Vỡ mộng vì mua phải dự án condotel 'đất ở không hình thành đơn vị ở'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều khách hàng bỏ tiền tỷ mua biệt thự, căn hộ condotel tại những dự án bất động sản được tỉnh Khánh Hòa sáng tác “đất ở không hình thành đơn vị ở” sai quy định đang khốn đốn khi quyền lợi không được đảm bảo.

Khách hàng vỡ mộng

Dù không có trong Luật Đất đai, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cấp “đất ở không hình thành đơn vị ở” cho hàng chục dự án trong 3 năm liên tục từ 2016 - 2018. Vì không có quy định, nên hệ lụy là hàng loạt khách hàng mua căn hộ condotel tại dự án có loại hình “đất ở không hình thành đơn vị ở” không được cấp sổ đỏ, không đảm bảo quyền lợi như cam kết dẫn đến khiếu kiện, tố cáo kéo dài.

Đơn cử, trong thời gian qua khách hàng mua căn hộ Condotel tại dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Cam Ranh (thuộc phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh).

Dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2009 với thời gian hoạt động 50 năm. Trải qua 12 năm, đến nay, dự án này có 5 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Vỡ mộng vì mua phải dự án condotel 'đất ở không hình thành đơn vị ở' ảnh 1

Suốt 2 năm qua, nhiều khách hàng mua căn hộ Condotel dự án này liên tục phản ánh về việc dự án chậm tiến độ, chậm bàn giao căn hộ cho khách hàng. Bên cạnh đó, khách hàng mua nhà cũng đang khiếu kiện chủ đầu tư ra TAND TP Cam Ranh (tòa đã thụ lý vụ việc) yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán căn hộ giữa các bên là vô hiệu, đồng thời buộc chủ đầu tư phải trả lại số tiền đã mua căn hộ trước đó và bồi thường thiệt hại.

Chị Q, người mua nhà, tố cáo chủ đầu tư đánh tráo khái niệm, cam kết cấp “sổ hồng” cho khách hàng ngay từ khi ký hợp đồng mua nhà. Theo chị Q, không có cái gọi là "sổ hồng" trong thực tế bởi dự án được Nhà nước cấp thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (năm 2009), đến nay thực hiện dự án chỉ còn 37 năm.

Theo các khách hàng, dự án đến nay chưa thể bàn giao cho khách hàng do chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất.

Cũng vướng mắc liên quan đến loại hình “đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở)” tại dự án gần sân bay Cam Ranh, khi mới đây, hàng chục khách hàng mua biệt thự tại dự án này xuống đường băng rôn, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đứng ra tổ chức đối thoại 3 bên tại dự án nói trên.

Theo các khách hàng, từ năm 2016 họ mua biệt thự tại đây. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã quá 12 tháng kể từ khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng nhưng vẫn chưa nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất.

"Rơi" tiền tỷ ngồi chờ hướng dẫn xử lý

Liên quan dự án trên, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã đề nghị chủ đầu tư thực hiện theo yêu cầu của UBND tỉnh điều chỉnh tính chất "đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở)" sang đất thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư không đồng thuận với lý do dự án này đã hoàn thành, dự án đã được Bộ Xây dựng thẩm định và đi vào hoạt động.

Vỡ mộng vì mua phải dự án condotel 'đất ở không hình thành đơn vị ở' ảnh 2

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay các dự án liên quan đến "đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở)" đa số nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên đang đợi hướng dẫn xử lý. Chủ đầu tư muốn chuyển đổi tính chất sử dụng đất phải điều chỉnh quy hoạch, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư thì Sở mới có căn cứ xử lý các bước tiếp theo.

Về việc xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính của các dự án condotel tại Cam Ranh, cuối tháng 12/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa xác nhận, chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất. Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường đang thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất của dự án.

Tại Thông báo kết luận số 1919 của Thanh tra Chính phủ (ngày 4/11/2020) về 35 dự án chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác ở tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng quá trình thực hiện các dự án đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chủ yếu do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại "đất ở không hình thành đơn vị ở". Tuy nhiên, kết luận thanh tra cũng nêu rõ, tập trung xử lý vấn đề nêu trên theo hướng:

khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ; không gây ách tắc dòng vốn đầu tư đã và đang phát triển mạnh, không gây xáo trộn đột biến ảnh hưởng đến thu hút đầu tư ở những địa phương đã thực hiện; hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư; có giải pháp giải quyết đồng bộ mà trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành.

MỚI - NÓNG