Vỡ mộng xuất khẩu lao động

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan. (Ảnh nhân vật cung cấp).
TP - Trước khi đi, người lao động được hứa hẹn đủ điều, nhưng khi sang nước bạn làm việc mới ngã ngửa vì thực tế khác hẳn, khiến nhiều người không chịu được, buộc phải bỏ trốn ra ngoài. Đây cũng là lý do khiến nhiều lao động Việt Nam bỏ hợp đồng để làm lao động bất hợp pháp, đặc biệt tại Đài Loan, Hàn Quốc.

Cùng đường nên phải trốn

Phản ánh với PV Tiền Phong, anh Võ Thanh T. (20 tuổi, quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, ngày gia đình nhận được khoản tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại do Formosa Hà Tĩnh gây ra, cả nhà bàn nhau dùng số tiền đó để lo cho T. đi Đài Loan làm việc.

Việc đưa T. đi thông qua ông Hoàng Kim Long và một người tên Đức - nhân viên Cty CP Simco Sông Đà (Hà Nội). Mức phí T phải trả là 5.800 USD (cao hơn quy định 800 USD). Với lời hứa sẽ được làm việc với chủ tốt, lương 21.000 Đài tệ/tháng (tương đương 15 triệu đồng/tháng - PV). Ngày 16/2/2017, T. lên đường sang Đài Loan.

Chủ ở Đài Loan yêu cầu T. làm đủ thứ việc, từ lái xe tới lắp máy, bốc xếp hàng hóa, dọn vệ sinh… dù hợp đồng chỉ lái xe nâng. “Làm được 8 ngày, ông chủ nói em lười làm nên đuổi”, T. nói. Trước khi T. bị đuổi, công ty này cũng thải 2 lao động Việt Nam khác (đã làm được khoảng 4 tháng), cũng với lý do lười làm.

“Em liên hệ với anh Đức và anh Long, họ bảo em về nước rồi bù thêm tiền để đi theo hợp đồng khác. Gia đình em đã bỏ ra 5.800 USD để được đi, làm chưa được đồng nào đã về sao được, tiền ai trả”,  T. nói.

Không việc, hết tiền, “màn trời chiếu đất”, T. được cộng đồng người Việt ở Đài Loan hỗ trợ ăn ở chờ tìm việc mới. Gần 2 tháng không tìm được việc mới, ngày 13/4, T. quyết định ra ngoài làm chui, dù biết rủi ro nhiều.

“Ở Việt Nam những người đưa em đi nói hay lắm, nhưng 2 tháng sống vật vờ, công ty chẳng hỗ trợ gì, thậm chí một câu hỏi thăm cũng chẳng có. Vì thế em phải trốn ra ngoài làm lao động chui chứ đâu còn cách nào khác”, T. tâm sự.

Tương tự, anh Bùi Văn Bình (30 tuổi, quê Cẩm Giàng, Hải Dương) sang Đài Loan làm việc nhưng công việc không giống như mô tả trong hợp đồng, buộc anh phải bỏ trốn để có tiền gửi về nhà trả nợ (Tiền Phong đã phản ánh trong loạt bài “Lao động bỏ trốn, thị trường xuất khẩu lao động lung lay”, khởi đăng ngày 24/11/2015).

Với những người phụ nữ sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc cũng xót xa không kém. Bà Nguyễn Thị Lụa (49 tuổi, ở xã Hoàng Hải, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) kể, đầu năm 2016, bà Nguyễn Thị Chinh cùng xã tới nhà khuyên đi Ả Rập Xê Út làm giúp việc, không mất tiền đi còn được hỗ trợ thêm.

Sau 1 tuần học, ngày 10/3/2016, bà Lụa cùng 3 người khác trong xã lên đường ôm giấc mơ đổi đời. “Hợp đồng ngày làm 8 tiếng, nhưng sang đó họ bắt tôi làm từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm. Làm cho nhà chủ xong, họ bắt tôi tới nhà con họ làm tiếp. Họ nói mất tương đương gần 100 triệu đồng tiền Việt Nam để mua tôi về nên tôi phải làm theo họ yêu cầu”, bà Lụa nhớ lại.

Làm được 1 tháng, bà Lụa phản kháng, nhà chủ bán bà Lụa cho nhà thứ 2, rồi thứ 3. Để được về nước bà Lụa phải bồi thường, công ty đưa đi thì từ chối nghĩa vụ. “Người môi giới đòi nhà tôi 80 triệu đồng, sau xuống 60 triệu đồng và hứa khoảng 15 ngày sẽ được về.

Tuy nhiên, khi đưa tiền, người liên lạc phía Ả Rập Xê Út không đưa tôi về. Họ lấy hết đồ đạc, giấy tờ và bỏ tôi ở đồn công an, rồi nói tôi bỏ trốn bị công an bắt. Ở đồn công an hơn 6 tháng, nhà cũng chạy vạy khắp nơi, từ huyện tới tỉnh, qua cả Sở LĐ-TB&XH nhưng không được.

Cuối cùng nhà tôi phải nhờ tới công an tỉnh, khi đó mới thông qua Đại sứ quán Việt Nam và công an nước họ để làm giấy tờ cho tôi về ngày 5/2/2017”, bà Lụa kể lại. Cùng đợt đi với bà Lụa có 4 người cùng xã (nhưng 2 người không chịu được đã về, 1 người cũng đang xin về).

Lỗi do lao động?

Ông Nguyễn Thiện Mỹ, Phó tổng giám đốc Cty Simco Sông Đà cho biết, trường hợp lao động Võ Thanh T. là đi theo hợp đồng tuyển dụng của CP Mỹ thuật Trung ương (Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên, công ty này nhờ Simco Sông Đà hỗ trợ.

Sau đó T. được đưa sang Đài Loan làm việc tại Cty Hâm Châu (Đài Trung, Đài Loan), làm được vài ngày chủ đánh giá T. không hợp tác nên chấm dứt hợp đồng. “T. đang trong thời gian chờ tìm chủ mới, nhưng mấy hôm nay chúng tôi không thể liên lạc với T.”, ông Mỹ nói.

Theo ông Mỹ, có thể trong khi chờ giải quyết, anh em công ty nói T. về nước tìm hợp đồng khác, nếu về phải bỏ thêm chi phí vé máy bay, thủ tục để đi lại. Tuy vậy, khi phóng viên liên hệ lại với T., cậu cho biết, nhân viên công ty đã biết cậu bỏ trốn ra ngoài, thậm chí còn nhắn cậu trốn cho kỹ.

Về việc T. chưa qua đào tạo định hướng việc làm vẫn được Simco Sông Đà đưa đi, ông Mỹ lý giải, quy định phải đào tạo, nhưng nhiều khi do yêu cầu hợp đồng, thời gian đào tạo có thể ngắn hơn.

Báo cáo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng đã tồn tại trong nhiều năm qua. Đã có nhiều giải pháp được áp dụng, nhưng chưa thực sự hiệu quả, nên vẫn triển khai tiếp.

Lao động Việt tại Đài Loan bỏ trốn nhiều, theo ông Diệp, do có một bộ phận lao động ý thức pháp luật kém, dễ bị rủ rê ra làm chui; việc làm, thu nhập không ổn định nên muốn ra ngoài tìm việc lương cao hơn; hết hợp đồng không muốn về.

Cùng với đó, việc tuyển chọn, đào tạo, quản lý, hỗ trợ của các công ty xuất khẩu lao động chưa tốt… Với những lỗi đó, hơn 3 tháng đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH đã xử phạt, tạm đình chỉ và rút giấy phép một loạt công ty xuất khẩu lao động vi phạm (động thái chưa làm mạnh trong năm 2016). Tính tới nay, cả nước đã có 46 công ty bị thu hồi giấy phép xuất khẩu lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 25.900 lao động bỏ hợp đồng đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan, chiếm gần 1 nửa số lao động nước ngoài bất hợp pháp tại nước này. Với thị trường Ả Rập Xê Út, trong tháng 3 vừa qua đã tiếp nhận 191 lao động Việt Nam, trong đó có tới 170 lao động nữ, chủ yếu làm giúp việc gia đình.

MỚI - NÓNG