Kỳ công 9 năm tìm rùa Hoàn Kiếm thứ hai
Ngày 26/8, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) công bố bức hình chụp hai cá thể rùa Hoàn Kiếm cùng nổi trên mặt hồ Đồng Mô (Hà Nội). “Tuy cần tiến hành thêm các nghiên cứu chuyên sâu để xác định danh tính của cá thể rùa mới này, nhưng kích thước của cá thể rùa thứ hai mang lại niềm tin cho chúng tôi rằng đó là một cá thể rùa Hoàn Kiếm”, đại diện ATP chia sẻ.
Đây là bằng chứng chắc chắn và rõ ràng nhất mà các nhà bảo tồn có được để khẳng định về sự tồn tại của hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô - nơi từng là “vương quốc” của loài rùa này trong quá khứ. Từ năm 2011, các cán bộ thực địa của ATP tin rằng, họ đã nhìn thấy cá thể này nhiều lần. Anh Nguyễn Văn Trọng, tác giả bức ảnh, đồng thời là người hơn 10 năm nay túc trực hằng ngày ở hồ Đồng Mô, từng nói với phóng viên Tiền Phong, có hơn 1 cá thể rùa Hoàn Kiếm sống ở đây. Người dân địa phương cũng tin như vậy, dựa vào kích thước của các vết rách do rùa để lại trên lưới đánh cá.
Tuy nhiên, gần 9 năm qua, dù cán bộ của ATP túc trực hằng ngày ở hồ Đồng Mô, nhưng việc ghi nhận cá thể kia vô cùng khó khăn bởi tập tính hoang dã, bí ẩn của loài rùa Hoàn Kiếm cùng diện tích hồ rộng lớn. Đáng kể nhất là vào ngày 6/8/2018, khi quan sát tại khu vực cấm đánh bắt, gần một bãi đẻ trứng nhân tạo do ATP thiết lập trên hồ, nhóm quan sát của ATP đã nhìn thấy hai cá thể rùa mai mềm cỡ lớn ở cùng một thời điểm, cách nhau khoảng 100m.
Một cá thể được phát hiện và theo dõi từ năm 2008, cá thể còn lại nhỏ hơn ước nặng khoảng 40 kg, đầu có màu vàng nổi bật. Tuy nhiên, không có bức ảnh nào chụp được. Ngay cả công nghệ gene môi trường giúp xác định cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh vào năm 2018 cũng không thể hỗ trợ được trong trường hợp này, do công nghệ gene môi trường mới dừng ở mức phát hiện loài, chứ không phát hiện được cá thể.
Ngày 20/8/2020, khi anh Trọng chụp được bức ảnh hai cá thể rùa Hoàn Kiếm cùng nổi lên. Bức ảnh này cùng những lần quan sát được trước đó gần như có cơ sở để khẳng định đây là cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ 3 ở Việt Nam gồm 2 cá thể ở hồ Đồng Mô và một cá thể ở hồ Xuân Khanh và thứ 4 trên thế giới (Trung Quốc có 1 cá thể rùa tại vườn thú Tô Châu). ATP dự định có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về cá thể rùa mới phát hiện này, gồm việc tiếp tục quan sát cũng như có thể bẫy bắt để xác định loài và giới tính.
Sẽ bẫy bắt rùa Hoàn Kiếm
Đến nay, ngoài cá thể rùa đực duy nhất ở Trung Quốc, được đánh giá là quá già không còn khả năng sinh sản, ba cá thể ở Việt Nam chưa xác định được giới tính.
Cơ quan chức năng cũng như các nhà bảo tồn đang lên kế hoạch bẫy bắt các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh và hồ Đồng Mô. Đây cũng là một phần trong Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030, đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, nhằm ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố.
Theo thông tin của Tiền Phong, việc bẫy bắt rùa đã được lên kế hoạch từ đầu năm 2020, tuy nhiên phải hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các nhà bảo tồn đang hy vọng có thể bẫy bắt 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm trước tháng 10 năm nay, khi hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh bước vào mùa nước lớn nhất trong năm. Trước đó, nhóm các thợ lặn của Viện Nghiên cứu hải sản đã đến khảo sát hai hồ này phục vụ cho việc bẫy bắt. “Chúng tôi đang rất hồi hộp, hy vọng trong 3 cá thể sẽ có cả cá thể đực và cá thể cái. Nếu được như vậy, công cuộc bảo tồn loài rùa này sẽ dễ dàng hơn”, một cán bộ bảo tồn nói.
Hành trình 9 năm tìm cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ hai ở hồ Đồng Mô đã có kết quả, thắp thêm hy vọng khôi phục quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới.