Viettel bỏ cước roaming 3 nước Đông Dương từ 1/1/2017

Viettel bỏ cước roaming 3 nước Đông Dương từ 1/1/2017
TPO - Thực hiện cam kết mới đây của Chính phủ Việt Nam với nguyên thủ các nước Lào, Campuchia để tạo điều kiện giao thương kinh tế văn hóa giữa các nước,  Viettel tuyên bố sẽ bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương từ 1/1/2017.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết: Từ 1/1/2017, Viettel sẽ áp dụng chính sách tính cước cuộc gọi roaming sang Campuchia và Lào như cước liên lạc viễn thông trong nước. Cụ thể, các thuê bao Viettel khi gọi đến các thuê bao Metfone (thương hiệu của Viettel tại Campuchia) và Unitel (thương hiệu của Viettel tại Lào) sẽ được tính như cước cuộc gọi di động trong nước bình thường.

Quyết định này sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng về viễn thông ở tầm thế giới do từ trước đến nay cước roaming quốc tế luôn là một nguồn thu quan trọng của tất cả các nhà mạng trên thế giới. Đến nay Viettel đã sẵn sàng các điều kiện kỹ thuật để có thể thực hiện cơ chế tính cước liên lạc nội vùng nói trên kể từ 1/1/2017. Có thể nói, nếu những ý tưởng và giải pháp kỹ thuật này được thực hiện thì sẽ là đóng góp rất lớn của Viettel đối với việc phát triển kinh tế trong khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

“Thực sự trên thế giới chưa có vùng kinh tế nào thực hiện bỏ cước roaming. Ngay cả EU cũng đã bàn đến vấn đề này từ lâu nhưng chưa thực hiện được. Nhiều quốc gia trong liên minh châu Âu  không có biên giới cứng, nhưng khi ra khỏi biên giới thì cuộc gọi sẽ bị tính cước roaming quốc tế với mức 2 USD/phút và cước roaming data thì đắt hơn 500 lần cước data ở Việt Nam. Việc Viettel thực hiện bỏ cước roaming giữa các mạng di động của mình ở Lào và Campuchia là sự kiện đầu tiên trên thế giới thực hiện chính sách này” ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi Viettel thực hiện chính sách bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương, cái được lớn nhất là thể hiện tình cảm thiết thực, thân thiện gần gũi của 3 nước láng giềng và thúc đẩy tam giác kinh tế. Khi đó, cuộc gọi giữa 3 quốc gia này cũng giống như cuộc gọi tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp người dân liên lạc với nhau nhiều, thúc đẩy việc giao thương của người dân và doanh nghiệp giữa các nước Đông Dương.

Tổng giám đốc Viettel còn cho rằng, việc Viettel thực hiện bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương chắc chắn sẽ tác động đến các khối kinh tế trên thế giới để lan tỏa chính sách này. Lãnh đạo Viettel cũng cho biết, cùng với việc bỏ cước roaming giữa 3 nước Đông Dương, Viettel đang xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình kết nối 3 Thủ tướng, 3 Chính phủ đồng thời thực hiện hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử ở ba quốc gia.

Chính sách miễn cước chuyển vùng (roaming) đã được Bộ trưởng CNTT và Truyền thông các nước ASEAN bắt đầu thảo luận từ năm 2013. Tại thời điểm đó, Bộ trưởng CNTT và Truyền thông Indonesia Tifatul Sembiring cho rằng, việc miễn cước này nhằm mục tiêu giúp công dân ASEAN không cần phải trả phí chuyển vùng, khi thực hiện cuộc gọi trong phạm vi các nước ASEAN. Chính sách sẽ làm lợi cho người dân ASEAN nhờ chi phí liên lạc rẻ hơn.

Việc tháo gỡ rào cản về phí chuyển vùng là vấn đề được đặt ra từ khá lâu và cũng được ông Sembiring nhắc tới, trong một sự kiện hồi năm 2012. Vào thời điểm đó, ông hi vọng phí chuyển vùng có thể bị xóa bỏ trong “hai năm tới”, tức là năm 2014.

Tuy nhiên, đại diện nhà mạng StarHub (Singapore) cho rằng, còn quá sớm để đánh giá tính khả thi của đề nghị này và “chưa có tiền lệ về việc miễn phí cước chuyển vùng trên thế giớiNăm 2013, Liên minh châu Âu (EU) cũng muốn thực thi nhiều chính sách nhằm đạt được mục tiêu hạ thấp mức cước chuyển vùng khu vực, ngang bằng phí chuyển vùng nội địa kể từ năm 2005.

Theo tính toán, việc chấm dứt các loại phí roaming sẽ khiến doanh thu các nhà mạng sụt giảm 2%. Châu Âu đã trải qua nhiều năm liền thắt chặt các chính sách quản lý nhằm chấm dứt tình trạng người tiêu dùng, đặc biệt là những người thường xuyên đi công tác nước ngoài hoặc những người đi du lịch “hoảng hốt” với mức phí viễn thông sử dụng tại châu Âu.

Tuy vậy, các quan chức cho rằng về lâu dài các nhà mạng sẽ hưởng lợi với chính sách hủy bỏ phí roaming này vì người tiêu dùng sẽ sử dụng điện thoại nhiều hơn khi ở nước ngoài, đặc biệt là truy cập Internet. Những cải tổ này được đưa ra nhằm khuyến khích hợp nhất các nhà mạng viễn thông châu Âu.

Tuy nhiên, chi đến thời điểm này, EU mới dừng lại ở mức tiến hành bỏ phiếu thông qua bỏ cước roaming từ sau tháng 6/2017.  Tuy nhiên, đến nay EU vẫn chưa thống nhất về mức trần giá bán buôn giữa các nhà mạng để cân bằng giữa lợi ích doanh nghiệp - người dân.

MỚI - NÓNG