Ga Hà Nội là ga đường sắt đầu não trong hệ thống đường sắt quốc gia
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra tại cuộc hộp về xã hội hóa các dự án đường sắt sáng nay 20/4.
“Đà Nẵng đã có quy hoạch và phương án di dời ra khỏi trung tâm của thành phố du lịch này, nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng hạ tầng trên nhà ga cũ là hợp lí và hài hòa. Đối với ga Hà Nội và ga Sài Gòn, cũng cần có những nghiên cứu cụ thể để hiện đại hóa nhà ga mà Nhà nước không phải bỏ tiền” - Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan nghiên cứu lộ trình nhượng quyền khai thác các nhà ga, trong đó cần lưu ý đến việc công khai minh bạch để thu hút thêm các nhà đầu tư và tiến hành đấu thầu chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực nhượng quyền.
“Nếu chỉ có 1 nhà đầu tư thì báo cáo Chính phủ để có chỉ định trên cơ sở đàm phán nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, nhưng nhiều nhà đầu tư thì cần tổ chức đấu thầu công khai minh bạch” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ngay tại cuộc họp xã hội hóa đường sắt sáng nay, việc mua lại các tuyến tàu trọng điểm cũng được Tập đoàn Sungroup đề xuất tới Bộ GTVT. Chủ tịch Tập đoàn này là ông Trần Thanh Sơn khẳng định sẽ bỏ tiền ra mua mới 20 toa xe và trang bị nội thất hiện đại, dịch vụ tối ưu nhất để phục vụ khách du lịch.
"Sungroup quan tâm tới các đoàn tàu chạy trên tuyến du lịch Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai. Khách có nhu cầu đi tàu rất lớn, có cả khách nước ngoài, nhưng theo phân khúc và muốn đi tàu theo tiêu chuẩn châu Âu, ít thời gian…
Chúng tôi sẽ đầu tư các toa xe, trên tàu sẽ có hạng C giống như máy bay, ban đầu là phục vụ khách du lịch của Sun Group, sau đó chúng tôi sẽ phục vụ đại chúng hơn" - ông Sơn cho biết.
Ông Sơn đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nếu Bộ GTVT đồng ý thì Sungroup sẽ triển khai ngay.