Vô vọng tìm nước

Dân thôn 6, xã Cư Né khoan mạch ngang tìm nước.
Dân thôn 6, xã Cư Né khoan mạch ngang tìm nước.
TP - Thời điểm này, nhiều nơi trên Tây Nguyên, nông dân đang cố gắng vét nốt những giọt nước cuối cùng ở các lòng hồ trơ đáy, những giếng sâu hàng chục mét để tưới cho cây trồng và ăn uống, tắm giặt. Có những địa bàn, dù mũi khoan đã cắm sâu vào lòng đất tới hàng trăm mét nhưng vẫn vô vọng.

Vô vọng

Gia đình ông M’Duyên (50 tuổi) trú tại Buôn H’riết, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) đang mổ gà, mổ vịt làm mâm liên hoan tưng bừng vì vừa đào được giếng sâu gần 100 mét, có nước. Thực tế, ở buôn H’riết có gần chục hộ bỏ tiền thuê đào giếng sâu hơn trăm mét, tốn hàng chục triệu đồng mà không được giọt nước nào. Điển hình như hộ anh Ma U (40 tuổi), anh Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi)... Ngồi chung vui với gia đình ông M’Duyên, ông Huỳnh Tấn Thanh, Trưởng buôn cho biết, hiện nay cả buôn đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. “Năm nào cũng hạn. Nhưng chưa có năm nào nước khan hiếm như năm nay. Nước cho sinh hoạt cũng không đủ, chứ chưa nói đến tưới cho cây” - ông Thanh giãi bày.

Con suối Ea Măng cách gia đình ông Hoàng Văn Việt (58 tuổi), trú tại thôn 6, xã Cư Né chừng 500 mét, đã trơ đáy từ lâu. Nguồn nước ở giếng trong rẫy cà phê hơn 1,2 ha của gia đình ông cũng tụt sâu chóng mặt. “Trước năm 90, khi cây cối xanh tốt, suối Ea Măng luôn chảy, nhưng nay dòng suối đã khô queo. Mỗi ngày chúng tôi chỉ tưới được 30 phút để cứu cây”,  ông Việt nói.

“Krông Búk là huyện chỉ có một dòng suối chảy qua. Ngày xưa dòng chảy luôn được đảm bảo do còn rừng. Ngày nay rừng bị chặt phá, mưa xong là hết nước. Ở huyện này, không có các công trình thủy lợi lớn, đây là nguyên nhân khiến nguồn nước ngầm tụt nhanh hơn”.

Một lãnh đạo 

Sở NN&PTNT 

tỉnh Đắk Lắk cho biết

Để chống chọi với nạn thiếu nước kéo dài, người dân thôn 6, xã Cư Né đã có nhiều giải pháp tại chỗ như “gom” giếng của nhiều hộ lại bốc thăm, ai trúng thăm trước sẽ được tưới đầu. Điều hiển nhiên, hộ nào “xui xẻo” bốc được thăm sau cùng có lúc phải chấp nhận nhìn cây “khát” trong vô vọng. Giải pháp nữa được người dân thuê thợ khoan sâu các mạch ngang ở các đáy giếng. Thời điểm chúng tôi đến, giếng ông Việt, ông Nguyễn Văn Hải, anh Nguyễn Tấn Hoàng đang được xuyên thủng hơn 150m. Và độ sâu chưa dừng lại ở đó, do mũi khoan chưa chạm mạch nước. “Mỗi mét khoan được tính 180 nghìn đồng. Có ngày chúng tôi phải trả 1,8 triệu đồng để “vét” những dòng nước sâu “ẩn” trong lòng đất. Hai ngày nay, chúng tôi khoan được trên 250m mà nước vẫn còn yếu quá”,  ông Hải cho biết.

Thôn Ea Mi, xã Ea Sin cách xã Cư Né khoảng 30 km, việc tìm mạch nước ngầm như mò kim đáy bể. Anh Hoàng Văn Dư (35 tuổi), trú tại huyện Cư M’gar “hành nghề” thợ khoan giếng. Anh Dư cho biết, trong vòng gần 2 tháng nay, đây là cái giếng thứ 7 sâu 150m mà vẫn không có nước. “Thức đêm ngày cả tháng nay trong rẫy, hợp đồng với dân sẽ thanh toán 100% chi phí nếu có nước. Còn không thì 50/50. Mọi hôm đặt mũi khoan ở các thôn khác, có mũi cắm sâu gần 160m, gặp phải đá hoa cương phải dừng. Hôm nay đã ngày thứ 4 rồi, khoan được gần 130m rồi mà vẫn chưa có nước. Cầu trời cho giếng này có nước” - anh Dư thở dài.

Có còn hơn không

Buôn Cư Kanh, xã Ea Sin là địa bàn tái định cư từ năm 2004 của đồng bào người Ê Đê theo chương trình 132, 143 của Chính phủ. Đất đai khô cằn, chủ yếu là đất cát, cát pha, nên chỉ canh tác “độc” cây điều. Vì chỉ có giống cây này mới chịu hạn tốt. Người dân cho biết, do đặc điểm của địa hình và thổ nhưỡng nên mưa vừa ngớt, nước tiêu tan trong lòng đất tức thì. Anh Y Trung (36 tuổi) là một trong số ít người may mắn tại buôn tự đào được giếng sâu gần 24m có nước sử dụng được. Thực tế, ở buôn này từ năm 2004 đã được đầu tư khoan giếng, xây bể chứa nước sạch. Thế nhưng, gần hàng chục năm nay giếng đang phơi nắng mưa, bục nát… vì nước nhiễm phèn. Đây cũng là thực trạng chung của toàn buôn. “Khoan một cái giếng mất 20 đến 30 triệu đồng, nhưng có nước cũng không dùng được. Gia đình tôi vừa mới đào được 3m gặp đá bằng nguyên khối là phải dừng lại. Việc đầu tư làm giếng vừa tốn tiền, lại không hiệu quả” - bà H’Liêng Niê (54 tuổi) cho biết.

Vô vọng tìm nước ảnh 1

Nhiều diện tích cà phê chết cháy.

Tại các hệ thống sông suối ở xã Ea Sin đã khô kiệt. Người dân ở buôn Cư Kanh và 3 thôn buôn khác sử dụng chung nguồn nước ở đập Ea Truôl. Tuy nhiên, nguồn nước ở đó không đảm bảo vệ sinh. “Hoàng hôn về, người dân ở 4 thôn buôn gồm già trẻ gái trai tập trung ra đập để tắm giặt, sau đó dùng can, bình chở nước đưa về nhà nấu cơm. Nước đục ngầu, biết là không đảm bảo vệ sinh… nhưng có còn hơn không”, bà H’Liêng Niê than thở.

Ông Y Răng Niê Phó chủ tịch UBND xã Ea Sin cho biết, toàn buôn Cư Kanh đã làm được 3 giếng khoan, nhưng không sử dụng được do chất lượng nước không đảm bảo. “Người dân đang sống chung với hạn phải đi lấy nước xa. Địa bàn buôn này nằm ở vị trí không được thiên nhiên ưu đãi, theo tôi, nếu có hỗ trợ kinh phí, triển khai xây dựng các bể chứa nước dung tích lớn trữ nước vào mùa mưa, hoặc triển khai hệ thống xử lý nước nhiễm phèn” - ông Y Răng Niê cho biết.

Hạn chưa từng có

Ông Mai Trọng Dũng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nhận định, hạn hán đang diễn ra khốc liệt và chưa dừng lại ở con số thiệt hại. So với cùng kỳ trung bình của nhiều năm, nước ở các sông suối ở Đắk Lắk đang duy trì ở mức rất thấp chỉ bằng 50  đến 70%. Trong tổng số 770 công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ (tổng dung tích khoảng 630 m3), cùng với 56 trạm bơm, 115 đập, tổng lượng nước nay chỉ còn khoảng 145 triệu m3. 109 hồ chứa vừa và nhỏ nay đã cạn kiệt hoàn toàn (năm 2015 là 70 hồ). Thống kê đến đầu tháng 4/2016, toàn tỉnh có trên 26 nghìn ha cây trồng bị hạn, thiệt hại ước tính khoảng 602 tỷ đồng. Có khoảng hơn 15 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt (năm 2015 là hơn 13 nghìn hộ), tập trung ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Búk, Ea H’leo… “Chúng tôi đã chỉ đạo đến các huyện cần có những phương án ứng cứu cây trồng, bố trí ngân sách dự phòng chống hạn, lắp đặt hệ thống máy bơm tận dụng lượng nước ít ỏi ở các lòng hồ… cung ứng nước kịp thời hạn chế thiệt hại về thiên tai”- ông Dũng nói.

Vô vọng tìm nước ảnh 2

Người dân buôn Cư Kanh lọc nước nhiễm phèn.

Ở Đắk Nông, hạn hán vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Ở các địa bàn xã Đắk Lao, Đắk R’la (huyện Đắk Mil), xã Đắk Ru (huyện Đắk R’lấp) người dân nhọc nhằn kiếm tìm nguồn nước. Ở xã Đắk Lao, nước sinh hoạt của người dân đã không còn, phải đi xin nước cách xa hàng kilômét. Còn ở xã Đắk Ru, hàng trăm hộ dân đang cố gắng “vét” nốt những giọt nước cuối cùng trong lòng hồ Cây Chanh, chờ đợi “thần mưa” sớm ban nước. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, tính đến ngày 1/4/2016 có 157/162 hồ chứa nước dưới mực bình thường, trong đó có 25 công trình hết nước, hoặc nằm ở dưới mức nước chết làm ảnh hưởng đến trên 3,4 ngàn ha diện tích cây trồng.

Tại Gia Lai, hiện có trên 13 nghìn ha bị ảnh hưởng, hơn 7 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt tập trung ở các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Chư Prông… Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 14 nghìn hộ bị thiếu đói. Ở các địa phương đã chủ động bố trí ngân sách mua 238 tấn gạo cứu đói cho hơn 9 nghìn nhân khẩu...   

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong đợt thị sát về tình trạng hạn hán tại các tỉnh Tây Nguyên, đánh giá tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên đang rất nghiêm trọng và còn kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy cần có phương án ứng cứu kịp thời, tránh thiệt hại lớn, đặc biệt không để người dân phải chịu đói, thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh xảy ra. Phó Thủ tướng đồng ý phương án ứng cứu 2.000 tấn gạo cho người dân 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.