Hôm qua (26/8), Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) công bố bức ảnh chụp cùng lúc 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm nổi lên trên mặt hồ Đồng Mô, một bằng chứng gần như chắc chắn cho thấy có 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm ở đây. Bức ảnh được chụp vào 20/8/2020.
Tuy nhiên, thực ra trước đó, từ năm 2011, cá thể rùa Hoàn Kiếm này đã được ghi nhận. Các ngư dân ở hồ Đồng Mô từ lâu khẳng định có một cá thể thứ hai nhỏ hơn đang sống trong hồ và các cán bộ thực địa của ATP tin rằng, đã nhìn thấy cá thể đó nhiều lần từ năm 2011.
Mới nhất, vào ngày 6 tháng 8 năm 2018, khi tiến hành quan sát tại khu vực cấm đánh bắt, gần một bãi đẻ trứng nhân tạo do ATP thiết lập trên hồ Đồng Mô, nhóm quan sát gồm hai cán bộ giàu kinh nghiệm của ATP đã quan sát được hai cá thể rùa mai mềm cỡ lớn ở cùng một thời điểm.
Cụ thể hơn, khi đang chụp ảnh cá thể rùa Hoàn Kiếm vẫn thường quan sát được thì một cá thể khác nhỏ hơn hơn xuất hiện ở khoảng cách khoảng 50m từ thuyền của các cán bộ quan sát. Khi đó, hai cá thể này cách nhau khoảng 100m.
Nhóm nghiên cứu đã quan sát và ghi nhận được một số đặc điểm của cá thể này như màu vàng nổi bật trên đầu, mũi ngắn và kích thước tương ứng với ước lượng trọng lượng khoảng 40kg. Dù vậy, các cán bộ ATP đã không kịp chụp hình, và cho đến trước ngày 20/8/2020 vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh về sự tồn tại của cá thể này trong hồ.
Thực tế hơn 10 năm qua, từ khi phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm đầu tiên ở hồ Đồng Mô (năm 2008), ATP đã cử các bộ bảo tồn theo dõi hàng ngày trên hồ Đồng Mô để bảo vệ cũng như ghi nhận hoạt động của cá thể này và tìm kiếm các cá thể khác.
Vậy vì sao phải 9 năm mới có căn cứ khẳng định cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ 2 tại đây dù theo dõi thường xuyên? Anh Hoàng Văn Hà, cán bộ thực địa ATP chia sẻ, loài rùa Hoàn Kiếm vốn có tập tính vô cùng hoang dã, bí ẩn, thích ngâm mình hàng giờ dưới nước sâu. Trong khi đó hồ Đồng Mô lại rất rộng nên việc quan sát cực kỳ khó khăn.
Ngay tại hồ Xuân Khanh, nơi có cá thể rùa thứ 2 của Việt Nam được phát hiện bằng công nghệ gene môi trường vào năm 2018, phải mất đến hơn 2 năm, các nhà bảo tồn mới có thể chụp được một bức ảnh về cá thể này.
Thực tế không chỉ tại hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh nhiều khu vực khác cũng từng có thông tin về sự tồn tại của những cá thể rùa Hoàn Kiếm khác như hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội). Loài rùa này từng ghi nhận sự tồn tại ở một vùng rộng lớn các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chưa có một bằng chứng chắc chắn khẳng định sự tồn tại của những cá thể khác, ngoài 3 cá thể đã được ghi nhận. “Với tập tính cực kỳ bí ấn và hoang dã, việc ghi nhận thêm các các thể mới vô cùng khó khăn”, anh Hà chia sẻ.
Anh Hà cũng cho rằng, ngay cả với cá thể rùa thứ 2 ở hồ Đồng Mô vừa ghi nhận, vẫn cần thêm nhiều quan sát, những bức ảnh chất lượng hơn để có thêm cơ sở khẳng định.
Cá thể rùa Hoàn Kiếm đầu tiên ở hồ Đồng Mô được tìm thấy năm 2008, sau trận lụt lịch sử của Hà Nội. Ảnh: ATP
Trường hợp đây là cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ 3 tại Việt Nam sẽ mở rộng thêm cơ hội bảo tồn cho loài rùa quý hiếm nhất thế giới này. Trên thế giới hiện nay ghi nhận chính thức 3 cá thể rùa Hoàn Kiếm gồm một cá thể đực sống tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc và hai cá thể rùa của Việt Nam (một cá thể ở Xuân Khanh, một cá thể ở hồ Đồng Mô).Trước đó, tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030 với mục tiêu lâu dài là ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng rùa Hoàn Kiếm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong kế hoạch có đề xuất việc nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm đồng thời xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được. Từ đó đến 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội.
Các nhà bảo tồn cho rằng, Hà Nội cần nhanh chóng triển khai kế hoạch trên để bảo vệ và khôi phục quần thể rùa Hoàn Kiếm. Ngoài ra cần huy động nguồn lực để tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở ngoài tự nhiên. “Hy vọng tìm thấy thêm rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên vẫn còn sau khi chúng tôi tiến hành thu thập thông tin ở nhiều nơi nhưng chúng tôi đang thiếu nguồn lực để tìm kiếm tiếp”, đại diện ATP chia sẻ.