> V.League chưa quyết suất lên, xuống hạng
> V.League rối trước ngày bốc thăm
Gánh nặng tài chính sẽ buộc các CLB phải tự điều chỉnh lại quỹ chi tiêu để tồn tại, hướng tới phát triển.
V.League 2014 chưa khởi tranh nhưng vừa qua lại bị “giáng” thêm một đòn mới với thông tin Cty xi măng Vicem trả lại đội bóng cho thành phố. Chuyện này làm dấy lên những lo lắng, Hải Phòng sẽ nối gót K.Kiên Giang và Bình Định rút khỏi bóng đá.
Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, thành viên BTC VPF là ông Trần Duy Ly khẳng định, phía Hải Phòng đã cam kết sẽ tiếp tục tham gia giải. Theo ông Ly, Hải Phòng chỉ đang thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý đội bóng, nhằm phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn theo hướng dẫn của VFF.
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng hôm qua cũng lên tiếng xác nhận điều này khi khẳng định, sẽ không có chuyện CLB rút khỏi V.League 2014. Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đan Đức Hiệp cho biết, sau khi nhà tài trợ rút lui, đội bóng sẽ do thành phố trực tiếp quản lý. CLB sẽ có một loạt điều chỉnh về mặt nhân sự nhằm hoạt động tốt hơn trong năm 2014.
Bất chấp tuyên bố của những người có trách nhiệm, sự kiện diễn ra đối với Hải Phòng vẫn khiến bầu không khí V.League trước mùa giải mới thêm kém tươi.
Trong 2 năm trở lại đây, dư luận đã liên tiếp phải chứng kiến cảnh các doanh nghiệp tháo chạy khỏi bóng đá do không chịu được gánh nặng về tài chính. Gần nhất chính là trường hợp của K.Kiên Giang và Bình Định. K.Kiên Giang để lại nhiều hệ lụy hơn khi kết thúc mùa giải 2013 đội bóng này vẫn còn nợ đọng tiền lương, thưởng cho các cầu thủ. Suốt nhiều tháng qua, các cầu thủ của đội bóng này đã phải chạy vạy, kêu cầu khắp nơi và thậm chí nhờ tới cả tư vấn của luật sư để đòi CLB thanh toán lương.
Những đội bóng nào không đáp ứng được yêu cầu về tài chính thì đều bị loại rồi. Khó khăn kinh tế như vậy sẽ ‘sàng lọc’ bớt những nhân tố yếu và chỉ giữ lại các nhân tố khỏe. Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn |
Trước sức ép từ nhiều phía, lãnh đạo CLB K.Kiên Giang từng rao bán đội bóng. Tuy nhiên, suất thăng hạng V.League trước kia vốn có giá trị hàng chục tỷ đồng thì nay “cho không” chẳng ai nhận. LĐBĐVN (VFF) vừa qua đã có văn bản đốc thúc K.Kiên Giang trả nợ, nhưng khả năng các cầu thủ của đội bóng này được thanh toán tiền vẫn rất mờ mịt.
Trước K.Kiên Giang, một đội bóng khác là Xi măng Xuân Thành Sài Gòn cũng phải tuyên bố giải thể. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyết định trên của Xuân Thành Sài Gòn xuất phát từ quyết định trừ 4 điểm đội bóng này của Ban kỷ luật VFF. Tuy nhiên, lý do thật sự lại được cho cũng xuất phát từ tình hình tài chính khó khăn. Cố mãi, nhưng rốt cuộc anh em ông bầu Nguyễn Đức Thủy cũng phải dừng cuộc chơi.
Trao đổi với Tiền Phong, TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn dự báo, tình hình khó khăn đối với các CLB sẽ vẫn còn tiếp tục trong khoảng 1,2 năm tới. “Bóng đá cũng không thoát khỏi quy luật chung, chịu sự chi phối của tình hình kinh tế xã hội. Khủng hoảng kinh tế khiến các doanh nghiệp đang lao đao nên không thể đòi hỏi bóng đá được đầu tư mạnh như trước”- ông Viễn nói.
Theo TGĐ Phạm Ngọc Viễn, điểm tích cực của giai đoạn này là các CLB để tồn tại sẽ buộc phải xây dựng lại kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý hơn, thay vì phung phí như trước. Điều này rất có ích cho các CLB trong quá trình phát triển lâu dài về sau.
“Những đội bóng nào không đáp ứng được yêu cầu về tài chính thì đều bị loại rồi. Ví dụ như K.Kiên Giang hay Bình Định. Khó khăn kinh tế như vậy sẽ “sàng lọc” bớt những nhân tố yếu và chỉ giữ lại các nhân tố khỏe. Về tương lai khi đã qua được khủng hoảng, các đội bóng chắc chắn sẽ có điều kiện để phát triển mạnh hơn”- ông Viễn cho biết.
TGĐ Phạm Ngọc Viễn hôm qua xác nhận, ngay cả VPF cũng đang rất khó khăn để gây được nguồn thu đủ cho công tác chi tiêu ở mùa giải tới. Hiện, công ty mới chỉ kiếm được tầm trên 60 tỷ đồng, khoảng 2/3 số tiền dự thu theo kế hoạch.