Theo đó, VNA cho biết nhu cầu cho thuê tàu bay cả thuê khô, thuê ẩm hoặc thuê ướt các tàu bay thân hẹp (A321), hoặc tàu bay thân rộng (A350-900, B787-9/10). Thời gian cho thuê là 6 tháng (hoặc theo nhu cầu), dự kiến bắt đầu từ tháng 4/2020.
Hình thức thuê khô là chỉ cho thuê mình tàu bay; thuê ẩm là thuê tàu bay và các dịch vụ kỹ thuật, bảo hiểm đi kèm nhưng không có tổ bay; còn thuê ướt là thuê máy bay bao gồm bảo hiểm, tổ bay, kỹ thuật mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng.
Trước đó, vào tháng 10/2019, VNA cũng thông báo muốn cho thuê ướt 2 tàu bay thân rộng Airbus A350. Với thời gian thuê từ 6 tháng đến 3 năm.
Cũng trong tháng này, VNA thông báo muốn thuê khô 12 tàu bay A320/A321NEO mới từ các đối tác, với thời gian VNA thuê là 143 tháng, dự kiến nhận tàu trong năm 2021-2022.
Thông báo cho thuê tàu bay của VNA được đưa ra trong bối cảnh dịch virus Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, đặc biệt tại Trung Quốc. Để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, từ ngày 1/2 vừa qua, tất cả các đường bay đi/đến giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tạm dừng khai thác, và chưa hẹn ngày mở trở lại.
Theo đánh giá của Cục Hàng không, ước tới tính sợ bộ, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có thể chịu thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng vì dịch Covid-19.
Trong một chia sẻ mới đây, Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cũng nhìn nhận, hãng chịu thiệt hại khi nhu cầu đi lại của hành khách giảm đáng kể. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng số khai thác của VNA, nên việc dừng các chuyến bay đi/đến Trung Quốc đã làm giảm khoảng 70.000 khách di chuyển mỗi tháng giữa 2 quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc.
Theo ông Thành, giả định thị trường có thể phục hồi vào tháng 7 tới, VNA có thể thiệt hại lên tới 196 triệu USD (tương đương hơn 4.500 tỷ đồng) do dịch Covid-19.
Để ứng phó với thiệt hại do dịch bệnh Covid-19, hãng hàng không Cathay Pacific (Hồng Kông) chọn cách yêu cầu tất cả 27.000 nhân viên của mình luân phiên nghỉ 3 tuần không lương trong những tháng tới. Điều này do sự sụt giảm lớn về số lượng khách du lịch đến và qua Hồng Kông, Trung Quốc đại lục và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tới nay, Cathay Pacific đã phải cắt giảm 30% số đường bay trên toàn thế giới trong 2 tháng, riêng với Trung Quốc đại lục phải cắt giảm tới 90% công suất.