
TP - “Phát hành trái phiếu miền Trung, xây dựng Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp các tỉnh này, cấp bù lãi suất các khoản vay đầu tư với mức lãi suất từ 3-5%/năm; hỗ trợ nguồn vốn dài hạn với giá hợp lý, để ngân hàng hòa chung với nguồn vốn phục vụ cho vay DNVVN…” - là những đề xuất được nhà băng, doanh nghiệp và các chuyên gia “hiến kế” khi bàn về phát triển kinh tế miền Trung.

Phải có vốn mồi 


Theo PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện Kinh tế Việt Nam, cho dù đến nay, 9 tỉnh Duyên hải miền Trung đã “tự nguyện liên kết” với nhau, và làm được khá nhiều việc, song cũng như cả nước, miền Trung vẫn chưa có một thể chế chính thức, chính danh nhà nước để tổ chức, điều hành quá trình liên kết phát triển vùng một cách hiệu quả, trên cơ sở một quy hoạch phát triển vùng tốt - theo nghĩa có tầm nhìn chiến lược bảo đảm kết hợp tối ưu lợi ích phát triển của các chủ thể tham gia. 

Bàn về giải pháp vốn cho doanh nghiệp miền Trung TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhìn nhận: với các điều kiện tự nhiên phát triển kinh tế biển như du lịch, cảng biển hiện nay của các tỉnh miền Trung cùng nhu cầu khao khát phát triển hạ tầng của chính các tỉnh, đây chính là thời điểm thuận lợi nhất để thu hút vốn mở rộng đầu tư.

“Nhà nước có thể tính đến phát hành trái phiếu miền Trung chẳng hạn. Nếu phát hành được trái phiếu với những dự án hiệu quả thì giai đoạn này sẽ thu hút được vốn rất lớn cho miền Trung, trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng; hai là khi có cơ sở hạ tầng tốt thì các nhà đầu tư mới vào mạnh, kể cả cảng biển, ví dụ như cảng Lý Sơn, nếu có cảng tốt thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ vào. Chúng ta không thể kêu gọi các nhà đầu tư khi không có đường đi. Đấy là một điều rất đơn giản nhưng lâu nay chúng ta không làm”- ông Hưởng nói.   

Một vấn đề nữa, theo ông Hưởng, Nhà nước phải có chính sách đột phá. Trong giai đoạn hiện nay, trong lúc chưa huy động được nguồn vốn từ trái phiếu, công trái thì Chính phủ có thể đứng ra bảo lãnh một số dự án kinh tế thông qua Bộ Tài chính, kể cả dự án an ninh quốc phòng để các ngân hàng mạnh dạn rút vốn ra đầu tư. 

“Việc bảo lãnh của Chính phủ chỉ là một đòn tâm lý để làm vững chắc niềm tin của các nhà đầu tư và các ngân hàng, thế thì mới khơi thông được dòng vốn ở miền Trung này. Nhờ đó, các ngân hàng sẽ không còn kinh doanh đơn thuần mà phải nghiên cứu các sản phẩm chuyên biệt cho miền Trung”- ông Hưởng nhấn mạnh và đơn cử ví như ở các vùng biển (Lý Sơn chẳng hạn) nếu như có những con đường lớn ra biển, đảo thì các ngân hàng sẽ nghĩ ngay đến việc đầu tư vào tàu du lịch, và nếu có cảng biển thì sẽ đầu tư vào những vùng resort, những bãi tắm, những khách sạn 5 sao ở các đảo. Cho nên phải có vốn mồi và có cơ sở niềm tin, cơ sở kinh tế cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và ngân hàng.

Tiếp vốn trực tiếp cho doanh nghiệp

Theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Vietinbank, kết quả thống kê cho thấy hiện chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí vốn rất cao và các DNNVV miền Trung cũng nằm trong tỷ lệ này. 

Liên quan đến câu chuyện đưa vốn vào nền kinh tế mà cụ thể ở đây là dành cho miền Trung, ông Thọ nhấn mạnh: “Phải tạo cơ sở để miền Trung là “đất lành” cho các DN kinh doanh, phát triển ổn định, lâu dài tại địa phương. 

Ngoài ra, NHNN có thể xem xét để ban hành các chính sách hỗ trợ NHTM như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái cấp vốn… nhằm tạo điều kiện có khoản vốn ưu đãi để NHTM sử dụng cho vay DNVVN, đặc biệt là các NHTM có tỷ trọng dư nợ cho vay đối với đối tượng này cao”.

Đề cập đến khó khăn của các DNVVN tại miền Trung, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Rào cản lớn nhất của đại bộ phận DN khu vực tư nhân là thiếu tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp đủ điều kiện tiếp cận tín dụng.

Để thúc đẩy các DN khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh, hạn chế “tín dụng đen” cần khắc phục tâm lý e ngại, tình trạng thiếu hiểu biết của một bộ phận DN. Theo đó, có thể xem xét lập Trung tâm dịch vụ tín dụng thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với TCTD.

TS Vũ Đình Ánh
Trong khi chờ đợi các quy định mới thuận lợi hơn cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng thì giải pháp phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng là cứu cánh cho không ít doanh nghiệp vượt qua trở ngại về tài sản đảm bảo tiền vay. “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên đi đầu trong tạo điều kiện phát triển Quỹ bảo lãnh tín dụng cả về quy mô, phạm vi hoạt động cũng như giảm gánh nặng về phí bảo lãnh cho các DN trên địa bàn”- ông Ánh nói. 

“Chừng nào miền Trung, với vị trí và chiều dài tạo thành “xương sống quốc gia” hay “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”, chưa “cất cánh” thì cả nước, với hai động lực phát triển hai đầu - Bắc bộ và Nam bộ, dù có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là “đầu tàu” mạnh, cũng chưa thể bay lên thật sự. Phải dành cho công cuộc phát triển miền Trung một sự quan tâm đúng tầm, đúng cách” - PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.