Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI

Vĩnh Phúc: Điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư

Dây chuyền sản xuất xe máy trong nhà máy Piagio.
Dây chuyền sản xuất xe máy trong nhà máy Piagio.
TP - Năm 2014, Vĩnh Phúc đã vươn lên đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng 20 bậc so với năm 2013. Với phương châm coi nhà đầu tư là công dân Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, những năm qua nơi đây thực sự là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, thu ngân sách trên địa bàn cũng tăng 200 lần so với thời điểm tái lập tỉnh.

Coi nhà đầu tư là công dân Vĩnh Phúc

Trong 5 năm (từ 2010- 2015), Vĩnh Phúc đã có những cải cách mạnh mẽ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đang hoạt động cũng như thu hút doanh nghiệp khác đầu tư tại địa phương. Điều đó được thể hiện rõ nét qua sự cải thiện về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo kết quả xếp hạng về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012, thứ hạng PCI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố. Thực tế của vấn đề xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan như: Suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp còn hạn chế về kiến thức pháp luật; chưa có chương trình, kế hoạch, giải pháp tổng thể để phát triển môi trường đầu tư; công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều bất cập... Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, nhằm làm rõ nguyên nhân và đề ra những giải pháp mạnh mẽ có tính đột phá, định hướng mang tính chiến lược. Ngày 24/7/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1879/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2013 - 2015” với mục tiêu nhằm tạo ra sự chuyển biến trong hệ thống chính trị đối với công tác điều hành nền kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó cải thiện, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư và kinh doanh tại Vĩnh Phúc. Đồng thời, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng... nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc. Ban chỉ đạo đã tiến hành khảo sát, đánh giá về một số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, qua đó tập trung cải thiện những chỉ số có thứ hạng thấp: Tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh; Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số cải cách hành chính; Tính minh bạch và tiếp cận thông tin...

Song song với phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính là một trong những trọng tâm của tỉnh. Cán bộ tiếp dân bộ phận “một cửa” được đào tạo nâng cao nhận thức, tư duy, từ hành chính thành dịch vụ phục vụ người dân. Khi tổ chức, cá nhân đến giao dịch, đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Quán triệt tinh thần hướng dẫn một lần, để nhà đầu tư, người dân đến giao dịch có sự thoải mái, hài lòng. Sở KH-ĐT thành lập Tổ cải cách Thủ tục hành chính gồm lãnh đạo Sở, các phòng ban giám sát việc thực hiện cải cách.

“Vĩnh Phúc đang có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư”.

Ông Lương Văn Long, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vĩnh Phúc

Ông Lương Văn Long, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vĩnh Phúc cho biết, mỗi nhà đầu tư đến với tỉnh đều được coi như một người dân Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Mọi tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp đều được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, tiếp thu, trực tiếp chỉ đạo giải quyết. “Vĩnh Phúc đang có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư”, ông Long nói.

Vĩnh Phúc: Điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư ảnh 1

Ông Lương Văn Long.

Nhờ quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, năm 2014, Vĩnh Phúc vươn lên vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành trong Bảng xếp hạng PCI cả nước và trở lại “top” dẫn đầu. Năm 2014, hầu hết điểm các tiêu chí thành phần của Vĩnh Phúc đều tăng so với các năm 2012, 2013. Trong đó, các chỉ số: Khả năng tiếp cận đất đai, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý đều tăng đáng kể so với năm 2012. Đến hết tháng 9/2015, toàn tỉnh đã thu hút 797 dự án, gồm 598 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 43.346,8 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 17.141 tỷ đồng, đạt 39,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và 199 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 3.174 triệu USD, vốn thực hiện ước 1.753 triệu USD, đạt 55,23% vốn đăng ký. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 78%. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội.

Thu ngân sách tăng 200 lần từ khi tái lập tỉnh

Sau ngày tái lập tỉnh Vĩnh Phúc 1/1/1997, nhận thức rõ nhiệm vụ, chức năng của tài chính trong thời kỳ mới, ngành Tài chính Vĩnh Phúc đã hướng về phục vụ, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chăm lo phát triển sản xuất kinh doanh; động viên, phát triển nguồn lực; chú trọng phân phối, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả. Ngành Tài chính tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, chung sức phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng theo Nghị quyết mà Đảng bộ đã đề ra. Từ một tỉnh có số thu ngân sách thấp, năm 1997 tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn chỉ đạt con số khiêm tốn 110 tỷ đồng. Vậy mà chỉ 5 năm sau, năm 2002, tổng thu NSNN trên địa bàn vượt mốc 1.000 tỷ đồng, đặc biệt từ năm 2004 Vĩnh Phúc không những đã tự cân đối được ngân sách địa phương mà còn đóng góp cho ngân sách Trung ương 14%. Đáng tự hào hơn nữa, năm 2009, Vĩnh Phúc có số thu NSNN vượt qua con số 10.000 tỷ đồng. Đến năm 2014 số thu NSNN của Vĩnh Phúc đã đạt con số ấn tượng: trên 20.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015 số thu đạt 22.000 tỷ đồng. Như vậy so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, số thu NSNN trên địa bàn tỉnh tăng 200 lần (đứng thứ 9 về tổng thu ngân sách, đứng thứ 7 về thu nội địa trong 63 tỉnh, thành phố). Nền tài chính Vĩnh Phúc đã chuyển từ bị động, sang tự chủ và đã chủ động trong điều hành ngân sách địa phương. 

So với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, số thu NSNN trên địa bàn tỉnh tăng 200 lần (đứng thứ 9 về tổng thu ngân sách, đứng thứ 7 về thu nội địa trong 63 tỉnh, thành phố). 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Tài chính tỉnh đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Thu nội địa còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là số thu từ hoạt động sản xuất lắp ráp xe ô tô của Công ty Toyota và Công ty Honda. Theo lộ trình cắt giảm thuế với các nước ASEAN thì đến năm 2018, thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc sẽ về 0%. Do vậy, các doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp xe ô tô tại Vĩnh Phúc đang cân nhắc việc tiếp tục sản xuất hay nhập khẩu xe nguyên chiếc về bán. Nếu các công ty này ngừng sản xuất, thì nguồn thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy, thời gian tới, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, tỉnh tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư. Đồng thời đề cao tính chọn lọc trong thu hút đầu tư, thu hút được các doanh nghiệp có hàm lượng chất lượng cao. Song song với thu hút, cần tăng cường chi đầu tư phát triển sản xuất, tạo nguồn thu mới. Đầu tư có trọng điểm vào lĩnh vực sản xuất. Tạo môi trường thu hút các doanh nghiệp mới. Hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực chưa tạo ra hiệu quả kinh tế.

Vĩnh Phúc: Điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Hùng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), phấn đấu trở thành tỉnh có nguồn thu nội địa thuộc tốp 5 trong cả nước, ngành Tài chính Vĩnh Phúc đề ra một số giải pháp về thu ngân sách như: Có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu ổn định cho NSNN; Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách, thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triển khai đồng bộ các biện pháp chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, tuyên truyền vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục thực hiện triển khai thuế qua mạng internet và nộp thuế điện tử nhằm thực hiện đơn giản hóa thủ thục hành chính thuế. Giảm mạnh thời gian, chi phí của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, để thu hút đầu tư bền vững, Vĩnh Phúc cũng đang tổ chức tốt việc đào tạo nguồn nhân lực, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện Vĩnh Phúc đang triển khai tốt việc phân luồng học sinh, đào tạo nghề ngay từ bậc THPT. Khi ra trường, học sinh sẽ vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng đào tạo nghề, thuận lợi để làm việc ngay tại các nhà máy trên địa bàn.

Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ

Nói về thành tựu phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc, không thể không nhắc đến ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của tỉnh: Du lịch. Nằm ở vị trí thuận lợi để phát triển du lịch: Cửa ngõ vào Thủ đô, gần Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử độc đáo cùng các danh thắng: Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc... Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã sớm ban hành Nghị quyết 01 về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh giai đoạn 2011-2020, đây chính là tiền đề để ngành du lịch Vĩnh Phúc có những khởi sắc. Nhiều dự án đã được triển khai qua sự chung tay giữa ngân sách và nhà đầu tư, tập trung chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: điện chiếu sáng, đường giao thông, cấp, thoát nước, quy hoạch từng vùng du lịch... Một số doanh nghiệp đã tạo được uy tín gắn liền với những địa danh du lịch Vĩnh Phúc như: Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng đầu tư hiệu quả cáp treo Tây Thiên tại Tam Đảo với công suất chuyên chở từ 1.000 đến 1.800 khách/giờ; Công ty CP thương mại Sông Hồng Thủ đô phát triển du lịch Đầm Vạc; Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải với khu nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Đại Lải Resort, được đánh giá là một trong 10 điểm đến lý tưởng của thế giới…

MỚI - NÓNG