Gã là Dũng “hạc”, võ sư môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia, một phái võ đang trên đà mai một.
Quen gã trong một buổi nhậu cuối năm. Ngồi cùng với tất cả anh em võ sư thuộc nhiều môn phái khác nhau ở thủ đô, vớ được một “em” nhà báo, gã như “bắt được vàng”. Gã quay sang nói chuyện văn thơ say mê quên nhậu, khiến bạn bè của gã tỏ ý khó chịu, nhắc nhở tập trung vào “chuyên môn”.
Sinh ra, lớn lên ở nơi buôn bán sầm uất của Hà Nội xưa, phố Hàng Bông, gã từng theo nghề kinh doanh của gia đình, từng học Trung cấp thương nghiệp, để trở thành một người buôn bán bài bản: “Tớ từng lăn qua nửa vòng trái đất mới trở về đây”. “Lý lịch” gã chẳng trong sáng gì: Nhân qua Liên Xô (cũ) du lịch gã “vượt biên” qua Ba Lan, rồi Tiệp, rồi Đức… để kiếm ăn.
Trở về Việt Nam, mở một trong những nhà hàng đầu tiên ở Hà Nội. Cũng thắng. Rồi mở tiếp nhà hàng, vũ trường… thua to. Lăn lộn trong trường đời khiến hắn nghiệm ra chân lý cũ mèm: Trên đời này chẳng có gì quý giá bằng sức khoẻ và trí tuệ. Từ đó gã thôi kinh doanh, thôi bon chen, chuyên tâm chuyên thú vào việc chơi võ. Bởi võ mang đến cho gã sự giàu có về thể chất và tinh thần. Từ chơi võ lại nhảy sang chơi văn.
Ca dao có câu: “Trâu cột thì ghét trâu ăn/Quan võ thì ghét… quan văn dài quần”. “Chơi” hai thứ “đố kị” nhau chẳng biết gã có âm mưu gì? Gã cười: “Chả có âm mưu gì. Với tớ, cái gì cứ sắp đặt âm mưu toàn hỏng. Cứ để mọi thứ đến tự nhiên. Cái gì không phải của mình cố cũng không giành được. Tất cả cần một chữ duyên”.
Cha mẹ đặt cho gã cái tên hay nhưng không độc: Nguyễn Quang Dũng. Giờ hắn tập tành viết văn, xưng là Quang Dũng e người ta sẽ nhầm sang người hào hoa của “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, vốn là chỗ thân quen của Nguyễn Quang Dũng, suy nghĩ một hồi liền tặng hắn biệt danh: Dũng “hạc”, xuất phát từ tên tập tuỳ bút xuất bản năm 2012 của gã: “Bóng hạc về”.
Nguyễn Quang Dũng đặt tên sách là “Bóng hạc về” như sự ngầm báo với thiên hạ về một võ sư lánh thế sự. Gã viết trong những trang đầu của tập tuỳ bút: “Đầu non một dòng nước/Cuối trời một chân mây/Trở về cõi tiêu diêu/Bóng hạc mờ trong gió”. Đời người cuối cùng cũng như bóng hạc chập chờn trong giấc mơ của gã. Một ngày nào đó hạc sẽ bay về hướng Tây, bỏ lại sau lưng tất cả, núi, đồi, sông, suối để chìm vào khoảng không vô định, khói sương. Lợi danh nào có ích gì?
Thất nghiệp, chơi võ, chơi văn
Số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã dâng đến con số ngàn người. Chứng tỏ giữa thời “cơm áo gạo tiền” lên ngôi văn chương vẫn là “trang sức” vạn người mê. Cũng có thể, Dũng “hạc” cần “trang sức”?
Gã bảo: Văn cũng như võ, với gã chỉ là “thú chơi”. Gã đến với văn chương tình cờ. Năm 2007, gã được mời sang Đức để huấn luyện võ. Trước khi đi, phóng viên của một tờ báo tiếng Anh đã nhờ gã ghi chép lại công việc của mình như một phóng sự.
Nể tình anh em, gã làm và nhận được sự khích lệ: Anh có năng khiếu văn chương. Từ đó cứ rảnh rỗi gã lại viết, thấy việc ngồi viết cũng đem lại sự thăng hoa thích thú. Rồi gã ra tập tuỳ bút, gửi truyện ngắn dự thi sáng tác mới trên báo Văn nghệ trẻ, vài truyện được lựa chọn để in đàng hoàng.
Rồi những người bạn hoạt động trong ngành điện ảnh lại “xui”: Viết kịch bản đi, vốn sống dồi dào, không viết thì phí. “Gã” chuyển sang “món” kịch bản. Đã hoàn thành một kịch bản đưa cho Hoàng Nhuận Cầm. Thi sĩ “chấm” kịch bản này nhưng còn đi tìm… nhà sản xuất. Trong lúc chờ đợi nhà sản xuất Dũng “hạc” lại bắt tay viết tiếp kịch bản thứ hai.
Gã tâm sự: “Xem phim võ thuật của Việt Nam mới thấy người ta rất ít kiến thức về võ thuật. Tớ sẽ viết kịch bản về những vấn đề của đời sống có đan xen võ thuật”. Cứ chờ xem, một võ sư có tiếng trực tiếp viết kịch bản liên quan võ thuật có khiến dân tình xem phim ta mãn nhãn như xem những màn võ thuật của Lý Tiểu Long hay không?
Dũng “hạc” luôn khai nghề chính của gã là buôn bán. Bởi đó là truyền thống gia đình. Bước ra khỏi con ngõ nhỏ dẫn tới ngôi nhà kiêm trường dạy võ của gã là “phố phường tấp nập người đông đúc”, mặt phố Hàng Bông chẳng nhà nào không bán bán buôn buôn.
Nhưng gã bây giờ chẳng dây dưa buôn bán, cả ngày chỉ dạy võ và viết lách, đạp xe đi dạo, đến giờ giúp vợ đi đón con. Nếu coi buôn bán là nghề nghiệp chính, thì Dũng “hạc” rõ ràng đang thất nghiệp. Song gã chẳng lấy đó làm buồn, thiên hạ cứ việc tiến lên, còn gã hài lòng với lựa chọn hiện tại. Gã kể hồn nhiên: “Tớ vẫn nuôi đủ tớ, không ăn bám vợ con. Một tháng tớ cũng có sáu triệu đồng thu nhập. Thế là đủ nuôi thân. Sinh hoạt của tớ lành lắm, nên cũng chẳng tốn bao nhiêu”.
Thỉnh thoảng thấy hắn khoe trên facebook đang “độc ẩm”, “mồi” chẳng có gì ngoài mấy miếng đậu phụ và túi lạc rang. Càng thanh đạm thì càng sống khoẻ. Dẫu sao cũng chưa đến mức khuếch đại cái sự thanh bần thành sự lãng mạn giàu có như các nhà nho ẩn dật chán sự đời ngày xưa: “Thu ăn măng trúc/ Đông ăn giá…”.
Võ sư Nguyễn Quang Dũng
“Nếu tớ coi là nghề nghiệp thì tức khắc tớ chui vào danh lợi ngay. Phải chơi mới dám hi sinh vì nó, không trục lợi vì nó”.
Võ sư Nguyễn Quang Dũng
Sẽ có người nói sau lưng: Dũng “hạc” khùng. Gã dạy võ từ nhiều chục năm nay. Nhưng cũng mới lấy học phí của học trò, do phụ huynh học sinh yêu cầu. Trước đây gã dạy võ miễn phí, bởi lẽ: “Ngày xưa tớ học võ có mất đồng nào đâu. Tớ học từ hồi bé, học của anh em. Khi 19 tuổi tớ bắt đầu được học Thiếu Lâm Hồng Gia, do một người anh dạy cho, anh ấy chính là đệ tử ruột của cụ Tô Tử Quang, người truyền bá Thiếu Lâm Hồng Gia sang Việt Nam. Anh em cùng đam mê yêu thích võ nên dạy nhau học, dạy chui lủi”. Gã dành riêng một phòng khoảng 40 m2 ngay giữa phố cổ Hàng Bông để làm nơi dạy võ. (Nhiều người muốn thuê căn phòng này của Dũng “hạc” để mở quán nhưng đều bị gã từ chối).
Nghe trường võ “Thiếu lâm Hồng Gia” thì hoành nhưng lượng học sinh không nhiều, võ đường chính là căn phòng ấy.Khó khăn mọi bề nhưng võ sư vẫn truyền lửa đầy nhiệt huyết. Mới đây, gã quyết định mở cửa võ đường tất cả các ngày trong tuần, học viên có thể đăng ký học vào bất kỳ ngày, giờ nào. Mục đích cuối cùng của Dũng “hạc” không phải để thu học phí, bởi học phí không đáng bao nhiêu, cũng chỉ để Dũng “hạc” đủ nuôi thân ở mức khiêm tốn, gã thật sự lo lắng trước sự mai một của Thiếu Lâm Hồng Gia.
Xưa kia, Hồng Quyền được xem là một trong những môn phái cao nhất của Thiếu Lâm. Trung Quốc chia Thiếu Lâm thành hai “phe”: Bắc phái và Nam phái. Nam phái có câu truyền: “Hồng, Lưu, Thái, Lý, Mạc”, Hồng Gia đứng đầu tiên trong “Ngũ đại danh gia”.
Nhưng hiện nay, ngay tại Trung Quốc, Hồng quyền cũng đã, đang mai một. Năm 2009, chùa Thiếu Lâm, Hà Nam (Trung Quốc), ngôi chùa chính của dòng Thiếu Lâm, đã mời Dũng “hạc” sang giao lưu và huấn luyện. Sau đó, chùa đã gửi học viên sang học tại võ đường của gã nửa tháng.
Võ sư hàng đầu của chùa đã gửi tặng Nguyễn Quang Dũng bức trướng có ghi lời cảm ơn “tiên sinh Nguyễn Quang Dũng” đã gìn giữ và phát triển bộ môn võ cổ của chùa. Chủ tịch Hiệp hội Hồng Gia Quyền thế giới từng sang Việt Nam gặp gỡ Dũng “hạc”. Anh cũng từng được mời sang một số nước Châu Âu huấn luyện võ.
Chơi không toan tính
Chơi võ, chơi văn… và những cuộc chơi trong tương lai của Nguyễn Quang Dũng, tất cả đều bắt đầu từ một chữ: Yêu. Vì yêu mà chơi. “Gã” lý luận: “Nếu tớ coi là nghề nghiệp thì tức khắc tớ chui vào danh lợi ngay. Phải chơi mới dám hi sinh vì nó, không trục lợi vì nó”. Sự chơi mê mải của Dũng “hạc” nhiều phen khiến bạn bè ngỡ ngàng. Vài tháng không gặp nhau, bạn bè tưởng gã “du hí” phương trời nào, ai ngờ “gã” ôm máy tính hoàn thành xong tập tuỳ bút.
Hỏi gã có buồn không khi môn phái của gã dù vẫn được công nhận là võ cổ truyền nhưng không có tên trong những cuộc thi thố tầm cỡ trong nước và ngoài nước. Nếu gã là huấn luyện viên Karate, Penkak silat… gì đó, có lẽ tên tuổi của gã đã vang lừng ngoài giới? Gã gật gù: “Đúng vậy”.
Nhưng lại tranh luận: “Đã coi là cuộc chơi thì không tính toán, nhất là chơi võ. Người xưa chẳng có câu: Giàu thì học võ, khó thì học văn là gì. Võ cho sức khoẻ tinh thần tốt, còn tìm kiếm công danh lợi lộc phải tìm nơi khác”.
Hồng quyền nguồn gốc được đào tạo cho những chiến binh phục Minh phản Thanh, môn võ cần tinh nhuệ để chiến đấu, không phải để khoe vẻ đẹp. Chính vì vậy đòi hỏi người học khổ luyện. Dũng “hạc” chỉ tuyển những học viên từ 16 tuổi trở lên: “Ở tuổi đó các bạn đã có suy nghĩ độc lập. Có thích, có say thì mới theo học được”.
Dạo qua màn ảnh
Nguyễn Quang Dũng cùng võ sư Thích Nghiêm Lộ tổng giáo đầu chùa Thiếu lâm Hà Nam - Trung QuốcDũng “hạc” cũng từng dạo qua điện ảnh, tham gia phim “Lãnh địa đen”, “Đinh Tiên Hoàng Đế”… Gần đây, gã dứt tình với điện ảnh chưa hẹn ngày quay lại. Không phải gã không yêu môn nghệ thuật thứ bảy.Chỉ bởi lẽ, các đạo diễn có thói quen hay mời võ sư vào những vai phản diện, sử dụng bạo lực. Vẫn biết phim ảnh chỉ là đời sống ảo nhưng gã cứ cảm thấy “sao sao” mỗi khi sắm một hình ảnh không ra gì trên phim: “Tớ làm công tác sư phạm, dạy võ cho các em, tớ không muốn trở thành tướng cướp, dù chỉ trên màn ảnh”.
Dạo này, Dũng “hạc” không còn hứng thú với việc lang thang xa. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, “gã” yêu Hà Nội. Ngày ngày đạp xe dạo quanh hồ Tây và chụp ảnh, gã phát hiện: Ở mỗi thời khắc, hồ Tây mang một vẻ đẹp riêng. Từ chơi võ, chơi văn sắp tới gã sẽ chơi ảnh.