ĐB Dương Trung Quốc
Thời điểm chưa thuận
Đại biểu Quốc nói: Dự án trình Quốc hội (QH) đã được chỉnh sửa, bổ sung và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã đặt ra nhiều vấn đề. Thực ra, bàn về một công trình có quy mô rất lớn là bài toán không đơn giản.
Theo cá nhân tôi, dự án này đưa ra không thuận lợi còn ở chỗ vì chúng ta đã để mất niềm tin khá nhiều, ai cũng nghi ngờ tính khả thi của nó. Đành rằng sự phản biện về mặt khoa học là cần thiết, song vấn đề niềm tin còn cần thiết hơn nhiều.
Đã đến lúc, người dân phải thấy rằng những thẩm định, quyết định về dự án có cơ sở khoa học và thực sự trong sáng. Vì cũng rất đơn giản, khi nói đến việc giải tỏa đất, người ta sẽ nghĩ ngay đến sự thiệt thòi đối với nhóm này nhưng lại có lợi cho nhóm lợi ích kia. Cho nên, phải làm sao nâng cao được lòng tin của mọi người đối với dự án, có lẽ đây cũng là vấn đề chung của xã hội chúng ta hiện nay.
Lòng tin như ông nói, có phải là lòng tin hiệu quả đầu tư của dự án này hay đơn giản chỉ là tâm lý xã hội đối với các dự án đầu tư nói chung?
Có nhiều bài học quá khứ đã lấy đi lòng tin của dân. Ví dụ, câu chuyện vẫn mang tính thời sự là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, ít nhiều làm mất lòng tin. Nên tất cả những lý lẽ đưa ra ấy, từ những con số đến những phương thức thực hiện, huy động vốn… liệu có thuyết phục cử tri hay không? Tôi nghĩ, trước hết chúng ta cần tìm một tổ chức, cơ quan phản biện độc lập, mang tầm vóc quốc tế để thêm những phản biện, thẩm định, để có thể lấy lại được niềm tin.
Không khéo lỡ mất cơ hội
Nếu nhìn với tầm nhìn rộng hơn – và nếu tính cho đến khi hoàn thành giai đoạn 3 (với công suất là 100 triệu lượt khách/năm) và so với các sân bay của các nước trong khu vực hiện nay như Singapore chẳng hạn, ông có nhận xét gì?
“Nếu chỉ nhìn với con mắt của ngày hôm nay thì có thể còn có những bi quan, vì thế cũng phải nhìn với cái nhìn của sự vươn lên, qua bĩ cực thì ắt sẽ có những thay đổi”
ĐB Dương Trung Quốc
Chúng ta so sánh là để phấn đấu chứ không phải để lùi lại. Tại sao Singapore nhỏ, diện tích sân bay bé mà họ làm tốt thế. Đấy là những vấn đề phải tính, rồi chính sách ưu đãi thu hút khách nữa, tức là những thứ nằm ngoài chuyện cái sân bay hữu hình. Và đương nhiên, đánh giá không hay về 2 sân bay quốc tế của ta hiện nay cũng không làm ta nản chí.
Vì cũng có thể nói, ta đầu tư như thế thì không thể nói sân bay có chất lượng cao được. Chúng ta so sánh để phấn đấu, dám vào cuộc cạnh tranh. Vấn đề là ta có cạnh tranh được hay không và đây là câu chuyện của 10 năm nữa chứ không phải của hôm nay!
Và tôi không nghĩ vì đất nước còn nghèo lại đi đầu tư dự án lớn như Sân bay Long Thành mà gọi ngay đó là một sự lãng phí thì hoàn toàn không đúng. Phải phân tích, đặt việc xây dựng sân bay với cả sự thay đổi lớn về kinh tế-xã hội và cả cơ chế. Nếu dự án Sân bay Long Thành đặt trong bối cảnh cơ chế này, tôi nghĩ không nên làm. Còn câu chuyện cho thì tương lai 10 -20 năm nữa, đấy là vấn đề cần xem xét, phấn đấu.
Vì sao ông lại nói với cơ chế này thì không nên làm?
Vì cơ chế quản lý vốn không tốt, để thất thoát nhiều, để tham nhũng. Thậm chí còn có những xung đột về lợi ích với người dân địa phương. Nếu còn những chuyện như thế và chúng ta không thay đổi đồng bộ thì không thể làm ăn được gì, trong đó có sân bay Long Thành, chứ không chỉ nói riêng dự án này. Phải nói đây là bài toán rất khó, cá nhân tôi cũng chỉ bình luận trong khả năng am hiểu của mình, chứ thực sự nếu không cẩn thận có khi lại để mất cơ hội.