Theo đó, Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với Công ty Cổ phần Vinpearl Nha Trang. Giá chuyển nhượng thực hiện theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở kết quả thẩm định của tổ chức có chức năng tư vấn, thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
Số cổ phần còn lại 15,070 triệu cổ phần chuyển cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo hình thức bàn giao vốn nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines xây dựng phương án xác định vốn điều lệ và phương án cổ phần hóa theo hướng giảm nguồn vốn chủ sở hữu tại Vinalines tương ứng với giá trị cổ phần chuyển giao cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý.
UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi tiếp nhận phần vốn Vinalines bàn giao, thực hiện thoái vốn theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối. Toàn bộ tiền thu từ thoái vốn, UBND tỉnh Khánh Hòa nộp vào Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Vào tháng 8/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý để Công ty Cổ phần Vinpearl - thuộc Tập đoàn Vingroup - mua lại 8,5 triệu cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của cảng Nha Trang. Khoản tiền này tương ứng với giá trị đầu tư của Vinalines cho cảng Nha Trang, do đó khi chuyển nhượng lại cho Vinpearl sẽ đáp ứng cho công tác tái cơ cấu Vinalines hiện nay.
Trong năm 2014, Công ty Cổ phần Cảng Nha Trang xác định giá trị của cảng trên 245 tỷ đồng.
Ngoài việc bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại công ty hơn 2,3% vốn điều lệ, số cổ phần bán đấu giá công khai chiếm hơn 22,6% vốn điều lệ đã không hấp dẫn các nhà đầu tư bên ngoài, do lâu nay cảng hoạt động kém hiệu quả.